Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Học - Thi -Tuyển sinh

Cách đạt điểm cao môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Cập nhật 14/06/2024 - 05:51:29 PM (GMT+7)

      Chỉ còn vài ngày nữa, các thí sinh sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, một kỳ thi rất quan trọng quyết định 12 năm đèn sách, nên sẽ không thể tránh khỏi những áp lực. Trong thời gian này, các sĩ tử sẽ phải ôn tập một số môn học với các kiến thức đa dạng. Vì thế, các bạn học sinh hơi khó khăn trong việc tiếp thu một bộ kiến thức rộng trong khoảng thời gian ngắn. Nhằm hỗ trợ làm giảm áp lực cho các bạn, trong bài viết này chúng tôi xin chia sẻ một số thông tin và gợi ý hữu ích nhất để giúp bạn tiếp cận môn Ngữ văn sao cho hiệu quả, đây là một môn học không chỉ yêu cầu về các kỹ năng đọc hiểu mà còn yêu cầu về sự phân tích văn bản và biểu đạt ý tưởng một cách sâu sắc. Việc đạt được điểm cao trong môn ngữ văn không chỉ là mục tiêu mà còn là thách thức đối với nhiều bạn học sinh. Chúng ta cùng tìm hiểu về quá trình chuẩn bị và một số lưu ý trong quá trình làm bài, nhằm giúp bạn đạt được kết quả tốt nhất có thể.

 

      Đề thi minh họa tốt nghiệp THPT 2024 môn Ngữ văn vẫn giữ nguyên hình thức thi tự luận với thời lượng 120 phút; cấu trúc được chia thành 2 phần, bao gồm: Phần đọc hiểu (3 điểm), phần làm văn với nội dung nghị luận xã hội và nghị luận văn học (7 điểm). Đây chính là môn thi tự luận duy nhất, vì vậy thí sinh cần nắm chắc cấu trúc cũng như có chiến thuật làm bài sao cho hiệu quả nhất.

1. PHẦN ĐỌC HIỂU

      Phần đọc hiểu sẽ bao gồm những kiến thức nền tảng, chiếm 30% tổng số điểm của bài thi. Tuy nhiên, nhiều bạn học sinh chỉ mãi tập trung vào kiến thức rộng của văn học mà bỏ qua khối kiến thức căn bản. Do đó, có nhiều tình trạng làm sai hoặc bỏ những câu hỏi trong phần đầu tiên này. Để tránh tình trạng mất điểm "oan", hãy nên dành một phần thời gian của mình để ôn tập, giúp bản thân nhắc nhớ lại kiến thức.

  • Sử dụng phương pháp học bằng sơ đồ tư duy để hệ thống đầy đủ phạm vi kiến thức tiếng việt như: Phương thức biểu đạt, Phong cách ngôn ngữ, Thao tác lập luận, Biện pháp liên kết, Phân biệt các thể thơ...
  • Kỹ năng đọc hiểu văn bản là rất quan trọng, bạn có thể rèn luyện mỗi ngày thông qua các đề thi minh họa, đề thi những năm trước. Hãy chắc chắn rằng khi đọc đề bài, bạn phải xác định được từ khóa quan trọng, nội dung chính cũng như tinh thần của văn bản mà tác giả muốn thể hiện.
  • Hình thức trình bày câu trả lời cũng không kém phần quan trọng. Đối với những câu hỏi ngắn thí sinh nên trả lời ngắn gọn, súc tích, đầy đủ ý; một phần giúp cho phần trả lời rõ ràng đễ hiểu, một phần giúp bạn hoàn thành phần một nhanh hơn, tiết kiệm được thời gian cho bài viết văn.

Nguồn ảnh: vtcnews.vn

 

2. PHẦN LÀM VĂN

      Phần làm văn được chia thành hai nội dung là Nghị luận xã hộiNghị luận văn học. Các thí sinh cần phải có sự phân hóa một cách hợp lý về thời gian để hoàn thành trọn vẹn cả hai nội dung và đạt được điểm tối đa nhất.

     Nghị luận xã hội là khối kiến thức vô cùng rộng lớn về xã hội, chính trị, đời sống; bao gồm những vấn đề tư tưởng, đạo lý cho đến lối sống; đôi khi đề bài sẽ có đề cập đến những câu chuyện nổi bật trong đời sống hằng ngày. Và điểm khác biệt so với nghị luận văn học là không viết về tác phẩm, tác giả; thay vào đó người viết phải đưa ra những lập luận, dẫn chứng và tìm hướng giải quyết phù hợp.

      Khi làm bài nghị luận xã hội, nếu không muốn mất điểm các thí sinh hãy luôn đảm bảo yêu cầu cơ bản như sau:

  • Về nội dung: Cần đọc kỹ đề, xác định được đúng yêu cầu để tránh nội dung sai lệch, lạc đề. Trọng tâm của một bài nghị luận phải bao gồm đầy đủ các yếu tố thực trạng, nguyên nhân, ý nghĩa, hậu quả, giải pháp, bài học...
  • Về hình thức: Viết đúng cấu trúc đoạn, dung lượng chữ đáp ứng yêu cầu của đề bài, tránh trường hợp thiếu hoặc thừa quá nhiều chữ sẽ bị trừ điểm.

      "Bài văn hay nhất không nhất thiết phải dài dòng". Vì vậy khi viết văn, thí sinh lưu ý phải có lập luận chặt chẽ, đặc biệt không thể thiếu dẫn chứng thuyết phục. Bên cạnh đó để kết thúc bài nghị luận xã hội, phần mở rộng liên hệ bản thân là yếu tố không kém phần quan trọng giúp bài viết trở nên sâu sắc hơn.

     Nghị luận văn học là bài văn phân tích, đánh giá các vấn đề liên quan đến những tác phẩm văn xuôi và thơ. Đây là câu chiếm điểm số cao nhất trong bài thi (5 điểm), nên mục tiêu đạt trọn điểm trong phần này sẽ trở nên khó khăn đối với nhiều bạn học sinh.

 

Nguồn ảnh theo: https://yolearn.vn/

 

      Để bài viết trở nên chất lượng và thu hút, các thí sinh phải nắm rõ những yếu tố chủ chốt bao gồm: tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh xuất xứ, nội dung chính. Từ đó giúp chúng ta có cái nhìn tổng quát hơn về tác phẩm và phân tích nội dung, nghệ thuật cũng như thông điệp mà tác giả gửi gắm một cách trọn vẹn.

      Đặc biệt trong giai đoạn nước rút này, các bạn học sinh sẽ lựa chọn phương pháp "học tủ" hay "học nhồi nhét", điều này khiến các bạn đối diện với áp lực nhiều hơn và còn gây ra tình trạng nhiễu loạn kiến thức. Thay vào đó, hãy sử dụng sơ đồ tư duy ghi lại các luận điểm chính để kiến thức được hệ thống một cách đầy đủ, ngắn gọn và giúp nhớ lâu hơn.

      Kiến thức ôn tập là yếu tố để quyết định điểm số và kỹ năng làm bài cũng không kém phần quan trọng. Các thí sinh nên luyện tập mỗi ngày một đề thi mẫu, giúp các bạn canh được giờ giấc, quen với nhịp viết văn để khi bước vào phòng thi chúng ta sẽ không phải lo lắng và lúng túng. Đặc biệt trong quá trình làm bài phải lưu ý những điều sau:

  • Đọc đề và lập dàn ý trước khi bắt đầu viết bài. Điều này không những giúp bạn phác họa được những nội dung cần phân tich đánh giá một cách đầy đủ, tránh sót ý hoặc thừa ý. Bên cạnh đó chúng ta còn có thể sắp xếp các luận điểm chính theo trình tự hợp lý.
  • Mở bài và kết bài. Mở bài là đoạn đầu tiên của bài văn và thu hút được sự chú ý của ban giám khảo nếu câu văn được trau chuốt và mang giá trị trọng tâm, còn kết bài là phần chốt lại nội dung và đánh giá dựa trên những luận điểm mà các bạn đã đưa ra. Chính vì vậy, các sĩ tử hãy chuẩn bị trước những phần mở bài và kết bài thật chất lượng có thể sử dụng được cho các dạng đề bài, để khi bắt đầu viết văn chúng ta sẽ không mất quá nhiều thời gian suy nghĩ mà còn có được những lời văn hay nhưng vẫn đảm bảo đủ cấu trúc: mở bài, thân bài, kết bài.
  • Bài văn đạt điểm cao sẽ không thể bỏ qua yếu tố về hình thức. Mặt hình thức sạch đẹp sẽ giúp giám khảo dễ dàng đánh giá, nên các bạn hãy lưu ý tránh tẩy xóa bôi đen quá nhiều trong bài văn. Đặc biệt, một lỗi cơ bản nhất mà học sinh thường mắc phải là sai chính tả, bạn có thể hạn chế bằng cách sau khi viết xong dành thời gian đọc lại một lượt dò lỗi chính tả để không bị mất điểm quá nhiều.

      Với những chia sẻ trên, STU hy vọng rằng bạn sẽ lựa chọn được những phương pháp học phù hợp với bản thân, kết hợp với những kỹ năng trong quá trình làm bài để đạt được điểm cao môn Ngữ văn như mong đợi. 

Thí sinh đăng ký xét tuyển có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại STU hoặc đăng ký trực tuyến tại website trường theo đường link: http://daotao2.stu.edu.vn/

VĂN PHÒNG TƯ VẤN TUYỂN SINH – TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHỆ SÀI GÒN

Địa chỉ: 180 Cao Lỗ, Phường 4, Quận 8, TP. Hồ Chí Minh.

Số điện thoại: (028) 505.520 - 115 ; 116 hoặc Hotline: 0902.992.306

Kênh tư vấn trực tuyến: http://stu.edu.vn/vi/269/cau-hoi-tu-van.html

Fanpage STU: https://www.facebook.com/DHCNSG