Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Học - Thi -Tuyển sinh

Học sinh cần gắn kết các sự kiện Lịch sử Việt Nam và Thế giới.

Cập nhật 18/06/2021 - 05:03:57 PM (GMT+7)

GD&TĐ - Thầy Cù Huy Hậu, GV môn Lịch Sử Trường THPT Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) có những trao đổi nhằm giải đáp những băn khoăn của học sinh xoay quanh kiến thức, kỹ năng ôn luyện và làm bài thi môn Lịch Sử. 

 

Nhiều trường THPT tại Hà Tĩnh đã tổ chức thi thử cho học sinh lớp 12.

 

Cần có sự gắn kết các sự kiện

Lịch sử là môn thi số đông thí sinh “ngại” nhất vì khó thuộc, nhanh quên và điểm thi nhiều năm khá thấp. Học như thế nào cho nhanh thuộc, dễ nhớ và nhớ lâu, thầy Hậu đã có những chỉ dẫn.

Theo thầy Cù Huy Hậu, đối với phần lịch sử Việt Nam, phần kiến thức chiếm khá nhiều về lưu lượng và thời gian học trong sách giáo khoa. Đây cũng là phần kiến thức thi bắt buộc với số lượng nhiều câu hỏi nhất. Chương trình thi tốt nghiệp THPT lâu nay của phần này là những kiến thức trong khoảng thời kỳ từ 1919 đến năm 2000.

Thầy Hậu nhấn mạnh học sinh phải nắm rõ mỗi giai đoạn lịch sử giải quyết những nội dung cơ bản gì, những nhiệm vụ cốt lõi nào? Gắn liền mỗi giai đoạn đó có những sự kiện tiêu biểu nào, sự kiện nào là tiêu biểu nhất? Từ đó khái quát được kết quả, ý nghĩa lịch sử và giúp học sinh rèn luyện kỹ năng thông hiểu, vận dụng, xâu chuỗi các sự kiện tiêu biểu lại với nhau trong mối quan hệ tương tác.

Giai đoạn lịch sử Việt Nam 1919 - 1945

Giai đoạn từ 1919-1930: Học sinh phải xác định nội dung chính, nhiệm vụ chính của cách mạng Việt Nam cần phải giải quyết là quá trình đấu tranh để xác lập khuynh hướng cứu nước mới khi ngọn cờ phong kiến đã thất bại và khuynh hướng dân chủ tư sản đã lỗi thời.


Chỉ còn thời gian ngắn nữa là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được diễn ra.

 

Kiến thức khởi đầu làm tiền đề cho nhiều vấn đề khác của giai đoạn này là chương trình khai thác thuộc địa lần thứ 2 của thực dân Pháp liên quan đến: sự chuyển biến về kinh tế và sự phân hoá xã hội, phong trào yêu nước, phong trào công nhân, hoạt động cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Sự kiện kết thúc cho giai đoạn này chính là thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930) đánh dấu sự thắng thế hoàn toàn của khuynh hướng cứu nước vô sản và sự xác lập quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản, là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

“Vấn đề cốt lõi nhất của cách mạng Việt Nam giai đoạn này là quá trình chuẩn bị thành lập Đảng về tư tưởng chính trị và tổ chức. Trong quá trình chuẩn bị (hay có lúc gọi đó là quá trình vận động) để thành lập ở Việt Nam một chính đảng vô sản vào năm 1930 không tách rời quá trình hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc” – thầy Hậu cho hay.

Giai đoạn 1930-1945, theo thầy Hậu, diễn ra nhiều sự kiện cùng với sự tác động của tình hình thế giới. Nhiệm vụ chính của cách mạng Việt Nam giai đoạn này là quá trình đấu tranh giành chính quyền trong 15 năm với nhiều giai đoạn 1930-1931, 1932-1935, 1936-1939, 1939-1945.


Thời điểm hiện nay, học sinh lớp 12 chuyển qua ôn luyện trực tuyến.

 

Thầy Hậu cũng hướng dẫn rõ cho học sinh về cách ôn và làm bài thi, cần phải rút ra được từ bối cảnh, diễn biến của từng giai đoạn đã chuẩn bị được gì, để lại những bài học kinh nghiệm nào cho giai đoạn kế tiếp, cho sự bùng nổ và thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945. Nghĩa là khi học sinh ôn luyện các giai đoạn lịch sử cần có sự sâu nối, liên kết giai đoạn này với các giai đoạn lịch sử sau.

Sau đó, cần so sánh được sự thay đổi của tình hình thế giới có ảnh hưởng, tác động đến trong nước như cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933 và sự xuất hiện chủ nghĩa phát xít; chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ; những diễn biến quan trọng trên chiến trường châu Á-Thái Bình Dương như Nhật nhảy vào Đông Dương (9/1940), Nhật đảo chính Pháp (3/1945), Nhật đầu hàng quân Đồng Minh (8/1945…

Từ đây, để học sinh thấy được hoàn cảnh thay đổi thì chủ trương thay đổi và Đảng ta đã có những đối sách gì trước sự chuyển biến mau lẹ đó thông qua các Hội nghị TW VI (11/1939), Hội nghị TW VII (11/1940), Hội nghị TW VIII (5/1941), Hội nghị Ban Thường vụ TW (3/1945), Hội nghị toàn quốc của Đảng (8/1945)…

Kết thúc giai đoạn này chính là sự thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945 với sự ra đời của nước Việt Nam DCCH kết thúc cho 15 năm đấu tranh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

“Tóm lại, vấn đề cốt yếu nhất của lịch sử dân tộc giai đoạn này thực chất là quá trình chuẩn bị toàn diện cho Cách mạng tháng Tám thắng lợi, trong đó sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên đảm bảo cho sự thắng lợi là đường lối cách mạng giải phóng dân tộc được vạch ra ngay từ khi Đảng ra đời” – thầy Hậu cho biết thêm.

Đối với Lịch sử Thế giới

Thầy Cù Huy Hậu hướng dẫn về ôn phần Lịch Sử thế như sau: Học sinh khi ôn tập, cách học dễ nhớ nhất là ôn tập theo từng vấn đề trên cơ sở bài tổng kết lịch sử thế giới hiện đại từ 1945 -2000. Để tránh sự nhầm lẫn kiến thức và sự kiện, học sinh nên lập biểu những sự kiện chính theo từng vấn đề và sơ đồ hoá kiến thức theo từng nội dung chủ yếu theo 6 vấn đề sau:


Học sinh trước khi chuyển qua ôn luyện trực tuyến thì trước đó, các trường đã tổ chức làm bài thi thử.

 

Thứ nhất: Sự hình thành Trật tự thế giới mới sau chiến tranh thế giới thứ hai (1945-1949). Học sinh nên nắm bối cảnh chính của thế giới vào giai đoạn cuối của chiến tranh thế giới thứ 2 cùng với thay đổi tương quan lực lượng và bất đồng, mâu thuẫn của các cường quốc trong phe Đồng minh. Gắn liền với trật tự đó là sự ra đời và hoạt động của tổ chức Liên Hợp quốc.

Thứ hai: Liên Xô và các nước Đông Âu (1945-1991), Liên bang Nga (1991-2000). Đây là vấn đề mà nhiều học sinh cho rằng rất khó học, khó nhớ bởi nhiều biến động, biến đổi khó lường của nó sau chiến tranh thế giới thứ 2 đến năm 2000. Học sinh nên nắm cơ bản 2 vấn đề chính: Những thành tựu về kinh tế, khoa học - kỹ thuật của các nước (từ 1945 đến nửa đầu thập kỷ 70); sự khủng hoảng và sụp đổ của CNXH ở các nước này.

Thứ ba: Các nước Á, Phi, Mỹ latinh (1945-2000). Có 2 kiến thức cơ bản khái quát những nét chính về vị trí địa lý, diện tích, tài nguyên, dân cư… của các châu lục, khu vực này. Từ đó, nêu những biến đổi lớn của các nước trong quá trình đấu tranh giành độc lập.


Công tác kiểm tra cơ sở vật chật tại các điểm thi tốt nghiệp THPT ở Hà Tĩnh.

 

Thứ tư: Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản (1945-2000). Học sinh nắm vững 2 vấn đề cơ bản: Sự phát triển vượt trội về kinh tế, KH-KT sau chiến tranh thế giới thứ 2 đã giúp các nước này trở thành 3 trung tâm kinh tế, tài chính, KH-KT phát triển nhất thế giới; nét cơ bản về chính sách đối ngoại của các quốc gia này đã tác động sâu sắc đến trật tự thế giới và quan hệ quốc tế sau chiến tranh.

Thứ năm: Quan hệ quốc tế (1945-2000). Học sinh chỉ cần nắm vững 2 kiến thức cơ bản: đối đầu Đông - Tây, hoà hoãn Đông - Tây và tác đông của xu thế đó đối với cục diện chính trị thế giới sau chiến tranh thế giới thứ 2; Chiến tranh lạnh kết thúc và sự xuất hiện xu thế mới của thế giới sau chiến tranh lạnh.

Thứ sáu: Cách mạng KH-CN và xu thế toàn cầu hoá. Học sinh cần xác định có 2 kiến thức cần ôn tập: Những thành tựu cơ bản của cách mạng KH-CN và tác động của nó; xu thế toàn cầu hoá và tác động của nó đối với các nước đang phát triển.

“Nhắc nhở các học sinh trong quá trình tự ôn luyện phần lịch sử thế giới là tuỳ thuộc vào những câu hỏi, vấn đề liên quan, học sinh có thể liên hệ đến phần lịch sử Việt Nam trong từng giai đoạn. Điều đó thì sẽ giúp bài thi có vốn kiến thức phong phú, sinh động và sâu sắc hơn” - Thầy Cù Huy Hậu.

(Theo báo Giáo dục & Thời đại).