Mã Trường

Mã Trường

Gương Sáng

Những lối đi riêng đầy chông gai...

Cập nhật 05/04/2013 - 09:07:36 AM (GMT+7)

Gặp nhau ở điểm chung là có cơ hội đặt chân vào con đường danh vọng nhưng họ - những chàng trai 8X - lại quyết định gạt bỏ mọi thứ sau lưng để lần theo lối đi riêng đầy chông gai...

“Vì ai cũng chỉ có một thời tuổi trẻ nên cứ lăn xả vào điều mình đam mê, hứng thú để sau này không hối tiếc” - Hoàng Anh Duy (sinh năm 1984, giảng viên ĐH Ngoại thương Hà Nội) giải thích.

Những người thích đi ngược gió

Giành giải nhất Tiếng hát sinh viên toàn quốc khi còn là sinh viên, đoạt giải nhất cuộc thi “Người dẫn chương trình truyền hình 2009” và nhận được nhiều lời mời dẫn chương trình lớn trong Nam ngoài Bắc... Duy từng đứng trước cánh cửa của danh vọng, thu nhập rủng rỉnh. Tuy vậy, Duy lại quyết định đi du học, trở về và làm giảng viên tại trường cũ với mức lương vừa đủ sống.

“Tôi đang rất hạnh phúc với nghề “gõ đầu trẻ”. Đi dạy cho tôi cơ hội học hỏi, trau dồi thêm kiến thức chuyên ngành từ sinh viên, đồng nghiệp - điều mà sự bận rộn, tiếng tăm gặt hái ở lĩnh vực truyền hình sẽ khó thể cho được” - Duy nói.

Nổi lên với bản hit Cô bé mùa đông (giải nhất Làn sóng xanh tháng 9-2007) và sau đó là hàng loạt giải thưởng lớn ở chương trình Bài hát Việt (BHV) các năm 2010, 2011 và 2012, Phạm Toàn Thắng (sinh năm 1987, nickname: Nhóc Ten) khiến nhiều người ngạc nhiên khi thẳng thừng từ chối viết nhạc “thị trường” theo đơn đặt hàng. “Lúc Cô bé mùa đông thành hit thì tôi cũng có nhận một số lời đề nghị tham gia hẳn showbiz. Nhưng tôi muốn hoàn thành tấm bằng đại học và chỉ tập trung viết về những vấn đề đáng quan tâm trong cuộc sống dù biết sẽ kén người nghe. Có người chê “khờ” nhưng tôi đành chịu” - Thắng thẳng thắn cho biết. Và đó là lý do những bài hát của Thắng có tên gọi rất đời thường như: Uống trà (giải Bài hát được yêu thích nhất BHV 2010), Ngày thật (Bài hát được yêu thích nhất BHV tháng 6-2011), Lạc (Bài hát của tháng và giải phối khí hiệu quả BHV 2012)... Tương tự, nhà văn trẻ Lưu Quang Minh (sinh năm 1988) lại không chọn những đề tài “hút hàng” bạn trẻ như tình cảm bi lụy tuổi mới lớn, thay vào đó Minh chọn những góc khuất khác của cuộc sống để đưa vào ngòi bút của mình. Nếu như tập truyện Gia tài tuổi 20 (xuất bản 2010) là những trăn trở của một người trẻ trước thế giới rộng lớn thì tập truyện Những tâm hồn đồng điệu (NXB Văn Học) vừa ra mắt đầu năm 2013 của Minh lại đề cập những lát cắt rất nhỏ, gần gũi người trẻ như: cơm nhà, chuyện dạy kèm, phá lấu vỉa hè, ca sĩ kẹo kéo... “Tôi mong giúp người lớn có cái nhìn rõ hơn về những điều người trẻ đang làm, đang nghĩ” - Minh chia sẻ.

Đi ngược lại tất cả suy nghĩ, kỳ vọng từ mọi người lại là câu chuyện của John Hùng Trần (sinh năm 1989). Sinh ra và lớn lên tại Mỹ, tốt nghiệp trường ĐH danh tiếng Berkeley, John đã bỏ tất cả sau lưng để quay về quê hương lập nghiệp năm 2011. “Tôi về VN lần đầu vào năm 2010 theo một chương trình trao đổi văn hóa và tôi biết đây chính là nhà” - Hùng nói. Và khi đang là phát thanh viên cho hai kênh truyền hình VTC, VTV, Hùng lại nảy ra một “ý tưởng” khiến ai biết đến đều phải lắc đầu: Hùng sẽ đi bộ xuyên Việt mà không mang theo tiền, vốn tiếng Việt lúc ấy vẫn còn bập bẹ.

“Tôi chọn đi bộ bởi muốn nhìn tận mắt hình ảnh quê hương cũng như có thể trò chuyện, trải nghiệm cuộc sống thật sự của người Việt từ thành thị đến nông thôn” - Hùng giải thích. Và chuyến đi 77 ngày qua 20 tỉnh, thành với nhiều lần “lên bờ xuống ruộng”, làm việc cùng người dân để có cơm ăn, chỗ ngủ... đã giúp mong ước đó của Hùng thành sự thật.

“Lửa” luôn bùng cháy

Hiện đang làm trong lĩnh vực marketing, thời gian rảnh rỗi Thắng thường đi hát với cátsê tượng trưng hoặc miễn phí ở một số quán cà phê trong TP. Ngoài ra, Thắng còn tham gia đội dân quân cơ động của quận... trong sự ngạc nhiên của nhiều người. “Cuộc sống là do chính mình quyết định, miễn hạnh phúc là được” - Thắng cho biết. Đó cũng là quan điểm sống của Lưu Quang Minh. Minh dẫu từng được kỳ vọng trở thành hiện tượng và nhận được lời nhận xét đầy ưu ái “dấu ấn Internet thế kỷ 21” của nhà văn Nguyễn Thị Minh Thái, nhưng hiện anh chàng vẫn lặng lẽ đo thành công bằng sự đồng cảm từ bạn đọc, niềm tin gầy dựng được ở bản thân chứ không phải ở tiếng tăm hay số lượng sách bán ra, bởi theo Minh: “Thành công đến sớm chỉ dễ làm cho người trẻ ảo tưởng”.

Hiện vẫn đang làm phát thanh viên cho một số kênh truyền hình và là giảng viên đại học tại Hà Nội, Hùng vẫn thừa năng lượng cho một số dự án đáng kể sẽ được thực hiện trong năm 2013. Hiện tại Hùng đang chuẩn bị ra cuốn sách có tên Hành trình John đi tìm Hùng kể về quá trình tìm về cội nguồn của bản thân. “Còn những dự án cộng đồng khác, tôi xin phép giữ bí mật vì sợ nói trước bước không qua” - Hùng chia sẻ. Hỏi sâu thêm, Hùng chỉ tiết lộ vừa đủ: “Tôi đã nhận ra một điều - tiền là thứ cực kỳ quan trọng, nhưng chúng ta vẫn có thể sống hạnh phúc khi ít tiền, nếu mọi người biết cho đi nhiều hơn nhận lại”.

Tất bật với lịch giảng dạy ở Trường ĐH Ngoại thương, Hoàng Anh Duy hiện vẫn nhận dẫn chương trình cho một số chương trình truyền hình lớn và học lên tiến sĩ, đảm nhận vai trò cố vấn cho một số chương trình học thuật của sinh viên...

Duy từng ngồi liệt kê những điều “được” và “mất” khi đứng trước quyết định theo hẳn nghề truyền hình hay làm giảng viên. “Và rốt cuộc tôi biết rằng sẽ chẳng có cái “mất” hay hối hận nào nếu chúng ta được sống và “cháy” hết mình với điều bản thân thật sự đam mê” - Duy cười thật tươi, đúc kết.

Và nụ cười tươi, đầy sức sống đó cũng là hình ảnh chung dễ bắt gặp và khó quên nhất ở những gương mặt trên...

(Theo Báo Tuổi Trẻ)


Tin Nổi Bật