Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Học - Thi -Tuyển sinh

Ôn thi tốt nghiệp THPT môn GDCD: Rút gọn khái niệm bằng từ khóa.

Cập nhật 20/06/2021 - 04:32:22 PM (GMT+7)

GD&TĐ - Để học sinh nắm chắc bài Các yếu tố của quá trình sản xuất (SGK môn Giáo dục công dân - lớp 11), cô Nguyễn Vân Anh- Giáo viên Trường THPT Lê Hồng Phong (Hồng Bàng, Hải Phòng) chia sẻ nhiều bí quyết bổ ích.

 


Chắc kiến thức lý thuyết

Cô Vân Anh cho hay, hệ thống kiến thức lớp 11 theo đề minh họa 2021, có 4 câu liên quan các nội dung như: cạnh tranh, quy luật giá trị, tiền tệ và các yếu tố của quá trình sản xuất.

4 câu hỏi trong đề thi tương ứng với các bài 1, 2, 3, 4 trong phần Công dân với kinh tế chương trình - lớp 11. Và được sắp xếp ở các câu 81, 82, 101, 102. Tất cả các câu này đều ở mức độ nhận biết và thông hiểu không có mức độ vận dụng và vận dụng cao.

Khi ôn tập phần kiến thức lớp 11, học sinh tập trung vào nội dung thứ nhất cần phân biệt các yếu tố của quá trình sản xuất.

Các yếu tố cơ bản của quá trình sản xuất của cải vật chất, học sinh cần nhớ cụ thể:

1. Sức lao động

- Sức lao động = thể lực  + trí lực

- Sức lao động là toàn bộ những năng lực thể chất và tinh thần của con người được vận dụng vào trong quá trình sản xuất.

* Lao động: là hoạt động có mục đích, có ý thức của con người làm biên đổi những yếu tố của tự nhiên cho phù hợp với nhu cầu của con người.

2. Đối tượng lao động

- Là những yếu tố của tự nhiên mà lao động của con người tác động vào nhằm biến đổi nó cho phù hợp với mục đích của con người.

- Đối tượng lao động:

+ Loại có sẵn

+ Loại trải qua tác động của lao động được cải biến ít nhiều.

3. Tư liệu lao động

- Là một vật hay hệ thông những vật làm nhiệm vụ truyền dẫn sự tác động của con người lên đối tượng lao động, nhằm biến đổi đối tượng lao động thành sản phẩm thỏa mãn nhu cầu của con người.

- Có 3 loại:

+ Công cụ lao động

+ Hệ thống bình chứa sản xuất

+ Kết cấu hạ tầng sản xuất


HS lớp 12 Trường THPT Lê Hồng Phong trong giờ ôn luyện môn GDCD

 

Cô Vân Anh lưu ý học sinh nhớ kiến thức cơ bản bằng cách lập sơ đồ tư duy. Đây là các hệ thống kiến thức khoa học, dễ nhớ, dễ hiểu. Sau đó, các em triển khai các nội dung chi tiết của các từ khóa trên sơ đồ. Bằng cách này học trò nhắc lại và ghi nhớ kiến thức của chủ đề đang tìm hiểu.


Bảng hệ thống kiến thức.

 

Khi kiến thức lý thuyết được củng cố lại, giáo viên cho học sinh luyện tập các dạng câu hỏi với các mức độ khác nhau.

Cô Vân Anh linh hoạt trong quá trình làm câu hỏi trắc nghiệm như giao cho từng học sinh từ 5 - 10 câu (căn cứ vào năng lực của các em), hoặc chia theo nhóm, cặp, tổ với số lượng câu hỏi khác nhau. Thực hiện xong nhiệm vụ được giao, các em cùng nhau trao đổi, cô giáo chữa để chốt các đáp án đúng.

Mã hóa bằng từ khóa

Để dạt điểm cao đối với bài thi môn GDCD, cô Vân Anh nhắc nhở học sinh nắm chắc kiến thức trong SGK.

Đề thi GDCD sẽ có 40 câu, thí sinh làm trong thời gian 50 phút. Thông thường khi nhận đề thi, thí sinh sẽ thấy hơi "hoảng" vì nhìn đề khá dài. Tuy nhiên, môn GDCD gần như không có sự đánh đố quá cao siêu, nên thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức trong SGK là sẽ có thể làm tốt được bài thi.
Trong đó, kiến thức trong SGK sẽ chiếm khoảng 70% và kiến thức liên hệ bên ngoài sẽ chiếm khoảng 30%. Thí sinh chỉ cần học trong sách giáo khoa là có thể đạt được điểm 7. Còn nếu muốn đạt điểm cao hơn, đòi hỏi thí sinh tích cực theo dõi, cập nhật thông tin trên phương tiện truyền thông đại chúng về các sự việc xảy ra hằng ngày trong đời sống-xã hội.

Mỗi khi đọc câu hỏi xong, điều đầu tiên các em phải tìm được từ chìa khóa nằm ở đâu. Điều đó giúp thí sinh định hướng được câu hỏi liên quan đến vấn đề gì và đáp án sẽ gắn liền với từ khóa ấy.

Đặc điểm chính của môn học này là áp dụng kiến thức đời sống. Vì vậy, nếu các em muốn đạt điểm cao ở môn GDCD thì việc tìm hiểu kiến thức thực tế là việc hết sức cần thiết. Mặt khác, tìm hiểu kiến thức thực tế sẽ giúp cho lượng kiến thức từ sách giáo khoa trở nên dễ nhớ hơn rất nhiều, cô Vân Anh nhấn mạnh.

Để làm tốt bài thi, tránh sót câu hỏi, việc đầu tiên, thí sinh đọc qua một lượt tất cả các câu hỏi, xem những câu nào mình biết rồi thì nên khoanh ngay vào đáp án phiếu trả lời. Sau khi làm hết những câu hỏi đơn giản mới làm đến những câu hỏi khó.Thí sinh chú ý phân bổ thời gian để không bỏ sót câu hỏi, không được để trống đáp án.

(Theo báo Giáo dục & Thời đại).