Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Chiến thuật “nước rút” ôn thi môn Hóa giúp thí sinh “kiếm trọn” điểm tuyệt đối.

Cập nhật 14/06/2021 - 11:45:57 AM (GMT+7)

GD&TĐ - Để có chiến thuật ôn thi tốt trong giai đoạn cuối, học sinh cần bám sát vào cấu trúc và mức độ đề minh họa của Bộ GD&ĐT năm 2021. Đó là lời khuyên của giáo viên môn Hóa học tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI. 

 

Thầy Nguyễn Ngọc Anh - giáo viên môn Hóa học tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI.

 

Theo thầy Nguyễn Ngọc Anh giáo viên môn Hóa học tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI, đề thi THPT môn Hóa năm 2021 của Bộ GD&ĐT mới công bố đã bám sát nội dung chương trình được giảm tải.

Về độ khó: Độ khó tương đương đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020; Có sự giảm số lượng câu bài tập tính toán so với đề thi THPT những năm trước.

Về nội dung: Có 90% câu hỏi thuộc chương trình lớp 12, còn lại là kiến thức lớp 11...

Phương pháp ôn tập hiệu quả và kĩ năng làm các dạng bài thường xuyên xuất hiện trong đề thi môn Hóa học:

Theo thầy Ngọc Anh để ôn tập hiệu quả trong giai đoạn này, học sinh nên bám sát vào cấu trúc và mức độ đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT năm 2021. Dựa vào cấu trúc thì điểm đặc biệt là số câu hỏi lý thuyết chiếm tỉ lệ rất cao so với những năm trước, cụ thể lý thuyết chiếm 7,0 điểm.

Cấu trúc này sẽ không thay đổi ở đề chính thức. Phần lý thuyết thực tế không quá khó kiếm điểm, học sinh có thể kiếm tuyệt đối điểm số phần lý thuyết nếu thực sự nắm chắc chắn và rõ bản chất các vấn đề trong phạm vi đề thi. Phần bài tập tính toán, chỉ có 4 câu khó và cũng chỉ chiếm 1 điểm trong đề thi, các câu hỏi còn lại cũng hoàn toàn không khó chinh phục.

Cần ôn chắc các dạng bài tập cơ bản, đây chính là vùng kiếm điểm chính trong đề thi. Hạn chế các kiến thức còn nhớ nhầm, nhớ sai, hoặc vẫn chưa nắm thật rõ bản chất.

Nhiều năm qua, chúng ta vẫn thấy có sự khác nhau giữa đề tham khảo và đề chính thức ở các câu bài tập tính toán VD, VDC. Điều này cũng hoàn toàn hợp lý vì các dạng bài tập tính toán có nhiều nhưng không thể chọn lựa hết vào 1 đề. Như vậy, với các bạn có mục tiêu cao thì cần luyện thêm các dạng bài tập tính toán chưa xuất hiện trong đề tham khảo 2021, nhưng đã xuất hiện trong đề thi các năm trước để tham chiếu.  

Thầy Ngọc Anh cũng lưu ý, giai đoạn này chúng ta nên tập trung luyện đề, sau đó đánh giá lại phần kiến thức còn yếu để tập trung ôn lại, chứ không nên ôn dàn trải toàn bộ. 

Thường các câu lý thuyết khó ở phần đếm số phát biểu, đếm phản ứng, đếm số chất, câu biện luận CTCT este, câu thí nghiệm hóa học. Học sinh muốn lấy điểm các câu hỏi này cần nắm chắc các kiến thức ở mức độ hiểu biết sâu và hiểu bản chất thì sẽ không gặp trở ngại.

Các câu VDC thì học sinh cần nắm rõ các kĩ năng sơ đồ hóa, biện luận, phân tích dữ kiện, và phải nắm thật chắc lý thuyết, vì các bài VDC thì sẽ không viết các phương trình phản ứng để tránh mất thời gian, thay vào đó, học sinh phải nắm được các quá trình phản ứng xảy ra, và hình dung được ngay các sản phẩm tạo thành, từ đó hình thành tư duy sơ đồ cho quá trình.

Các phương pháp giải toán cũng được vận dụng linh hoạt như quy đổi (đồng đẳng hóa, dồn chất, thủy phân hóa, trung bình hóa, hiđro hóa, đơn chất hóa) áp dụng cho cả vô cơ và hữu cơ; kèm theo đó là các định luật bảo toàn khối lượng, bảo toàn nguyên tố, bảo toàn điện tích, bảo toàn mol electron, các mối quan hệ về số mol thông qua bán phản ứng, các công thức tính nhanh.

Để đạt được số điểm cao (từ 9-10 điểm), học sinh cần lưu ý gì trong quá trình ôn luyện và làm bài thi?

Để đạt điểm 9-10 thì điều đầu tiên phải làm tuyệt đối chính xác các câu nhận biết – thông hiểu – vận dụng với thời gian tối đa trong 25 - 30p và kiếm chắc chắn 9 điểm. Việc này học sinh có thể tự đánh giá thông qua việc luyện đề giai đoạn cuối trước khi thi. 

Như vậy, 4 câu VDC sẽ sử dụng 15-20p để xử lý. Các câu vận dụng cao thuộc các dạng bài như hỗn hợp chứa este (kèm phương pháp quy đổi và yếu tố biện luận), bài toán đốt cháy hỗn hợp amin kèm hiđrocacbon, bài toán vận dụng cao vô cơ nhiều quá trình (sơ đồ hóa kèm các định luật bảo toàn : bảo toàn nguyên tố, bảo toàn khối lượng, bảo toàn điện tích, bảo toàn electron và các quan hệ về số mol, công thức tính nhanh), một số dạng bài chưa xuất hiện trong đề minh họa nhưng vẫn hoàn toàn có mặt trong đề thi chính thức, nên nếu các em đặt mục tiêu 9+ thì vẫn cần ôn tập như : bài toán biện luận muối amoni, bài toán peptit, bài toán than ướt, bài toán điện phân kết hợp đồ thị...

Khi luyện đề cũng phải xác định tâm lý như khi đi thi, làm bài cần tập trung bấm giờ, phân bố thời gian hợp lý. Tốt nhất nên làm các câu lý thuyết trước, sau đó làm bài tập sau, đảm bảo làm câu dễ trước, cố gắng kiếm chắc chắn trọn vẹn 9 điểm, còn các câu vận dụng cao hãy để làm cuối.

Với các câu từ 1 đến 36 thì phải đảm bảo đúng tuyệt đối, tức là đã chọn đáp án thì đảm bảo chắc chắn đúng và không cần dành thời gian để xem lại. Nếu luyện đề mà vẫn rơi vào tình trạng có những câu chưa chắc chắn, phải đoán đáp án thì cần học để bổ sung ngay kiến thức, phương pháp làm bài, tốc độ làm bài đảm bảo yêu cầu.

Những lời khuyên giúp thí sinh có được tâm thế ôn luyện tốt nhất trong thời gian nước rút

Theo thầy Ngọc Anh, giai đoạn quan trọng này, các em nên nhìn nhận lại mục tiêu của mình xem đã phù hợp chưa, mục tiêu là 8 hay 9,10 điểm. Từ đấy các em mới rút ra cho bản thân chiến thuật hợp lý.

Nếu mục tiêu dưới 9 thì không cần quan tâm đến những câu VDC, hãy tập trung ôn và luyện các nội dung trong mục tiêu.

Nếu mục tiêu trên 9 điểm thì mức độ các em làm đề phải đặt trong tâm thế gần như hoàn hảo, làm chắc chắn, làm nhanh, làm chuẩn, có phản xạ làm bài với tất cả nội dung, kể cả mọi dạng VDC.

Các em nên luyện đề (mỗi tuần từ 3-4 đề) để làm quen với việc phân bố thời gian làm đề, chiến thuật làm đề, tốc độ làm đề, và đặt mục tiêu xử lý đề trong vòng 40-45ph thay vì 50ph, vì tâm lý phòng thi sẽ ảnh hưởng một chút tới các em, và ngày đi thi cũng phải thi liên tục 3 môn, nên hãy trang bị cho mình phản xạ tốt, tốc độ làm bài tốt ngay từ bây giờ.

Luyện đề nếu không đúng cách cũng sẽ không hiệu quả. Cần rà soát lại về điểm số, sự tiến bộ về điểm số, tốc độ làm bài thi sau khi luyện đề. Xem lại đề vừa luyện xem có bị mất điểm ở đâu không, hoặc dạng bài nào mà bị lúng túng hay xử lý mất thời gian thì cần ôn tập lại kiến thức, phương pháp làm bài ngay lập tức, sau đó tự làm lại các bài đó một cách thành thạo và hiểu bản chất.

Tất cả các lỗi sai về việc nhầm kiến thức, chưa hiểu bản chất vấn đề thì phải học lại phần đấy ngay. Có thể ghi chú lại các phần hay bị nhầm, các kĩ năng xử lý bài toán hay, các mẹo làm bài, để ghi nhớ trong tư duy của mình, lúc nào cũng sẵn sàng mang ra áp dụng.

Cuối cùng, các em cần rà soát lại toàn bộ SGK với các câu hỏi về nguồn gốc, trạng thái, tính chất vật lý, ứng dụng… Vì những câu này mang yếu tố là học thuộc, nên rất khó suy luận. Các câu hỏi về tính chất hóa học nếu nắm rõ bản chất mình hoàn toàn suy luận được.

(Theo báo Giáo dục & Thời đại).


Tin Nổi Bật