TTO - Giáo sư người Việt thế hệ 8X Nguyễn Đình Phú là tác giả của iRain, một công trình nghiên cứu hiện gây tiếng vang trong cộng đồng khoa học thế giới và nhận được tài trợ từ UNESCO, NASA...
Giáo sư Nguyễn Đình Phú (thứ tư từ phải sang) cùng nhóm thực hiện dự àn iRain - Ảnh: Đ.P |
Ứng dụng trên cũng vừa được vinh danh trên trang web của Tổ chức kỹ sư công trình thuộc quân đội Mỹ.
Nắm được dữ liệu mưa toàn cầu
iRain là một ứng dụng di động (có thể dùng, tải trên hai hệ điều hành iOS lẫn Android) giúp người dùng có thể chia sẻ lượng mưa tại vị trí của họ, từ đó thu thập dữ liệu kết hợp dữ liệu từ vệ tinh để tạo nên một bản đồ mưa với các mốc thời gian cụ thể theo thời gian thực trên phạm vi toàn cầu.
Với “đứa con tinh thần này”, GS Nguyễn Đình Phú (hiện giảng dạy tại ĐH UC Irvine và nghiên cứu ở Trung tâm Khí tượng thủy văn và viễn thám CHRS, Hoa Kỳ) mong muốn mọi người có thể hiểu rõ hơn về cơ chế, lượng mưa, chu kỳ mưa tại từng khu vực địa lý... cũng như góp phần quản lý thiên tai và tài nguyên nước sạch - vấn đề được xem là vô cùng cấp thiết trong xã hội hiện đại.
Sau khi ra đời, ứng dụng trên nhanh chóng thu hút được sự quan tâm, đồng hành và tài trợ của nhiều tổ chức danh tiếng hàng đầu thế giới như Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA), UNESCO...
Chia sẻ riêng với Tuổi Trẻ, GS Phú cho biết anh rất vui và tự hào khi sản phẩm của mình được các cơ quan uy tín công nhận.
Sau buổi giới thiệu về iRain tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở Morocco vào tháng 11 vừa qua, anh tiếp tục nhận được nhiều lời mời phỏng vấn từ các kênh truyền thông quốc tế, đi huấn luyện sử dụng công nghệ viễn thám ở các nước... Tuy vậy, anh thẳng thắn cho biết iRain còn một số thử thách nhất định.
“Sử dụng vệ tinh để quan trắc thời tiết vẫn có một số sai sót nhất định, chúng tôi đang nỗ lực tìm thuật toán mới để sản phẩm tốt hơn. Bên cạnh đó chúng tôi cũng muốn iRain sẽ dễ hiểu hơn với người dùng phổ thông và hoạt động tốt hơn dù trong điều kiện Internet tốc độ chậm... điều phổ biến ở những vùng sâu, vùng xa” - GS Phú nói.
Tập trung - điều kiện tiên quyết
Đoạt được học bổng thạc sĩ, tiến sĩ ở Úc và Mỹ, có nhiều nghiên cứu được quốc tế công nhận, trở thành GS ĐH tại Mỹ ở độ tuổi 8X, GS Phú cho biết ngoài việc được Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tạo điều kiện thì phần còn lại đến từ sự tập trung cao độ trong công việc.
“Trong lĩnh vực nào cũng vậy, chỉ cần bạn làm việc một cách tâm huyết thì sẽ tạo được uy tín và có chỗ đứng trong sự nghiệp. Bên cạnh đó, trong tôi luôn có một quan điểm vững chắc là không có gì là không thể làm được vì con người có khả năng vô hạn.
Việc gì khó quá thì cần thời gian lâu hơn để giải quyết thôi. Đây là điều giúp tôi gầy dựng được niềm tin với các người thầy tại Mỹ cũng như làm tốt các công việc ngoài chuyên môn” - vị GS, nhà khoa học kiêm chủ tịch Hội Thanh niên sinh viên VN tại Hoa Kỳ nói.
Trước iRain, GS Phú từng có sản phẩm RainSphere nhận được đánh giá rất cao từ NASA, NOAA, Phòng thí nghiệm nghiên cứu quân đội Hoa Kỳ (ARO)...
Khi những “đứa con tinh thần” được vinh danh, điều khiến GS Phú hạnh phúc nhất là giới thiệu được trí tuệ Việt với cộng đồng khoa học quốc tế. Trong tất cả các dự án nghiên cứu, anh đều cố gắng tối đa sử dụng chất xám Việt.
Thông qua GS Phú, đã có một bạn sinh viên Việt đoạt học bổng toàn phần hệ tiến sĩ tại Mỹ, hai bạn trẻ Việt được nhận vào làm toàn thời gian với quỹ lương hàng trăm nghìn USD/năm cũng như tạo điều kiện cho hàng chục bạn trẻ Việt làm việc, nghiên cứu trong các dự án lớn.
(Theo Tuổi Trẻ Online)