Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Học - Thi -Tuyển sinh

Rà lại kiến thức, kĩ năng làm bài Địa lý tốt nghiệp THPT những ngày “nước rút”.

Cập nhật 28/06/2021 - 11:40:17 AM (GMT+7)

GD&TĐ - Các giáo viên dạy Địa lý giàu kinh nghiệm chia sẻ những lưu ý quan trọng, giúp thí sinh ôn tập hiệu quả môn học này trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Ảnh minh họa/ITN

 

Cô Trịnh Thị Thùy Dương, Trường THPT Vĩnh Bình (An Giang) cho biết: Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có đầy đủ cả phần kiến thức lý thuyết và kĩ năng thực hành.

Với nội dung lý thuyết lớp 12, ma trận đề phủ hết các chủ đề, nhưng số lượng câu tập trung nhiều ở chủ đề Địa lý các ngành kinh tế và Địa lý các vùng kinh tế.

Với kỹ năng thực hành, đề cho đủ các dạng, từ phân tích bảng số liệu, phân tích biểu đồ, nhận dạng biểu đồ đến khai thác Atlat Địa lý Việt Nam.

Các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó, số lượng câu nhận biết và thông hiểu khá nhiều, chiếm khoảng 70 - 75% số lượng câu hỏi của đề (tập trung ở chủ đề Địa lý các ngành kinh tế và Kĩ năng Atlat Địa lý Việt Nam).

Từ phân tích này, Trịnh Thị Thùy Dương lưu ý học sinh cần có những phương pháp ôn tập sao phù hợp với từng nội dung kiến thức hoặc kĩ năng để đạt được hiệu quả cao trong kỳ thi.

Theo đó, học sinh cần học đầy đủ, bám sát theo cấu trúc đề thi, tránh học tủ. Cụ thể: nắm khái quát toàn bộ chương trình dưới dạng các chủ đề, hệ thống kiến thức theo chủ đề và ôn tập cũng theo chủ đề, tránh học các nội dung một cách rời rạc, sẽ mau quên hoặc nhầm lẫn kiến thức.

Học sinh học từ cái chung đến cái riêng, lập bảng so sánh sự giống và khác nhau của các đối tượng thành phần, để tránh nhầm lẫn đặc điểm này cho đối tượng khác hoặc ngược lại. Đặc biệt là đối với Địa lý vùng kinh tế thì phương pháp này là hữu hiệu nhất.

Trong quá trình ôn tập, học sinh nhất thiết phải làm nhiều bài tập trắc nghiệm khách quan cho các chủ đề, để hiểu được phần nào cách thức đặt câu dẫn và phương án trả lời cho từng nội dung.

“Học bài có nhiều cách, nhưng các em nên chú ý cách học hiểu hơn là học thuộc lòng; ví dụ như vẽ sơ đồ tư duy, viết ra giấy, học bài chung với bạn,…” – cô Trịnh Thị Thùy Dương cho hay.

Cũng theo cô Trịnh Thị Thùy Dương, đề thi minh họa năm nay, các câu hỏi thực hành sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam là 15 câu, trở thành “cứu tinh” cho học sinh trong bài thi.

Chia sẻ kinh nghiệm khai thác Atlat Địa lí Việt Nam theo hướng làm bài trắc nghiệm hiệu quả nhất, cô Dương đưa ví dụ minh họa với câu 46 trong đề tham khảo:

 “Căn cứ vào Atlat Địa lý Việt Nam trang 4 - 5, cho biết tỉnh nào trong các tỉnh sau đây có diện tích lớn nhất?

A. Quảng Trị.

B. Hà Tĩnh.

C. Quảng Bình.

D. Nghệ An.”

Với câu này, cô Dương cho rằng, học sinh nên lưu ý 3 bước.

Bước 1: Đọc câu hỏi để xác định yêu cầu dựa vào trang Atlat nào? (trang 4-5)

Bước 2: Yêu cầu cho biết đối tượng địa lý nào (tỉnh nào)? Để biết được đối tượng đó thể hiện bằng kí hiệu gì trên bản đồ, học sinh cần nắm vững các kí hiệu (chủ yếu dựa vào trang số 3). Trang số 3 là về kí hiệu chung, mô tả các kí hiệu của bản đồ. Trong quá trình đọc bản đồ, nếu học sinh không biết, hoặc không nhớ các kí hiệu thì sẽ dựa vào trang này để đọc bản đồ. Tuy nhiên, có một số trang Atlat, các kí hiệu còn thể hiện ngay trong bảng chú giải của trang đó (trang 15, trang 22,…). Các em nên đọc thường xuyên để biết rõ về kí hiệu các đối tượng, để tránh mất thời gian làm bài thi.

Bước 3: Đối tượng trong Atlat đó như thế nào? (có diện tích lớn nhất trong 4 tỉnh). Sau khi biết được đặc điểm của đối tượng trên tờ Atlat, tiến hành kiểm tra từng phương án sao cho đúng với yêu cầu của câu hỏi.

Cô Nguyễn Thị Hiên, giáo viên Trường THPT Bình Minh, Hoài Đức, Hà Nội cũng cho rằng, khi làm bài thi Địa lý, việc biết cách khai thác Atlat hiệu quả rất quan trọng. Đề thi tham khảo có 15/40 câu Atlat; để xem nhanh và hiệu quả, học sinh cần nắm được các kí hiệu thể hiện ở trang 3, sau đó tuỳ vào từng câu mà chọn đáp án. Đồng thời, cần làm việc nhiều với Atlat để thuộc các đối tượng địa lý được thể hiện trong đó.

Ngoài ra, theo cô Nguyễn Thị Hiên, học sinh cũng cần nắm chắc dạng biểu đồ, tìm được từ khoá để nhận dạng biểu đồ phù hợp. Ví dụ, biểu đồ thể hiện tốc độ tăng trưởng thì là biểu đồ đường, biểu đồ thể hiện chuyển dịch hay thay đổi cơ cấu mà số liệu từ 4 năm trở lên thì chọn miền, biểu đồ thể hiện quy mô và cơ cấu thì là biểu đồ tròn....

“Các câu hỏi về vùng kinh tế thường cho về ý nghĩa, biện pháp chủ yếu hay các vấn đề chủ yếu của vùng nên khi học các em cần nắm chắc vấn đề cốt lõi của mỗi vùng kinh tế” - cô Hiên lưu ý thêm.

Cô Nguyễn Thị Phỉ, Trường THPT Mĩ Quý (Tháp Mười, Đồng Tháp) dặn dò học sinh đọc kỹ đề và làm nhóm câu dễ trước, câu khó sau. Làm hết và tốt các nhóm câu hỏi dưới kỹ năng (Atlat Địa lí, tính toán, chọn biểu đồ thích hợp). Với nhóm câu hỏi khó, chưa chắc chắn phương án trả lời, học sinh có thể sử dụng phương án loại trừ. “Việc phân bố thời gian hợp lý cũng rất quan trọng giúp học sinh hoàn thành tốt bài thi” - cô Nguyễn Thị Phỉ nhấn mạnh thêm.

(Theo báo Giáo dục & Thời đại).