Để nuôi ước mơ trở thành cử nhân, kỹ sư, nhiều bạn sinh viên đang làm thêm những công việc như sửa xe đạp, giữ xe, phụ quán phở, phụ quán karaoke...
Dưới đây là chia sẻ của những bạn trẻ đang vừa học vừa làm để nuôi hoài bão lớn.
Người sinh viên sửa xe đạp
Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo có đông đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh Sóc Trăng. Thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của cha mẹ, từ nhỏ các anh chị em tôi luôn ý thức được tầm quan trọng của việc học. Tuy khổ cực nhưng cha mẹ vẫn tạo điều kiện cho chúng tôi học hành đến nơi đến chốn. Tuổi đã trên 50, nhưng ngoài việc đồng áng của gia đình ai thuê gì cha mẹ tôi làm đó như nhổ cỏ, thu hoạch hoa màu... với tiền công 90.000-100.000 đồng/ngày. Hiểu được nỗi nhọc nhằn của cha mẹ, ngoài giờ lên lớp tôi tìm việc làm thêm như phát tờ rơi và phụ sửa xe đạp để trang trải cuộc sống, học tập.
Chia sẻ nỗi khó khăn với những người đồng cảnh ngộ, hằng năm tôi đều tham gia Tiếp sức mùa thi, tổ chức Tết trung thu cho trẻ em nghèo ở Tiền Giang, phát cháo đêm cho người vô gia cư trong thành phố, tặng quà các mái ấm tình thương ở Thủ Đức và khu vực lân cận.
Sau khi tốt nghiệp, tôi sẽ xin vào làm công ty xây dựng ở TP.HCM. Làm vài năm có kinh nghiệm tôi sẽ về quê lập nghiệp. Ngoài công việc xây dựng, tôi sẽ nghiên cứu trồng thêm rau nghịch mùa và nuôi bò sữa để giúp gia đình cải thiện cuộc sống. Tôi hi vọng sẽ mở được cửa hàng vật liệu xây dựng hay công ty xây dựng trong tương lai không xa.
LÂM TỐT
(xã Đại Tâm, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng, sinh viên ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)
Giữ xe để trang trải việc học
Gia đình tôi gồm mười thành viên (cha mẹ và tám anh chị em). Kinh tế gia đình phụ thuộc vào quán tạp hóa nhỏ trong thôn và bốn sào ruộng. Nhà đông con nhưng cha mẹ tôi vẫn cố gắng nuôi anh em tôi ăn học đến nơi đến chốn. Tuổi già, sức yếu nhưng cha mẹ cặm cụi dành dụm tiền cho tôi, hai em đang học CĐ ở TP.HCM và hai em nhỏ đang học trung học ở quê. Ngoài tiền gia đình gửi, tôi đi làm thêm để trang trải cho sinh hoạt. Hiện tôi đang làm nhân viên giữ xe cho một quán cà phê với thu nhập khoảng 700.000 đồng/tháng.
Sau khi ra trường, tôi muốn tìm việc làm phù hợp với chuyên ngành của mình. Trong tương lai, tôi muốn trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý, lập dự toán cho dự án công trình. Để được thế tôi sẽ phải cố gắng tích lũy kinh nghiệm trong quá trình công tác ngoài công trường, học hỏi từ người đi trước. Để đạt được mục tiêu này, tôi luôn nhắc nhở bản thân phải cố gắng hoàn thiện chính mình, lập các mục tiêu nhỏ và kiên quyết phải đạt được từng bước một.
DƯƠNG MINH TRUNG
(thôn Từ Tâm 1, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận, sinh viên ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)
Nuôi ước mơ kỹ sư từ... quán phở
Bố mẹ tôi già yếu không còn khả năng lao động. Nhà tôi có nhiều anh chị em nhưng nghề nghiệp chủ yếu làm ruộng. Ngay từ đầu năm học, tôi đã đi làm thêm phụ giúp bố mẹ và có tiền trang trải cho việc học. Hằng ngày tôi làm phục vụ cho một quán phở từ 17g30-22g30. Thứ bảy và chủ nhật tôi làm cả buổi sáng. Tuy công việc chiếm phần nhiều thời gian nhưng tôi vẫn thu xếp ổn thỏa để học tập. Tôi còn tham gia các hoạt động do trường tổ chức, đóng góp quần áo, sách vở cũ cho đồng bào gặp lũ lụt ở miền Trung...
Tôi luôn mơ ước sẽ trở thành một kỹ sư xây dựng, góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng đất nước. Khi còn nhỏ, tôi đã chứng kiến người dân quê tôi phải mất nhà cửa vì thiên tai, bão lụt. Tôi muốn khi lớn lên có thể thiết kế, xây dựng những mái nhà vững chắc cho người dân quê và cho bà con những nơi khác trên đất nước. Tôi muốn những người dân quê cảm thấy an toàn khi ở trong ngôi nhà vững chắc. Và tôi mong rằng mình có thể thực hiện được điều đó.
NGUYỄN NGỌC THƠ
(thôn Phú Phong, xã Hòa Đông, Tây Hòa, Phú Yên, sinh viên ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM)
150 suất học bổng Ngày 9-7, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Thành đoàn, Hội SV TP.HCM trao học bổng “Xây mái ấm tương lai” (3 triệu đồng/suất) cho 150 sinh viên ngành kiến trúc - xây dựng của ba trường ĐH Kiến trúc, Bách khoa và Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Đây là những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vẫn vươn lên học giỏi. |
(Theo Báo Tuổi Trẻ)