Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Học - Thi -Tuyển sinh

Bí quyết đạt điểm cao môn Sinh học: Không xem nhẹ lý thuyết.

Cập nhật 27/06/2021 - 11:36:30 AM (GMT+7)

GD&TĐ - Nhiều giáo viên giảng dạy môn Sinh học lớp 12 có chung nhận xét: “Học sinh thường có suy nghĩ đây là môn thi trắc nghiệm 100% nên xem nhẹ bước học bài để nắm vững kiến thức”.

 

Học sinh Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) học nhóm theo sơ đồ tư duy.                                                                                                                                                                                  Ảnh: TGHọc sinh Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) học nhóm theo sơ đồ tư duy.

 

Điều này dễ dẫn đến kết quả bài làm không cao do “đoán mò”, đánh đáp án “hên xui”. 

Học với sơ đồ tư duy

Cô Nguyễn Thị Diễm Mi - Phó Tổ trưởng Tổ Sinh học (Trường THPT Nguyễn Hiền, Đà Nẵng) nhận xét: “Lý thuyết sinh học chiếm tới 60% trong bài thi tốt nghiệp THPT. Để nắm chắc lý thuyết, học sinh phải chú trọng kiến thức cơ bản, trọng tâm theo từng chuyên đề. Phương pháp hiệu quả nhất để học tập và ghi nhớ kiến thức là sử dụng sơ đồ tư duy”. Theo cô Mi, điểm mạnh của phương pháp này giúp khả năng tư duy, tổng hợp của học sinh nhanh và logic hơn.

“Với mỗi bài học, chủ đề các em làm một sơ đồ tư duy, đến khi ôn lại bài chỉ cần nhìn vào sơ đồ đó có thể tổng hợp lại kiến thức. Nhìn chung, đề thi tốt nghiệp THPT bám sát chương trình sách giáo khoa, do đó, sơ đồ tư duy sẽ giúp các em hệ thống hóa kiến thức và không mông lung, rối lên vì nhiều kiến thức, đặc biệt là ở phần di truyền hay tiến hóa” – cô Mi gợi ý.

Theo cô Diễm Mi, với một số môn môn tự nhiên khác, học sinh đôi khi chỉ cần thuộc công thức là có thể giải được. Nhưng với phần bài tập của môn Sinh học, muốn giải được, ngoài việc thuộc một số công thức giải nhanh, các em còn phải nắm vững lý thuyết để biết được bản chất của công thức đó nhằm vận dụng một cách tối ưu nhất.

Cách tốt nhất và duy nhất để có thể giải nhanh bài tập đó là học sinh cần đầu tư thời gian để giải thật nhiều bài tập ở các mức độ khác nhau. Trong đó, thí sinh muốn có điểm cao cần đặc biệt lưu ý dạng bài tập phả hệ, di truyền liên kết giới tính, hoán vị gen. Đây là các dạng bài tập khó, thường ở mức vận dụng cao nên yêu cầu HS phải có khả năng phân tích, tổng hợp các dữ kiện để trả lời yêu cầu của đề bài.

 

Sơ đồ tư duy môn Sinh học.

 

Lưu ý chuyên đề Sinh thái học

Thầy Trần Thanh An – Giáo viên môn Sinh học, Trường THPT Lê Thế Hiếu (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) cho biết: “Sinh thái học là nội dung quan trọng của chương trình Sinh học 12. Các câu hỏi về sinh thái học thường xuất hiện trong đề thi. Đặc biệt, đề thi năm nào cũng có câu hỏi liên quan đến khai tác tài nguyên bền vững hoặc không bền vững. Vì vậy, HS không thể bỏ qua bài Thực hành quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Các câu hỏi liên quan đến bài này thường ở mức vận dụng thấp”.

Phân tích cấu trúc đề thi minh họa môn Sinh học năm 2021, thầy An nhận xét: Phần lý thuyết của bài thi chiếm khoảng 6,5 điểm, chủ yếu tập trung vào 4 phần: Cơ chế di truyền và biến dị (5 câu), Tiến hóa (6 câu), Sinh thái (7 câu), Chuyển hóa vật chất và năng lượng ở Thực vật và Động vật (4 câu). Vì vậy, phần sinh thái học và phát triển bền vững cùng phần sinh học phân tử (một trong 3 phần trọng tâm của di truyền học) chiếm một lượng câu hỏi khá lớn.

Phần bài tập chiếm khoảng 3,5 điểm với kiến thức tập trung vào phần Di truyền học, chủ yếu thuộc chuyên đề Quy luật di truyền. Muốn đạt được mốc điểm 8 - 9, HS tập trung vào các bài toán về Quy luật di truyền. Nếu giải quyết tốt các bài toán tích hợp Quy luật di truyền, Di truyền phả hệ sẽ đạt mốc 9 – 10 điểm.

Thầy Trần Thanh An đánh giá: So với các nội dung trong phần Di truyền học thì kiến thức của phần Sinh học phân tử chủ yếu sẽ rơi vào những câu hỏi ở mức độ 1 và 2. Chỉ có đề thi minh họa năm 2021, lần đầu tiên, có một câu hỏi của Sinh học phân tử ở mức vận dụng cao hỏi về hệ quả của đột biến gen. Hai câu còn lại ở mức độ nhận biết và hiểu. Nếu HS để ý là biết đáp án ngay.

Với phần Sinh thái học và môi trường, các kiến thức khó chủ yếu tập trung vào câu hỏi vận dụng của lưới thức ăn, chuỗi thức ăn. “Để làm tốt phần câu hỏi và bài tập ở chuyên đề này, HS cần nắm vững các bậc dinh dưỡng, tháp sinh thái; mối quan hệ cạnh tranh khác loài. Trong đó cần lưu ý, trong cùng một bậc dinh dưỡng, các loài có thể cạnh tranh hay không cạnh tranh tùy theo nguồn thức ăn của chúng là gì” – thầy An lưu ý. Ví dụ như trong đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có câu:

Cho chuỗi thức ăn: Cây lúa -> Sâu ăn lá úa -> Ếch đồng -> Rắn hổ mang -> Diều hâu. Trong chuỗi thức ăn này, sinh vật nào thuộc nhóm sinh vật tiêu thụ bậc 3?

A. Diều hâu      B. Ếch đồng.     C. Sâu ăn lá lúa     D. Rắn hổ mang

Theo thầy An, từ khóa của câu hỏi này phải là sinh vật tiêu thụ bậc 3. Với câu hỏi này, HS dễ nhầm giữa bậc dinh dưỡng và bậc sinh vật tiêu thụ. Trong đó, bậc dinh dưỡng bắt đầu tính từ sinh vật “cây lúa”. Bậc sinh vật tiêu thụ bắt đầu tính từ Sâu ăn lá lúa. Do đó, đáp án của câu hỏi này là đáp án D. Rắn hổ mang. Nếu các em chọn Ếch đồng theo thứ tự thứ 3 trong chuỗi thức ăn sẽ là đáp án sai. 

Bên cạnh việc trang bị kiến thức, việc quan trọng không kém là rèn luyện kỹ năng làm bài trắc nghiệm. Từ việc giữ gìn cẩn thận phiếu trả lời trắc nghiệm đến việc ghi đầy đủ thông tin trên phiếu làm bài và tô các phương án trắc nghiệm. Việc phân bổ thời gian làm bài cũng đóng vai trò không nhỏ để có được một bài thi thành công. Đọc qua một lượt đề, làm ngay những câu có thể trả lời được. Làm chắc những câu ở mức độ “Nhận biết” và “Thông hiểu”. Với những câu hỏi khó vượt quá khả năng của mình, thí sinh nên dùng phương pháp loại suy.

(Theo báo Giáo dục & Thời đại).