Liên tục vận động đã giúp Hoàng Kim Phượng có nhiều cơ hội ở Hàn Quốc: cộng tác với Đài KBS, dạy ngoại ngữ trên Youtube, làm Chủ tịch Hội Sinh viên của trường...
“Tự tin, năng động, cởi mở” là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi gặp Hoàng Kim Phượng, nữ sinh Việt Nam tại trường Đại học nữ Sookmyung, Hàn Quốc. Cũng có lẽ vì thế nên mới gặp nhau lần đầu nhưng Phượng đã tạo cho chúng tôi cảm giác rất gần gũi và thân thiết. Và trong chuyến công tác ở Hàn Quốc của đoàn phóng viên VOV lần này, Phượng đã trở thành cầu nối để chúng tôi hiểu được nhiều điều hơn về đất nước và con người ở xứ sở Kim Chi.
Tiếp xúc với Phượng và những sinh viên Việt Nam và người Việt tại Hàn Quốc, chúng tôi biết thêm nhiều điều thú vị về cô nữ sinh Hoàng Kim Phượng. Chính cô gái này năm ngoái là một trong 10 người Việt Nam tham gia đạp xe trong hành trình “Đồng hành hữu nghị da cam Việt- Hàn” nhân kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt- Hàn.
Phượng kể, tham gia chặng đường dài gần 1.700 km từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội trong suốt 26 ngày là một kỷ niệm khó quên. Trong 26 ngày đạp xe ròng rã, những buổi nghỉ giữa các chặng, Phượng và đoàn đồng hành lại được tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa như: đi thăm Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng; tiến hành phẫu thuật cho trẻ em hở hàm ếch ở bệnh viên đa khoa Quảng Nam; thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nam Đàn, Nghệ An…
“Lúc đầu khi tham gia sự kiện này, em chỉ nghĩ là cơ hội được về thăm quê hương và được biết nhiều hơn về cảnh đẹp của đất nước. Nhưng khi đồng hành cùng đoàn, được chứng kiến tận mắt nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam, được nghe câu chuyện cảm động của những người lính ở ngay trên cầu Hiền Lương, em thực sự thấy đây là một hành trình đầy ý nghĩa của bản thân. Chỉ có qua những chuyến đi như thế này, những người trẻ tuổi như em, không phải trải qua cuộc chiến tranh mới thấu hiểu được cuộc sống ngày hôm nay đã được đổi bằng máu và nước mắt của các thế hệ đi trước. Và chuyến đi này thôi thúc những người trẻ phải nhìn nhận lại mọi việc, phải sống sao cho xứng với cha anh” - Phượng tâm sự.
Hành trình này cũng đã cho Phượng cơ hội được khám phá nhiều hơn cảnh đẹp của đất nước, về con người Việt Nam. “Quê em ở Hải Phòng, nước biển màu đỏ nên khi đi đến miền Trung, lần đầu tiên được thấy biển xanh, cát trắng, em rất ngỡ ngàng và thích thú. Càng đi, em lại càng biết thêm rằng, đất nước mình vô cùng đẹp. Chắc chắn đây sẽ là món quà thú vị mà em sẽ giới thiệu với các bạn Hàn Quốc và các bạn nước ngoài đang học tại Hàn”.
Phượng tâm sự, tham gia cuộc hành trình đầy ý nghĩa này, như là một cơ may. Đó là vào khoảng tháng 7/2012, khi đang làm ở cộng tác viên ở Đài KBS, Phượng đã biết thông tin về cuộc hành trình và đăng ký tham gia. Sau khi được phía bạn lựa chọn là một trong 10 người sẽ đạp xe xuyên suốt cuộc hành trình, Phượng cũng ít nhiều lo lắng, bởi chuyến đi sẽ kéo dài ròng rã 26 ngày với chặng đường gần 1.700 km, bất kể nắng mưa.
“Nhưng em thấy đây là cơ hội tốt để giao lưu, học hỏi và thử sức, nên quyết tâm tham gia. Trước khi về Việt Nam khoảng 1 tháng, chúng em rủ nhau cùng luyện tập ở dốc Nam San và tăng dần cường độ để có thể theo đến cùng cuộc hành trình. Chuyến đi cũng khá vất vả nhưng sau chuyến đi, em tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm. Một kinh nghiệm vô cùng quý là làm việc theo nhóm, nó giúp ích cho em rất nhiều trong cuộc sống”- Phượng chia sẻ.
“Nếu không tự tin, tự mình tạo ra nó vậy”
Khi kể về mình, Phượng hay nói những cơ hội có được là do may mắn. Nhưng chúng tôi đều hiểu rằng, nếu không có sự nỗ lực không ngừng nghỉ thì chắc chắn Phượng không có nhiều may mắn đến như vậy.
Một trong nhiều “may mắn” là Phượng được tuyển làm cộng tác viên cho Đài Phát thanh-Truyền hình quốc gia Hàn Quốc (KBS). Cơ may này cũng bắt nguồn từ chính sự vận động của bản thân Phượng. Bởi khi mới sang Hàn Quốc, Phượng gần như được “thả” vào một môi trường hoàn toàn xa lạ. “Mặc dù em sang đây học thạc sỹ cũng phải qua thi tuyển tiếng Hàn, nhưng khi đến đất Hàn, gặp người bản địa em cảm thấy rất tự ti. Môi trường học ngoại ngữ trong nước và nước ngoài khác xa nhau. Dù trong nước nó tốt đến đâu, nhưng ra nước ngoài tiếp xúc với người bản địa, nhiều người luôn có cảm giác mình nói ngọng. Mấy tháng đầu, ngồi trong lớp em không dám nói gì, lúc nào cũng cảm thấy như tất cả mọi người đổ dồn mắt vào mình. Nhưng rồi em nghĩ, nếu cứ tiếp tục như thế này sẽ không ổn, cuộc sống sẽ không nhiều ý nghĩa và dẫn đến rất nhiều áp lực cho bản thân, em quyết định đi làm thêm để học thêm tiếng”.
Công việc của Phượng là làm ca một cửa hàng tiện ích 24/24 của Hàn Quốc và chỉ có một mình Phượng trông cửa hàng: “Mỗi khi có tiếng chuông cửa, nghĩa là có khách. Đầu tiên là em phải chào hỏi, khi họ về phải cảm ơn. Những câu đó dần dần thành thói quen, là câu cửa miệng. Sau đó, em mạnh dạn tiếp xúc với khách, hỏi họ có cần mua gì thêm, hoặc xem thanh toán của họ có đúng không và trả lời các câu của khách khi mua hàng. Ở trong môi trường như vậy, bắt buộc mình phải nói tiếng Hàn. Khi em nói sai, có người chỉ cười, có người hỏi em là người nước nào, có người sửa cho em. Làm việc ở đó sau vài tháng, tiếng Hàn của em khá lên rất nhiều. Đó là môi trường không mang tính chính quy như trường học nhưng lại rất tốt để phát triển về tiếng”.
Phượng kể, các giảng viên trong trường thường nói vui với sinh viên ngoại quốc, muốn khá tiếng Hàn, cách nhanh nhất là tìm người yêu là người bản địa. Và chỉ sau vài tháng, các thầy cô ở đây rất ngạc nhiên vì Phượng hoàn toàn là một con người khác. Từ một người không dám phát biểu trong lớp, thì nay nếu có cơ hội là Phượng “thể hiện”, đến nỗi có giảng viên còn khẳng định Phượng đã tìm được người yêu Hàn Quốc.
“Tự tin hay không là ở mỗi người, nếu chúng ta không có thì tự làm ra nó vậy. Các bạn mới đi du học phải vượt qua được tâm lý tự ti. Ngay cả tiếng Việt, khi nói chuyện với nhau, không phải câu nào cũng đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ và tất cả các thành phần của câu, mà người ta còn hiểu nhau qua cả ngôn ngữ cơ thể. Theo kinh nghiệm của em thì cứ mạnh dạn tiếp xúc, ban đầu chỉ cần nói chính xác về danh từ, dần dần trong quá tình tiếp xúc sẽ quen và sửa được lỗi sai của mình”- Phương chia sẻ.
Bây giờ, khả năng tiếng Hàn của Phượng đã đủ tự tin để Phượng nói chuyện với bất kỳ người bản xứ nào. Có nhiều lần lên xe buýt, nghe Phượng nói chuyện, người Hàn Quốc còn nhầm Phượng là một người bản địa đến từ một địa phương nào đó ở nước Hàn.
Hiện nay, công việc của Phượng khá bận rộn, vừa là Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam của trường Đại học nữ Sookmyung, vừa lo chuẩn bị tốt nghiệp chương trình Thạc sỹ, vừa đi dạy tiếng Việt cho người Hàn và tiếng Hàn cho những sinh viên, người lao động Việt Nam ở Hàn Quốc.
“Cơ may” để Phượng bận rộn như vậy cũng lại một lần nữa bắt nguồn từ sự vận động liên tục của Phượng. Đó là khi đã xác định mình phải tự thân và tự tin về khả năng ngoại ngữ của mình, Phượng lên mạng tìm hiểu các website của Hàn Quốc về tìm kiếm việc làm và đăng tải thông tin về bản thân lên đó. Những người Hàn cần tiếng Việt và những người Việt cần học tiếng Hàn người ta sẽ tìm đến.
Cùng lúc đó, qua một người bạn, Phượng liên hệ đến một công ty phần mền ứng dụng dạy tiếng Hàn cho người châu Á. Ban đầu Phượng tham gia dạy miễn phí cho công ty này. Phượng soạn các giáo trình về nhập môn gồm 15 bài và giáo trình sơ cấp cũng gồm 15 bài có nội dung liên quan đến cuộc sống, giao tiếp hàng ngày để người học có thể đọc và nghe. Chương trình được quay thành video. Nhưng sau đó có ai đó đã nhập chương trình lên Youtube nên có rất nhiều người biết đến “cô giáo” Phượng. Giờ đây, chương trình đã trở nên quen thuộc với các du học sinh mới sang Hàn, vì thế khi nhắc đến Phượng, có khá nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh biết đến.
Cũng từ chương trình dạy ngoại ngữ của Phượng “tràn lan” trên Youtube, Phượng cũng được nhiều người Hàn “hỏi thăm”. Trong số đó có một người bạn của nhà báo Jiny, trưởng phòng tiếng Việt, Đài KBS. Sau khi phỏng vấn, Phượng được nhận vào làm cộng tác viên cho chương một chương trình giới thiệu về Hàn Quốc ở Đài KBS.
Sau khi làm ở KBS gần 1 năm, vì quá bận rộn với việc vừa học, vừa là Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam của trường, vừa đi dạy thêm cho các chương trình dạy tiếng Việt - Hàn, Phượng nghỉ cộng tác ở Đài KBS. “Một lý do nữa là sau gần một năm làm ở đây, với công việc là mỗi tuần phải tự thiết kế một chương trình âm nhạc mà trong mỗi chương trình phải có sự đổi mới, nên em nghĩ mình nên dừng lại để người khác làm sẽ tránh được sự nhàm chán và có nhiều mới lạ”- Phượng bộc bạch.
Hiện tại Phượng đang tất bận chuẩn bị cho kỳ thi lấy bằng Thạc sỹ, vừa lo công việc của một “đầu mối” các hoạt động của sinh viên Việt Nam ở trường. Đó là tổ chức cho sinh viên Việt ở đây các hoạt động hướng về từ thiện, các hoạt động hướng về trong nước, tổ chức các lớp học tiếng Anh và tiếng Hàn cho các sinh viên mới sang, chia sẻ với nhau các vấn đề trong cuộc sống: “Hội chúng em lập một diễn đàn, mỗi tuần quy định ai cũng phải vào ít nhất 1-2 lần để cập nhật thông tin mới về Hội và ở trong nước. Ai có tài liệu gì hay thì nhập lên để mọi người cùng chia sẻ”.
Khi nói về kế hoạch sắp tới của mình, Phượng cho biết sau khi tốt nghiệp, Phượng sẽ ở lại Hàn Quốc làm việc thêm vài năm để tích lũy kinh nghiệm rồi sẽ về hẳn Việt Nam. “Không đâu bằng quê hương của mình, nhưng em muốn chuẩn bị đầy đủ kiến thức để khi về nước, làm trong môi trường nào em cũng có thể chủ động và tự tin”.
Chia tay Phượng, chúng tôi luôn tin rằng, một cô gái đầy nghị lực và năng động như thế sẽ dễ dàng hòa nhập với bất kỳ môi trường nào, bởi với Phượng “Tự tin hay không là ở chính mình, nếu không có thì tự làm ra nó vậy”.