Ngày đầu đến trường, cậu học trò người dân tộc Mường với đôi tay tật nguyền bị bạn bè xa lánh. Biệt danh “chim cánh cụt” cũng có từ hồi ấy, thế nhưng vượt lên tất cả, em vẫn đều đặn đến lớp để viết ước mơ làm thầy giáo.
Có lẽ ai gặp cậu bé ấy một lần cũng ấn tượng bởi nụ cười tươi luôn hiện trên khuôn mặt em. Sinh năm 2002, em Hà Trung Vĩnh (ở bản Lưỡi, thị trấn Lang Chánh, Thanh Hóa) mang đôi tay tật nguyền, di chứng chất độc da cam từ ông nội.
Cũng đã 7 năm trôi qua kể từ khi cậu bé Vĩnh nép sau lưng bố đòi đi học mẫu giáo, giờ đây Vĩnh đã học lớp 6 của Trường trung học thị trấn Lang Chánh.
Vĩnh sinh ra trong một gia đình nghèo, trên mảnh đất miền núi cỗi cằn, lại thiệt thòi bởi ngay từ lúc sinh ra đôi tay em đã không được nguyên vẹn. Bàn tay chỉ có hai ngón dị dạng thế mà lớn lên, thấy các bạn cùng trang lứa đến trường, em cũng đòi bố mẹ đưa đi học.
Dù việc viết chữ vô cùng khó khăn thế nhưng chưa bao giờ Vĩnh "đầu hàng".
Ngày đầu tiên nép sau lưng bố đến lớp, cậu bé bị bạn bè trêu chọc, xa lánh. Không những thế, để có thể cầm được chiếc bút trên đôi tay tật nguyền là điều vô cùng khó khăn. Ai cũng tưởng rằng rồi em sẽ bỏ cuộc thế nhưng thật đáng khâm phục là cậu bé người dân tộc Mường này lại có một nghị lực phi thường.
Không sợ bạn bè trêu chọc, không sợ khó khăn khi viết chữ, cậu bé ấy vẫn ngày ngày đến lớp dù rằng em cho biết mãi đến khi học hết lớp 1, những nét chữ của em mới có thể rõ ràng và cho đến bây giờ khi học đến lớp 6, cậu bé vẫn thấy việc viết chữ vô cùng khó khăn.
Nhà cách trường 2km, Vĩnh chưa bao giờ nghỉ học mà không có lý do ngay cả khi đôi tay tập viết đã sưng tấy, đau đớn. Bao năm tháng trôi qua, Vĩnh chưa bao giờ quên ngày đầu tiên cầm chiếc bút bằng cách quắp hai ngón tay dị dạng ấy để giữ chặt nó. Cứ quắp vào rồi lại rơi xuống đến lần thứ bao nhiêu Vĩnh không thể nhớ rồi khi đã có thể giữ được chiếc bút trên tay, Vĩnh bắt đầu tập viết. Lúc đầu, chiếc bút được Vĩnh điều khiển cũng không chịu nghe lời.
Loay hoay mãi rồi cây bút cũng đầu hàng nghị lực của em, những nét chữ nguệch ngoạc đầu tiên bắt đầu được hình thành mặc dù rất chậm, Vĩnh vẫn kiên trì tập viết mỗi khi về nhà. Ở lớp, vào giờ ra chơi, các bạn ra ngoài nghỉ ngơi vui đùa thì cậu bé tật nguyền này miệt mài ngồi trong lớp tập viết và tranh thủ chép bài cho kịp các bạn.
Vượt lên trên mọi gian nan, Hà Trung Vĩnh bây giờ đã làm học sinh cấp II. 6 năm đi học, em luôn là học sinh ngoan, chăm chỉ và có lực học khá.
Kể lại những ngày khó khăn đó nhưng khi được hỏi có bao giờ em nghĩ mình sẽ bỏ cuộc không thì cậu bé lắc đầu: “Em không hề nản lòng. Chỉ cần nghĩ mình không thể viết được thì sẽ phải nghỉ học và nếu vậy mà ở nhà thì buồn lắm là em lại quyết tâm luyện viết bằng được”. Vĩnh cũng thật thà chia sẻ: “Lúc đầu, em bị các bạn trêu chọc, chế giễu, gọi em là chim cánh cụt, em cũng xấu hổ nhưng rồi dần dần em đã hòa đồng được với các bạn nên mỗi ngày đến trường em vui lắm”.
Vĩnh cho biết vì sợ hậu quả chất độc da cam nên sau khi sinh Vĩnh ra như thế, bố mẹ em đã không dám sinh thêm đứa em nào nữa. Chính vì vậy, cậu bé càng quyết tâm đi học, nuôi ước mơ trở thành thầy giáo dạy chữ cho trẻ em trong bản. Em bảo, bố mẹ thấy em lạc quan nên cũng động viên em cố gắng đến trường.
Mặc dù tật nguyền nhưng Vĩnh tỏ ra rất tự tin, em luôn tham gia các hoạt động trong lớp ngay cả những công việc lao động, dù được miễn làm tuy nhiên Vĩnh vẫn xin được tham gia cùng các bạn. Không những thế ở nhà, Vĩnh cũng giúp bố mẹ làm các công việc như dọn dẹp, nấu cơm, rửa bát... Dường như trong đầu óc của cậu học trò này, em muốn mình không bị xem là một người tật nguyền. Bởi thế Vĩnh luôn tỏ ra tự tin và nụ cười luôn thường trực trên khuôn mặt cậu học trò ham học này.
Chia sẻ về Vĩnh, thầy giáo Lê Xuân Sinh - Hiệu trưởng Trường trung học thị trấn Lang Chánh cho biết: “Hà Trung Vĩnh là một cậu học trò rất ngoan và chăm chỉ học tập. Mặc dù đôi tay tật nguyền nhưng em không bao giờ tỏ ra mình là một người tật nguyền, tất cả mọi hoạt động của lớp hay trường em đều tham gia đầy đủ. Ngay cả những hôm gặp em lao động cùng các bạn trong lớp, tôi đã nhắc nhở em nên nghỉ ngơi nhưng em nhất quyết không chịu mà cứ đòi tham gia bằng được. Sự lạc quan và cố gắng vượt lên số phận của Vĩnh khiến chúng tôi vô cùng khâm phục”.
(Theo Báo Dân Trí)