Mã Trường

Mã Trường

Gương Sáng

Vươn lên bất chấp số phận

Cập nhật 18/07/2014 - 12:22:26 PM (GMT+7)

Tuy hoàn cảnh khác nhau nhưng điểm chung của những học trò bảy tỉnh thành Đông Nam bộ mà chúng tôi gặp gỡ chính là niềm tin vươn tới thành công trong tương lai, bất chấp khó khăn, nghịch cảnh...

Bùi Quốc Hưng như chới với giữa dòng đời khi bước vào năm học lớp 8 phải đối diện với việc nghỉ học. Tuy là út nhưng trong gia đình có đến 11 người con, Hưng cũng như các anh chị lớn phải bươn chải lập thân. Ở trường Hưng không chỉ nổi tiếng vì thành tích học tập mà còn được nhắc nhiều vì... liên tục thiếu học phí.

Học trò nhiều “thứ nhất”

Bùi Quốc Hưng giữa giờ tan ca chuẩn bị đến lớp học ca tối

Giờ tan ca ở Công ty giày Việt Nam Samho (xã Trung An, huyện Củ Chi, TP.HCM) công nhân ùa ra cổng, tấp vào khu chợ ven đường mua đồ ăn chuẩn bị cho bữa chiều.

Giữa dòng người, Út Hưng cũng vội vã trở về nhà trọ gần công ty để lấy sách vở đi học tại Trường trung cấp bách khoa Sài Gòn, cách nơi Út Hưng làm gần 10km.

Thầy Phan Quốc Toàn dí dỏm giới thiệu: “Đây là học trò nợ học phí nhiều nhất trường mình!”. Tuy trường đã tạo điều kiện chia số lần đóng học phí mỗi kỳ thành ba đợt, nhưng dù đã học ba học kỳ tại trường Hưng vẫn còn thiếu tới hai kỳ học phí.

Từ lớp 8 đến nay Hưng làm qua nhiều việc như phục vụ quán cơm, đi nhổ đậu mướn, làm gia công bán thời gian, làm công nhân... nhưng vẫn luôn không đủ tiền trang trải học phí ở mỗi năm học.

“Ở nhà ba má đều gần 70 tuổi, anh chị ai cũng có gia đình lại khó khăn nên mình tự lo là chính. Dù làm thêm mỗi tháng được vài trăm ngàn đồng mà vừa phải lo học phí, chi tiêu, vừa phụ thêm ba má nên cứ thiếu trước hụt sau. Đợt này mình xin được chân chạy sản phẩm mẫu ở công ty giày Hàn Quốc, lương cũng hơn 2 triệu đồng/tháng, nhưng lo tứ phía nên học phí ở trường còn nợ chưa đóng được” - Hưng giãi bày.

Vượt lên chật vật, tối tối chàng trai 21 tuổi này vẫn sắp xếp đến học lớp dược sĩ Trường trung cấp bách khoa Sài Gòn, huyện Củ Chi. “Mình muốn trở thành thầy thuốc chữa bệnh cho người nghèo nên phải ráng vừa học vừa làm để sau này đạt được nguyện vọng” - Hưng chia sẻ.

Khát vọng dẫn lối

Cách chỗ Út Hưng không xa là cái chòi lá xiêu vẹo của chị em cậu học trò Võ Hoàng Thanh, chơ vơ giữa bốn bề là bưng đìa lầy lội ở một ấp vùng sâu, quận 9, TP.HCM.

Thanh hiện đang học lớp 12, vừa học văn hóa vừa học nghề Trường trung cấp nghề Đông Sài Gòn, quận 9. Cha mẹ ly hôn, mẹ có gia đình riêng nên từ nhỏ Thanh được bà ngoại nuôi. Học hết lớp 9 thì ngoại già yếu lo không nổi nên Thanh phải nghỉ học, xin đi làm công nhân may phụ thêm cậu mợ nuôi ngoại.

Võ Hoàng Thanh may gia công tại nhà sau giờ học

Suốt 12 năm liền Thanh đón xe buýt đi học, nhiều hôm nhịn bữa trưa vì “sáng giở cơm ăn no, tới tối về ăn chung với ngoại cho vui” - Thanh kể.

Chị gái Thanh lỡ dở chuyện gia đình nên mang con gái về sống cùng Thanh. Ba người lớn nhỏ sống bấp bênh với thu nhập lúc có lúc không.

Nay chị Thanh đã kiếm được việc may gia công tại nhà nên Thanh thu xếp học tiếp bổ túc văn hóa và học nghề quản trị mạng máy tính, để sau khi ra trường có thể tìm công việc ổn định.

Vừa làm vừa học vậy mà cậu học trò ở “vùng sâu vùng xa” của Sài Gòn vẫn liên tiếp có thành tích khá, giỏi trong học tập. Chị gái Thanh kể: “Thằng nhỏ tự đi xin làm công nhân may, học nghề may rồi dạy lại cho tui luôn!”.

Gần hơn với Sài Gòn nhộn nhịp là quán bò lá lốt của gia đình cô học trò Nguyễn Thị Tuyết Hằng ở Bến Bình Đông, quận 8.

Nguyễn Thị Tuyết Hằng (trái) và em phụ bán hàng ở quận 8

Ba mất khi còn nhỏ, công việc của mẹ bấp bênh nên từ nhỏ Hằng đã quen với việc chạy gạo từng bữa. Nay Hằng đang học lớp sư phạm mầm non tại Trường trung cấp Bến Thành, quận 6. Bài toán học phí của Hằng cũng khá giống bài toán “chạy gạo ăn hằng ngày”.

“Em vay tiền cô dì mỗi người vài trăm ngàn đóng học phí, rồi đi làm thêm trả mỗi người vài chục ngàn đồng mỗi ngày, ai đòi gấp thì trả trước...” - Hằng cho biết.

Hiện tại Hằng đã nghỉ làm gia công chế biến nhựa ở công ty vì lịch học không phù hợp với giờ đi làm. Sáng học, chiều và tối Hằng phụ cậu cuốn bò lá lốt bán tới 10g khuya mới có thời gian rảnh học bài. “Tuy làm xong trễ lắm, nhưng em ráng chút được vài chục ngàn đồng hằng ngày, vừa trang trải học phí vừa phụ mẹ lo tiền học cho em gái đang học lớp 12. Em gái học giỏi lắm, mai mốt có khi đậu đại học cũng nên...” - Hằng lí lắc bộc bạch.

(Theo Báo Tuổi Trẻ)


Tin Nổi Bật