Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Học - Thi -Tuyển sinh

Bí quyết đạt điểm cao môn Tiếng Anh: Không khó để ôn tập ngữ pháp.

Cập nhật 05/06/2021 - 11:33:31 AM (GMT+7)

GD&TĐ - Bước vào giai đoạn ôn tập nước rút, cô Đặng Thảo Trang (giáo viên Hệ thống Học mãi) gợi ý học sinh hãy ghi chép, tổng hợp kiến thức ngữ pháp một cách hệ thống, hợp lý. 

 

 

Từ đó, các em có thể dễ dàng ôn tập cũng như liên hệ kiến thức khi cần thiết.

Những chủ điểm không thể bỏ sót

Là giáo viên tiếng Anh tại Hệ thống Học mãi, cô Đặng Thảo Trang cho rằng: Kiến thức tiếng Anh trong đề thi tốt nghiệp THPT tương đối rộng nhưng nếu nắm chắc ngữ pháp, thí sinh có thể đạt điểm 6 - 7.

Theo cô Trang, trong đề minh họa do Bộ GD&ĐT công bố, chủ điểm ngữ pháp chiếm từ 60 - 70% nội dung câu hỏi. Trong đó, nhiều nhất là dạng bài trắc nghiệm điền từ vào câu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa các dạng câu hỏi còn lại không liên quan đến vấn đề ngữ pháp. Chẳng hạn, thí sinh vẫn cần vận dụng kiến thức học được từ các chủ điểm ngữ pháp để hoàn thành dạng bài điền từ vào đoạn văn, dạng bài viết lại câu, dạng bài tìm lỗi sai.

Để làm tốt câu hỏi liên quan đến từ vựng, thí sinh cũng cần nắm được mối liên hệ giữa vị trí đứng của các loại từ trong câu với đáp án đề bài cho. Phân biệt cụm động từ với giới từ cũng là vấn đề quan trọng về ngữ pháp. Như vậy, dù ngữ pháp là mảng kiến thức rất quan trọng trong kỳ thi, nó cũng không thể tách rời khỏi từ vựng, cấu trúc câu hay các kĩ năng đọc hiểu văn bản.

Nếu nắm chắc các kiến thức ngữ pháp quan trọng, thí sinh có cơ hội đạt điểm 6 - 7, tương đương với mức nhận biết, thông hiểu. Tiếp đó, khi các em biết vận dụng kiến thức ngữ pháp để làm dạng bài chức năng giao tiếp, điểm 7 - 8 có thể nằm trong tầm tay. Cao hơn nữa, nếu biết liên kết, suy luận, sử dụng các cấu trúc ngữ pháp được học và kết nối với hệ thống từ vựng đã tích luỹ, các em có thể chinh phục dạng bài đọc hiểu. Đây là dạng bài nằm ở mức vận dụng, vận dụng cao và là cơ hội để thí sinh giành điểm 9 - 10.

Cô Trang cho biết: Thí sinh cần nắm vững quy tắc, khái niệm, cấu trúc sử dụng của các chủ điểm ngữ pháp. Song song với đó, các em hãy thực hành bằng việc làm bài tập theo chủ điểm hoặc luyện đề. Nhờ thường xuyên luyện tập, các em có thể ghi nhớ quy tắc ngữ pháp và vận dụng thành thạo, tránh học vẹt. Sẽ rất nguy hiểm nếu thí sinh có thể đọc vanh vách các quy tắc nhưng lại không hiểu được bản chất để vận dụng và biến hóa nó trong các cấu trúc hoặc cách diễn đạt tiếng Anh khác nhau.

Ví dụ, với câu bắt đầu bằng liên từ biểu thị sự đối lập “Although” (mặc dù), thí sinh học vẹt có thể chỉ biết viết lại câu bằng cách dùng từ “Despite” hoặc “Inspite of” (cùng nghĩa là mặc dù). Nhưng các em không nghĩ đến việc biến đổi sang các cấu trúc có cách diễn đạt tương tự như “stop/ prevent somebody from doing something” (ngăn cản ai đó làm gì).

Bên cạnh đó, áp lực phải học tiếng Anh cũng là nguyên nhân khiến thí sinh vận dụng kiến thức cấu trúc một cách cứng nhắc. Đôi khi các em quên mất tiếng Anh là ngôn ngữ mà người học là người điều khiển chúng bằng cách biến hóa, thay đổi, điều chỉnh tuỳ mục đích sử dụng. Vậy nên, khi luyện tập, các em hãy chấp nhận mắc lỗi sai và linh hoạt sử dụng ngôn ngữ này để việc ôn tập hiệu quả hơn.

 


Cô Đặng Thảo Trang.
 

Để “làm chủ” ngữ pháp

Việc ôn tập, hệ thống hóa chủ điểm ngữ pháp đòi hỏi thời gian tương đối dài bởi kiến thức nằm rải rác trong chương trình phổ thông. Phương pháp ghi nhớ ngữ pháp tương đối hiệu quả là hệ thống lại kiến thức dưới dạng sơ đồ tư duy. Ngoài ra, các em có thể diễn giải các quy tắc ngữ pháp như công thức Toán học. Việc phải ghi nhớ các quy tắc lúc nào cũng khiến học sinh “nhăn mặt” vì có quá nhiều quy tắc. Vì thế, nếu các em có thể rút gọn nó thành công thức siêu ngắn gọn, khó khăn sẽ vơi được một nửa.

Ngoài chương trình sách giáo khoa, thí sinh có thể tham khảo những phương pháp tích lũy kiến thức từ cuộc sống. Tuy nhiên, phương pháp này tuỳ thuộc vào sở thích, thói quen cũng như thế mạnh của từng bạn. Ví dụ, các em thích nghe nhạc có thể học ngữ pháp qua việc phân tích các hiện tượng ngữ pháp trong lời bài hát. Các em thích xem phim có thể đồng thời luyện kĩ năng nghe hiểu và cách vận dụng cấu trúc ngữ pháp trong hội thoại của nhân vật.

Cô Trang bật mí: Các bạn thích đọc sách có thể chọn phương pháp “Extensive Reading” (nghĩa là đọc sách để giải trí). Một số nhà xuất bản nước ngoài có bộ sách chia theo cấp độ của người học. Nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu đọc ngoại văn theo từng cấp, người đọc có thể ghi nhớ lượng từ vựng nhất định và cải thiện các kĩ năng về ngữ pháp. Tuy đây là phương pháp đòi hỏi khá nhiều thời gian nhưng cô Trang tin rằng chưa bao giờ là quá muộn để bắt đầu.

Trong giai đoạn này, không ít học sinh cảm thấy căng thẳng, áp lực, nhưng đây là thời điểm cần xây dựng chế độ cân bằng giữa học tập và giải trí. Tiếng Anh là một con đường đòi hỏi chúng ta cần phải tỉ mẩn, kiên trì tích luỹ từng chút một  mới có thể hiệu quả được. Việc học nhồi nhét, cường độ cao trong khoảng thời gian ngắn chưa bao giờ là phương thức hiệu quả cho tất cả môn học. Vì vậy, thay vì học dàn trải từ vựng, ngữ pháp đến luyện đề tủ, thậm chí luyện bài đọc hiểu tủ, các em hãy liệt kệ 5 - 10 nội dung chưa chắc chắn và tập trung ôn tập tại đó.

Các em hãy nhìn nhận tiếng Anh như công cụ để kết nối với thế giới và hãy dùng nó, hiểu nó như cách chúng ta được dạy về tiếng Việt. Nhờ đó, các em sẽ không thấy sợ tiếng Anh, biết yêu và làm chủ kiến thức. Đến cuối cùng, ngôn ngữ phải sử dụng được mới có thể “sống”, còn ngôn ngữ không thể dùng sẽ bị coi là ngôn ngữ “chết”. Chúc các bạn thật nhiều may mắn trong kỳ thi sắp tới! - Cô Đặng Thảo Trang.

(Theo báo Giáo dục & Thời đại).