Tính đến thời điểm này, Tường An chinh phục được 12 trường đại học (kết quả chưa đầy đủ), trong đó có 4 trường Đại học có chất lượng giáo dục xuất sắc, thu hút những sinh viên ưu tú nhất thế giới (nhóm Ivy League) và ĐH Stanford.
Thông tin cá nhân
Họ và tên: Võ Tường An
Sinh năm: 01/06/1998
Tốt nghiệp trường THCS Nguyễn Tự Tân, Quảng Ngãi. Tốt nghiệp trường THPT John Bapst Memorial, Mỹ
Thành tích cá nhân và hoạt động nổi bật:
- Học bổng toàn phần 3 trường Đại học: Stanford, Yale và Harvard.
- Thư trúng tuyển từ các trường: Dartmouth College, Yale-NUS College, Cornell University, UC Berkeley, UCLA, Vanderbilt University, Wellesley College, New York University, University of Richmond v.v.
- Người đồng sáng lập International Catalysts for Empowerment, tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục ở Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc và Texas (Mỹ)
- 2 năm là Chủ tịch Key Club tại trường THPT John Bapst
- Chủ tịch Model United Nations tại trường John Bapst Memorial High School
- Người đồng sáng lập cộng đồng trẻ Viet Youth Service
- Học giả trẻ toàn cầu tại Đại học Yale (Yale Young Global Scholars) - Chuyên đề An ninh và Quan hệ quốc tế năm 2014
- Dự án International Catalysts for Empowerment đến với trẻ em ở Gangolihat, Ấn Độ.
- Thực tập sinh về quản lí chiến lược và quản lí tài chính tại United Ways Eastern Maine, Hoa Kỳ.
- Đội trưởng tại các hội chạy gây quỹ như Race for the Homeless, Race for the Cure, Relay for Life và Bangor Polar Dip…
- 3 năm là thủ khoa học sinh giỏi huyện Bình Sơn khi là học sinh trường THCS Nguyễn Tự Tân (Quảng Ngãi).
Võ Tường An - nữ sinh Việt 17 tuổi được 12 ĐH danh tiếng thế giới “gọi tên” mùa này.
Vẫn có thể…!
Tính đến thời điểm này, Tường An chinh phục được 12 trường đại học (kết quả chưa đầy đủ), trong đó có 4 trường Đại học có chất lượng giáo dục xuất sắc, thu hút những sinh viên ưu tú nhất thế giới (nhóm Ivy League) và ĐH Stanford.
Câu chuyện thành công trong ước mơ du học với kết quả tuyệt vời đó của cô bé Quảng Ngãi như một thông điệp bền bỉ và mạnh mẽ: “vẫn có thể” - cho những ai quyết tâm và luôn vươn tới. Trong đó, trường Đại học Harvard cấp học bổng 4 năm, trị giá 63.900 USD/năm, Đại học Stanford: 66.699 USD/năm, Đại học Yale: 68.230 USD/năm...
“Vẫn có thể!... Chuyện vào đại học Mỹ vài năm trước đối với em từ Quảng Ngãi là viễn vọng nhưng nó có thể trở thành hiện thực. Không phải lúc nào chúng ta cũng ở một vị trí tốt, nhưng cũng không có nghĩa là vị trí đó là mãi mãi”, cô gái 17 tuổi nhấn mạnh.
Vào khoảng 5 năm trước, với Tường An, việc đến với đại học Mỹ khá là xa vời vì khó khăn từ khả năng ngoại ngữ đến thiếu thông tin. Lúc đó ở Bình Sơn, Quảng Ngãi còn chưa có trung tâm ngoại ngữ. Em được gia đình tạo điều kiện để học online, qua skype, các trang mạng và học vào mùa hè để chuẩn bị cho bộ hồ sơ du học trung học.
An tại trường tiểu học Gangolihat, Ấn Độ trong dự án đầu tiên của International Catalysts for Empowerment do em đồng sáng lập.
Năm 2012, chuyến đi tới Mỹ tham gia một trại hè tại ĐH Mississippi đã giúp nữ sinh Việt hiểu rõ hơn khoảng cách giữa bản thân và những học sinh nơi đây. Từ đó, em bắt đầu tìm hiểu thông tin về hỗ trợ tài chính để được du học Mỹ. Ngôi trường An đến học cấp 3 là trường John Bapst Memorial High School, Mỹ.
Thời gian đầu bị choáng với những điều mới ở môi trường mới rồi cũng qua. Cô gái Việt hiểu rằng, muốn kết nối với những học sinh khác, trước tiên bản thân phải cởi mở về tinh thần.
Chủ tịch Key Club, chủ tịch Model United Nations, Đội trưởng tại các hội chạy gây quỹ như Race for the Cure, Relay for Life, Race for the Homeless, Bangor Polar Dip… An đã cố gắng rút gần khoảng cách giữa em với các sinh viên bản địa bằng việc trở thành “thủ lĩnh” trong nhiều hoạt động cộng đồng.
Hè năm 2014, cô gái Việt xuất sắc trở thành Học giả trẻ toàn cầu tại Đại học Yale, Mỹ. Tại chương trình, Võ Tường An cùng 5 bạn khác đến từ Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc và Mỹ có cùng tầm nhìn về việc thành lập tổ chức phi lợi nhuận International Catalysts for Empowerment (ICE) với mục đích kết nối những học sinh với những nền tảng giáo dục khác nhau trên thế giới, hỗ trợ về kĩ năng và vật dụng cho học sinh ở vùng sâu vùng xa, thúc đẩy việc phát triển cá nhân, phát triển con người và giao lưu đa các nền văn hoá.
An cùng bạn tại ĐH Yale, chương trình Yale Young Global Scholars tháng 7/2015.
Hè năm 2015, đại diện cho ICE, An cùng 2 bạn đến từ Ấn Độ và Hàn Quốc đã đến thị trấn bị “cô lập” Gangolihat (cạnh biên giới Ấn Độ và Trung Quốc) để thực hiện dự án đầu tiên của ICE. Các bạn trẻ cùng tìm ra rào cản và chìa khóa kết nối cho vùng đất kém phát triển, lạc hậu này.
“Hiện tại, ICE đang có 4 đội tại Việt Nam, Mỹ, Hàn Quốc và Ấn Độ. Tại Mexico, Mỹ, bạn Kunal Budhiraja đang phát triển một dự án để giúp đỡ những trẻ em của những gia đình tị nạn từ Mexico và Nam Mỹ với việc học và trở ngại ngôn ngữ.
Ở Ấn Độ, đội bạn Divjjot Singh đang phát triển chiến dịch chống lạm dụng ma tuý, tệ nạn xã hội với trẻ em và một chiến dịch chống phân biệt học sinh với những tôn giáo khác nhau. Tại Hàn Quốc, bạn Eric Lee đang tạo ra một ứng dụng có thể giúp học sinh tị nạn từ Bắc Triều Tiên có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ.
Ở Việt Nam, các bạn đang phát triển một đội mạnh để hoàn thiện kĩ năng cá nhân, làm việc nhóm và thực hiện đề án để khuyến khích học sinh đọc sách”, Tường An hào hứng giới thiệu.
Bí mật vào trường top đại học Mỹ?
“Chỉ có điểm cao vẫn không thể chắc chắn vị trí của bạn” là kinh nghiệm đầu tiên mà cô gái 9X tài năng chia sẻ.
Nữ sinh Việt nhận “mưa” học bổng từ các trường top cho rằng, việc được nhận vào trường top, đơn giản có nghĩa là, hồ sơ của bạn phù hợp với tính cách mà đại học đang tìm trên con đường hoàn thành bàn tròn đa văn hoá đặt ra:
“Hãy tưởng tượng các trường đại học đặt số sinh viên họ sẽ nhận trên những chiếc ghế vòng quanh bàn tròn.
Ban tuyển sinh muốn bàn tròn của họ, là bàn đặc trưng đa văn hoá nhất. Mỗi thí sinh được đặt vào ghế, sẽ phải có một tính cách riêng biệt để đạt được mục tiêu này và để thể hiện được sức mạnh của bàn tròn đó”, An ví von.
Giải đáp câu hỏi, làm thế nào để cá tính “được nhận bởi trường top”?, Tường An khẳng định: “Với các bạn học sinh, có lẽ, việc tìm hiểu bản thân là quan trọng nhất. Bạn giỏi việc gì, thích và đam mê làm việc gì? Ước mơ của bạn là gì? Với các bậc phụ huynh, em nghĩ câu hỏi này nên được đổi lại thành “Tính cách, và hoạt động của con tôi như thế này, thì môi trường ở đâu là tốt nhất cho con tôi phát triển?”.
Cô gái Việt cũng nhấn mạnh, việc bạn có vào được trường top hay không, không thể hiện được bạn là một con người như thế nào. Trong quá trình nộp hồ sơ vào đại học, nếu tìm đến sự giúp đỡ, việc quan trọng là phải xác định sự giúp đỡ nào là hợp lí, đúng với quy tắc của hội đồng tuyển sinh. Việc trung thực là tự giác và bắt buộc, cũng là yếu tố mà nhiều trường đại học tìm kiếm.
Từ chối Harvard, chọn Stanford
Bản lĩnh, quyết đoán, thay vì chọn học Đại học Harvard - dường như nổi danh, đình đám nhất… Tường An đã quyết định chọn Đại học Stanford chứ không hề “nghiêng ngả” vì tác động từ số đông.
Bởi hiện tại, với An, Stanford là môi trường phù hợp nhất bởi nó rất năng động với nhiều cơ hội cho sinh viên. Vị trí của trường nằm tại Bay area với thung lũng Silicon là nơi là nhiều start-up và công nghệ trên thế giới được hình thành. Tường An dự định theo học ngành Khoa học chính trị để có thể vào trường Luật sau đại học.
An trong lễ tốt nghiệp chương trình Yale Young Global Scholars.
Cô gái Việt tiết lộ, năm tới, em xin bảo lưu tại Đại học Stanford để gap year. Trong gap year, An dự định phát triển và mang dự án ICE đến với các vùng quê ở Việt Nam.
“Từ Quảng Ngãi đến Mỹ, em cảm nhận được sự khác biệt giữa hai môi trường. Tuy sự so sánh là khập khễnh nhưng trong tương lai gần, tất cả chúng ta đều dù là được giáo dục ở đâu đều phải cạnh tranh với nhau trên con đường mình đã chọn.
Em hi vọng, với những gì mình đang làm có thể giúp được nhiều bạn học sinh phát triển toàn diện và rút ngắn lại khoảng cách về mặt “lý lịch" hay nền tảng của học sinh Việt và thế giới”, Tường An tâm sự.
Tường An chụp cùng thượng nghị sỹ Ajay Tamta tại Quốc hội Ấn Độ.
Theo Webtretho