Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Học - Thi -Tuyển sinh

Dự kiến những thay đổi trong thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Cập nhật 18/01/2024 - 11:15:02 PM (GMT+7)

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 dự kiến sẽ diễn ra cuối tháng 6 với một số thay đổi nhằm đảm bảo an toàn cho kỳ thi và quyền lợi của thí sinh.

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết theo dự kiến, thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT 2024 ban hành sớm hơn 2 tháng so với năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, nhà trường trong công tác chuẩn bị. Sau khi ban hành thông tư, Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, trong đó có lịch thi cụ thể, chi tiết.

Dự kiến thi vào tuần cuối tháng 6

Trước đó, tại các hội nghị về công tác thi, sở GD-ĐT nhiều địa phương đề xuất trực tiếp với Bộ GD-ĐT nên giữ thời gian thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vào tuần cuối cùng của tháng 6 như năm 2023, sẽ thuận lợi để các địa phương sắp xếp thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, tuyển sinh đầu cấp... Ý kiến này được lãnh đạo Bộ GD-ĐT đồng tình, ghi nhận.
Về phương hướng, nhiệm vụ kỳ thi năm 2024, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho hay: kỳ thi năm nay được giữ ổn định như giai đoạn 2020 - 2023 về hình thức tổ chức, mô hình kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ vẫn giữ ổn định trong năm 2024. Tuy nhiên, kỳ thi năm 2024 cũng sẽ có một vài điều chỉnh về mặt kỹ thuật để chuẩn bị cho công tác tổ chức thi từ năm 2025.

Bộ GD-ĐT đang xin ý kiến góp ý đưa trở lại nội dung quy định "cấm mang vào phòng thi" một số vật dụng (Theo: thanhnien.vn)

Bổ sung quy định các vật dụng cấm mang vào phòng thi
Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT áp dụng cho kỳ thi năm 2024 sẽ quy định về trách nhiệm của các đơn vị đăng ký dự thi trong việc rà soát dữ liệu trên cơ sở dữ liệu cư dân. Theo Bộ GD-ĐT, năm 2023 đã yêu cầu về việc các đơn vị đăng ký dự thi phải rà soát chế độ ưu tiên của thí sinh (TS) trên cơ sở dữ liệu quản lý cư dân quốc gia. Tuy nhiên nội dung này được để ở hướng dẫn tổ chức thi, nay đưa vào quy chế để tăng hiệu lực hiệu quả hơn của công tác quản lý nhà nước và thống nhất chung.

Liên quan đến quy định về vật dụng được phép và không được phép mang vào phòng thi, dự thảo quy chế mà Bộ GD-ĐT đang xin ý kiến góp ý đưa trở lại nội dung quy định "cấm mang vào phòng thi", gồm các vật dụng cụ thể: giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi. Theo Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), quy định này nhằm khắc phục vấn đề vật dụng TS được mang vào phòng thi liên quan đến thiết bị công nghệ cao cấm mang vào phòng thi của năm 2023.

Cũng liên quan đến quy định trong phòng thi, Bộ GD-ĐT bổ sung yêu cầu: "Trước khi làm bài thi, phải ghi đầy đủ số báo danh và thông tin của TS vào đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp"…

Đề thi là "tối mật" đến khi nào ?

Ngoài một số thay đổi mang tính kỹ thuật, đưa những hướng dẫn cụ thể hơn vào trong quy chế thì phương án thi năm 2024 vẫn giữ ổn định như năm 2023.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT vẫn giữ quy định: "Đề thi, đáp án chưa công khai thuộc danh mục bí mật nhà nước độ "tối mật". Đề thi dự bị chưa sử dụng tự giải mật sau khi kết thúc công tác coi thi của kỳ thi". Tuy nhiên, có bổ sung về thời hạn về bảo vệ độ tối mật. Cụ thể, theo dự thảo: "Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ "tối mật" đối với đề thi của các bài thi/môn thi chỉ kết thúc khi hết thời gian làm bài của bài thi/môn thi trắc nghiệm và hết hai phần ba (2/3) thời gian làm bài của bài thi tự luận".

5 bài thi

Dự thảo quy chế nêu rõ số môn thi, thay vì chỉ đưa vào văn bản hướng dẫn như trước. Theo đó, kỳ thi năm 2024 vẫn tiếp tục tổ chức 5 bài thi gồm: 3 bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên gồm các môn thi thành phần vật lý, hóa học, sinh học; 1 bài thi tổ hợp khoa học xã hội gồm các môn thi thành phần lịch sử, địa lý, giáo dục công dân (đối với TS học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT) hoặc các môn thi thành phần lịch sử, địa lý (đối với TS học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT).

Đối với bài thi tổ hợp, TS chỉ được đăng ký một bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần trong cùng một bài thi tổ hợp (đối với TS tự do). TS được đăng ký dự thi môn ngoại ngữ khác với môn ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông; TS là học viên giáo dục thường xuyên được đăng ký dự thi bài thi ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

 

Thời gian thi tốt nghiệp THPT năm nay dự kiến vào cuối tháng 6  (theo: thanhnien.vn)

Bổ sung chứng chỉ được miễn thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ

Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT (áp dụng cho năm 2024) đã bổ sung quy định chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn thi, thay vì để tại văn bản hướng dẫn tổ chức thi như trước đây.

Bộ GD-ĐT cho rằng việc bổ sung các chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là cần thiết để đảm bảo công bằng cho các chứng chỉ ngoại ngữ có trình độ tương đương, bảo đảm quyền lợi cũng như mở rộng cơ hội chính đáng cho người học.

Thêm vào đó, dự thảo cũng bổ sung chứng chỉ đủ điều kiện miễn thi để xét tốt nghiệp THPT với môn ngoại ngữ. Cụ thể, với môn tiếng Anh, năm 2023 chỉ có các chứng chỉ được công nhận gồm: TOEFL ITP (yêu cầu tối thiểu 450 điểm), TOEFL iBT (yêu cầu tối thiểu 45 điểm) và IELTS (yêu cầu tối thiểu 4.0 điểm).

Năm 2024, ngoài các chứng chỉ trên, môn tiếng Anh còn bổ sung thêm: B1 Preliminary/B1 Business Preliminary/B1 Linguaskill; TOEIC; Aptis ESOL B1; PEARSON PTE B1; chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN bậc 3. Trong đó, với chứng chỉ TOEIC, TS cần đạt kỹ năng nghe từ 275 - 399 điểm, kỹ năng đọc từ 275 - 384, kỹ năng nói từ 120 - 159, kỹ năng viết từ 120 - 149 điểm.

Kỳ thi năm nay dự kiến cũng giữ nguyên các quy định: "TS được miễn thi bài thi ngoại ngữ được tính 10 điểm cho bài thi này để xét công nhận tốt nghiệp THPT. TS không đăng ký sử dụng quyền được miễn thi bài thi ngoại ngữ thì phải dự thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT như TS không được miễn thi".

Điều chỉnh mang tính kỹ thuật phù hợp với thực tế

Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, chỉ ra một số hạn chế trong tổ chức kỳ thi năm 2023 như vẫn còn trường hợp vi phạm trong công tác coi thi; vẫn còn tình trạng công tác tham mưu, kiểm tra chậm, muộn tại một số địa phương; vẫn còn tình trạng chậm, muộn trong việc tổ chức đăng ký của TS tự do; một số văn bản từng bước hoàn thiện qua nhiều năm nhưng vẫn cần hoàn thiện để làm tốt hơn; đề thi vẫn cần phải tiếp tục rà soát, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa…

Do vậy, với tinh thần giữ ổn định kỳ thi năm 2024 như giai đoạn 2020 - 2023, ông Phạm Ngọc Thưởng cho biết Bộ GD-ĐT đã rà soát, xem xét để có những điều chỉnh mang tính kỹ thuật phù hợp với thực tế, khắc phục được những khó khăn, hạn chế của kỳ thi các năm trước.

Nguồn: https://thanhnien.vn