Mã Trường

Mã Trường

Gương Sáng

17 TUỔI SÁNG CHẾ ROBOT HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ TỰ KỶ, WEBSITE HỌC TRỰC TUYẾN

Cập nhật 20/03/2020 - 01:00:00 AM (GMT+7)

Trong một lần về quê, vô tình biết đến lớp học cho trẻ mắc bệnh tự kỷ, được tiếp xúc, chơi với các em nhỏ nên Hoàng Sơn chợt nảy ra ý tưởng sáng tạo robot hỗ trợ điều trị trầm cảm, tự kỷ cho trẻ em.

Nguyễn Hoàng Sơn - Bí thư chi đoàn 11A1- Trường THPT Gia Phù, Phù Yên (Sơn La) vốn là một cậu học sinh đam mê tin học nên từ khi còn là học sinh lớp 6, Hoàng Sơn đã sớm khẳng định mình khi giành được giải nhì cấp tỉnh, cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng. Đây chính là bước đệm để Sơn tiếp tục chạm tới những ước mơ lớn hơn.

“Mặc dù chỉ là một giải thưởng bé nhưng là lớn nhất lúc đó đối với em, nên nó là độc lực to lớn để em phấn đấu hết mình”, Hoàng Sơn nhớ lại.

Sơn kể người có ảnh hưởng tới cậu nhiều nhất chính là bố mẹ. Bên cạnh việc cung cấp cơ sở vật chất học tập, đầu tư cho Sơn mọi thứ cậu cần, bố mẹ còn là người luôn động viên và khuyến khích Sơn học tập, sáng tạo.

Nguyễn Hoàng Sơn - Bí thư chi đoàn 11A1- Trường THPT Gia Phù, Phù Yên (Sơn La)

10 năm liền, Sơn luôn là học sinh giỏi toàn diện và năm học 2018 -2019 vừa qua cậu còn đạt danh hiệu “Học sinh 3 tốt” cấp Trung ương.

Cùng với đó là hàng loạt giải thưởng ở nhiều lĩnh vực như giải nhì cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam”; giải nhì cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông”...

Hiện tại, Sơn đang giữ chức vụ Bí thư chi đoàn, luôn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện trong và ngoài nhà trường. Đi đầu trong các cuộc thi do trường tổ chức và gặt hái được không ít thành tích.

Vừa học tập, vừa tham gia các hoạt động Sơn cho biết việc cân bằng khá khó khăn. Nhưng may mắn nhờ sự giáo dục của bố mẹ từ nhỏ, được luyện tập trước nên các môn học tự nhiên Sơn học khá nhanh. Điển hình là môn Toán cậu đã có thể giải đề THPT quốc gia nhanh hơn mẹ, hoặc môn Tin học gần như Sơn không cần phải lo lắng gì nữa.

“Môn Vật Lý cũng là sở trường của em, môn GDCD em cũng thích học nên không mất nhiều thời gian đầu tư. Vì vậy em có điều kiện tập trung hoạt động trong công tác đoàn do Đoàn cấp trên phát động. Luôn cố gắng hết mình, hoàn thành một cách tốt nhất và có hiệu quả cao là phương châm của em”, Sơn chia sẻ.

Để đạt được những thành tích học tập tốt, phương pháp học tập của Sơn là học và ứng dụng, học để có hiểu biết và sáng tạo. Tất cả các môn học Sơn cho rằng cậu đều có thể ứng dụng vào đam mê của mình. Ví dụ như môn Toán rất hữu ích trong lập trình, môn Vật Lý để hiểu về điện và giúp cậu tạo ra robot còn môn GDCD giúp Sơn có cơ sở ý thức và đi đúng con đường.

Với vốn kiến thức tích lũy và đam mê nghiên cứu, Hoàng Sơn đã sáng tạo ra “Phần mềm website học tiếng Anh online” và “Robot hỗ trợ bác sĩ chữa bệnh tự kỷ cho trẻ em”. Đây cũng là một trong những đề tài trở thành điều kiện giúp cậu học sinh lớp 11 giành được giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2020.

Sơn tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh THPT

Chia sẻ về ý tưởng “Robot hỗ trợ bác sĩ chữa bệnh tự kỷ cho trẻ em”, Sơn cho biết cậu nhận thấy trong cuộc sống ngày nay nhiều trẻ em có nguy cơ cao bị mắc bệnh trầm cảm, phần lớn do bố mẹ để con ở nhà một mình, trẻ phải tự chơi, tự lo một số công việc và bị giới hạn bởi không gian bó hẹp... đặc biệt là trẻ thành thị.

Hè năm 2018, Sơn có dịp về quê ngoại ở Thái Thụy, Thái Bình, cạnh nhà ông bà ngoại cậu có lớp học cho trẻ mắc bệnh tự kỷ nên Sơn đã sang chơi với các em. Đây cũng là cơ duyên giúp cậu nảy ra ý tưởng làm một điều gì đó để giúp các em nhỏ. Vậy là robot hỗ trợ chữa tự kỷ đã ra đời.

Mới đây, Hoàng Sơn phấn khởi chia sẻ niềm vui khi là một trong những bạn trẻ tuổi nhất nhận giải thưởng Lý Tự Trọng. Báo ngay tin vui cho bố mẹ, Sơn hào hứng kể đã được gia đình chiêu đãi một bữa ăn “thịnh soạn”.

“Em cảm thấy rất phấn khởi, vui và háo hức, gia đình, bạn bè khi biết đều chúc mừng em. Và người vui mừng nhất chính là bố mẹ em, mặc dù bố mẹ không phải là người thích khoe khoang nhưng bố mẹ lại có cách chia sẻ niềm vui theo cách khác biệt.

Bữa hôm đó mẹ làm thật nhiều món ngon, bố thì mua một vài gói bim bim để chiêu đãi thành tích của em. Mặc dù có vẻ như cách chúc mừng khá giản dị nhưng nó lại chan chứa tình cảm, nhiều ý nghĩa. Em thực sự rất biết ơn”, Sơn tâm sự.

Để đạt được những tiêu chí của giải thưởng Lý Tự Trọng năm nay, Sơn đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách thậm chí phải vấp ngã rất nhiều lần để có được thành công.

Từ việc tự học và sáng tạo, tự nghiên cứu, nỗ lực suốt nhiều năm kết hợp với niềm đam mê nên đó là lý do Sơn không bỏ cuộc mà vượt qua mọi thử thách khó khăn.

10x chia sẻ ước mơ tương lai rất muốn được đi du học tại Mỹ và thích thú với trí tuệ nhân tạo. Nên nếu có thể Sơn sẽ cố gắng giành được một suất học bổng toàn phần hoặc trong trường hợp không đủ điều kiện, cậu sẽ phấn đấu ở Đại học Bách Khoa Hà Nội, ngành trí tuệ nhân tạo.

(Theo Báo Dân Trí).


Tin Nổi Bật