Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Học - Thi -Tuyển sinh

Nắm chắc khái niệm để tránh nhầm lẫn khi chọn phương án trả lời môn GD Công dân.

Cập nhật 11/06/2021 - 02:41:18 PM (GMT+7)

GD&TĐ - Chương trình lớp 12 môn GDCD, bài 4 “Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực đời sống” có khá nhiều câu hỏi trong đề thi. Do đó, để “kiếm” được điểm tối đa HS cần hết sức lưu ý trong ôn tập. 

 

Cô giáo Hoàng Thị Hồng Hạnh - Giáo viên môn GDCD Trường THPT số 1 Văn Bàn (Lào Cai).

 

Cô Hoàng Thị Hồng Hạnh – GV Trường THPT số 1 Văn Bàn (Lào Cai) cho biết bài 4 “Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực đời sống” có 3 nội dung quan trọng: Bình đẳng trong hôn nhân và gia đình; Bình đẳng trong lao động; Bình đẳng trong kinh doanh.

Các câu hỏi được trải dài ở trong cả 3 nội dung và đặc biệt ở phần nội dung Bình đẳng trong kinh doanh và có một phần nội dung trùng lặp với nội dung bài 9 SGK lớp 12: “Các quy luật về sự phát triển kinh tế”.

Mặc dù bài 4 học về “Bằng đẳng trong kinh doanh”, bài 9 học về “Tự do trong  kinh doanh” nhưng xét về quyền và nghĩa vụ trong kinh doanh thì có sự tương đồng. Vì thế HS dễ nhầm lẫn khi lựa chọn đáp án.

Về nội dung Bình đẳng trong hôn nhân và gia đình cần lưu ý: Tiêu đề đã cho thấy 2 khái niệm riêng biệt Hôn nhân và Gia đình. Hôn nhân là quan hệ vợ và chồng sau khi kết hôn. Gia đình là một cộng đồng người cùng chung sống và có cùng quan hệ huyết thống. Phạm vi của gia đình rộng hơn phạm vi của hôn nhân.

Trong quan hệ hôn nhân và gia đình, HS phải hiểu thế nào là bình đẳng? Bình đẳng không có nghĩa là cào bằng. Bình đẳng trong hôn nhân và gia đình là bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ chồng và giữa các thành viên trong gia đình.

Đối với luật dân sự, tố tụng dân sự, hình sự..., nói đến quyền bình đẳng giữa các công dân thì pháp luật hay đưa bình đẳng về quyền sau đó mới đến nghĩa vụ. Nhưng riêng trong lĩnh vực hôn nhân gia đình và trong luật hôn nhân gia đình thì  dùng từ bình đẳng nghĩa vụ và quyền. Tức là đòi hỏi mỗi người phải thực hiện tốt những việc mình cần phải làm sau đó mới hưởng thụ quyền lợi của mình. Vì thế xét bình đẳng trong hôn nhân gia đình cần xét nghĩa vụ phải làm trước sau đó mới xét quyền lợi mọi người được hưởng...

Trong quan hệ nhân thân, HS cần nắm được 6 nội dung cơ bản: Vợ và chồng có quyền ngang nhau trong việc lựa chọn nơi cư trú; Vợ chồng phải tôn trọng danh dự, nhân phẩm, tín ngưỡng, tôn giáo của nhau; Vợ chồng phải giúp đỡ nhau về mọi mặt; Vợ chồng phải bình đẳng trong việc lựa chọn biện pháp kế hoạch hóa gia đình; Vợ chồng phải bình đẳng trong việc chăm sóc và giáo  dục con.

Ví dụ: Trong đời sống hàng ngày HS hay chứng kiến cảnh: Dạy và chăm sóc con - thường người mẹ, phụ nữ trong gia đình đảm nhiệm còn bố kiếm tiền bên ngoài. Vì vậy khi làm đề thi có tình huống chồng là trụ cột kiếm tiền, làm bên ngoài mệt mỏi... nên trách nhiệm chăm sóc gia đình, con cái vợ phải lo. Tình huống này khá giống với tình huống trong đời sống hàng ngày do đó HS dễ nhầm lẫn và lựa chọn đáp án sai.

Để chọn đúng đáp án, HS cần hiểu gốc rễ thế nào là bình đẳng? Trong gia đình việc chăm sóc gia đình, kiếm tiền, học tập, giữ gìn nhân phẩm của nhau... vợ chồng đều phải làm chứ không chỉ riêng một phía.

Trong quan hệ tài sản: Vợ chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc có tài sản chung. Vì vậy HS cần hiểu tài sản chung là tài sản thế nào?. HS hay thấy tài  sản chung là tài sản đứng tên chung. Tuy nhiên theo luật, toàn bộ tài sản có trong thời kỳ hôn nhân dù đứng tên ai thì đều được xác định tài sản chung giữa vợ và chồng.

Ngoài ra HS cần biết còn có tài sản chung hợp nhất. Tức là trước đó đã có tài sản riêng. Trong quan hệ tài sản chung hợp nhất cả vợ và chồng đều có quyền ngang nhau và có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt…

Và nguyên tắc bình đẳng trong tài sản riêng là của ai người ấy giữ, dù là vợ hay chồng đều không có quyền chiếm hữu định đoạt nếu như đó là tài sản riêng của vợ và chồng.

HS cần lưu ý, trong quan hệ vợ và chồng mặc dù có sự bình đẳng như vậy nhưng thông thường HS khi làm tình huống dễ bị lẫn lộn với tình huống thực tế ngoài đời sống để lựa chọn đáp án.

Mặt khác, HS dễ lẫn lộn giữa bình đẳng trong hôn nhân gia đình với luật hôn nhân gia đình. Vì thế đối với những câu hỏi mang tính tình huống vận dụng bậc thấp và bậc cao HS cần đọc câu hỏi trước để xem hỏi gì. Nếu hỏi nội dung rộng hơn là luật hôn nhân gia đình hoặc nguyên tắc hôn nhân gia đình thì mới xét đến mối quan hệ khác làm ảnh hưởng tới vợ và chồng. Nếu chỉ hỏi bình đẳng bình đẳng trong hôn nhân thì chỉ cần nhìn vào chồng và vợ không cần nhìn vào người khác.

Bình đẳng trong gia đình: Gia đình là một cộng động người có quan hệ hôn nhân và huyết thống nhưng phải cùng chung  sống, cùng không gian sinh hoạt.

Ví dụ tình huống: Chị A sau khi kết hôn với anh B thì bị anh B thường xuyên đánh đập và bị bà C (mẹ chồng) chửi rủa, nhục mạ. Bà D mẹ của chị A đến nhà bà C để chửi bới, lăng mạ gia đình thông gia. Câu hỏi  đặt ra ai vi phạm bình đẳng trong hôn nhân và gia đình?

HS cần xác định được ai nằm trong mối quan hệ hôn nhân, ai nằm trong mối quan hệ gia đình. Trong trường hợp này xác định người vi phạm trong hôn nhân rất dễ vì anh B thường xuyên đánh đập chị A và bà C cũng thường xuyên chửi bới chị A và nằm trong gia đình thì vi phạm là đúng.

Còn D có vi phạm hôn nhân gia đình hay không phải xác định có ở trong nhà đó không hay từ nơi khác đến. Trên thực tế bà D đến nhà bà thông gia để chửi bới, như vậy bà D không ở trong gia đình này.

Xét bình đẳng trong các mối quan hệ gia đình của chị A thì bà D không thuộc gia đình này. Vì thế bà D có vi phạm pháp luật, cụ thể vi phạm danh dự và nhân phẩm của người khác nhưng không vi phạm bình đẳng trong hôn nhân và gia đình. Vì vậy cần loại trừ bà D vi hôn nhân gia đình…


HS lớp 12 Trường THPT số 1 Văn Bàn (Lào Cai).

 

Về nội dung Bình đẳng trong lao động lưu ý:

Bình đẳng trong lao động được hiểu là bình đẳng giữa mọi công dân trong việc thực hiện quyền lao động thông qua tìm kiếm việc làm. Bình đẳng giữa người lao động và người sử dụng người lao động thông qua hợp đồng lao động. Bình đẳng giữa lao động nam và nữ trong từng doanh nghiệp và phạm vi cả nước.

Trong lao động có 3 nội dung cơ bản phải hiểu:

+ Quyền lao động của công dân: Mọi công dân được sử dụng sức lao động của mình để tìm kiếm lựa chọn việc làm phù hợp với những quy định pháp luật. Nói cách khác công dân có quyền sử dụng sức lao động của mình để kiếm sống miễn là trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.

+ Bình đẳng trong ký kết hợp đồng lao động HS cần hiểu thế nào là hợp đồng lao động. Nguyên tắc của mỗi bên trong giao kết hợp đồng lao động là gì?

Giao kết hợp đồng lao động cần nhớ 4 nguyên tắc: Tự do, tự nguyện, bình đẳng, trực tiếp. Trong đó giao tiếp trực tiếp hết sức quan trọng. Và khi giao kết hợp đồng rồi thì quyền lao động của công dân mới trở thành quyền được Pháp luật bảo vệ. Nếu không ký kết hợp đồng lao động thì pháp luật không có căn cứ nào để bảo vệ. Việc trả lương không đúng hợp đồng, bị bóc lột ngoài giờ, không đảm bảo điều kiện an toàn lao động… nếu không ký kết hợp đồng lao động thì pháp luật không thể bảo vệ được.

+ Bình đẳng trong lao động giữa nam và nữ. Không phải cào bằng nam làm chỗ nào thì nữ làm chỗ đó hoặc nữ được ưu tiên thế nào thì nam như thế. Bình đẳng thể hiện ở các nội dung cụ thể như: bình đẳng trong việc có cơ hội tiếp cận việc làm như nhau và tiêu chuẩn độ tuổi khi tuyển sụng như nhau; được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc, có tiền lương, tiền công, bảo hiểm trong điều kiện như nhau. Tuy nhiên do thiên chức làm mẹ và trách nhiệm duy trì nòi giống thì nữ được ưu tiên trong việc thực hiện quyền lao động hơn nam...


HS cần nắm chắc khái niệm để tránh nhầm lẫn khi làm bài.

 

Về nội dung bình đẳng trong kinh doanh lưu ý:

Mọi cá nhân tổ chức khi tham gia vào hoạt động kinh tế từ việc lựa chọn ngành nghề, cơ sở kinh doanh tới việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đều bình đẳng theo quy định của pháp luật. Điều này có nghĩa cho dù là doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình làm kinh tế cá thể, hay doanh nghiệp nhà nước, hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài thì khi tham gia vào hoạt động đầu tư kinh tế đều bình đẳng như nhau cả về quyền và nghĩa vụ.

Nội dung bình đẳng này được thể hiện: Có quyền tự do lựa chọn kinh doanh về mọi hình thức; Có quyền tự chủ đăng ký kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm; Chủ động mở rộng kinh doanh, chủ động tìm kiếm thị trường khách hàng; Bình đẳng về nghĩa vụ (nộp thuế; bảo vệ uyền lợi người tiêu dùng; kinh doanh đúng ngành nghề đăng ký; bảo vệ môi trương; bảo vệ an ninh quốc phòng).

HS cần hết sức lưu ý bình đẳng trong kinh doanh là xét đến những người đã và đang tham gia kinh doanh chứ không xét tới người chuẩn bị kinh doanh hoặc nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh nhưng không được phép…

Có thể xảy ra tình huống: A, B, C cùng nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh nhưng chỉ hồ sơ của A và B được cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký kinh doanh và 2 người kinh doanh phát đạt. C ghen tức dùng mọi thủ đoạn như nói xấu trên mạng xã hội, ném mắm tôm, thuê người đập p háp cửa hàng để việc kinh doanh của A và B bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Câu hỏi đưa ra C có vi phạm bình đẳng trong kinh doanh không? HS thường trả lời có. Nhưng thực tế anh C chưa tham gia kinh doanh nên không thể xác định mối quan hệ bình đẳng giữa anh A, B. Vi phạm phạm C mắc phải là vi phạm quyền tự do trong kinh doanh; xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của người khác...