Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Học - Thi -Tuyển sinh

Cách ôn tập hiệu quả môn Ngữ văn THPT 2021 cho từng nhóm đối tượng dự thi.

Cập nhật 04/06/2021 - 11:32:19 AM (GMT+7)

GD&TĐ - Hiểu cấu trúc đề và xác định rõ làm bài thi Ngữ văn để lấy điểm xét tốt nghiệp hay xét tuyển đại học, sẽ giúp thí sinh có phương pháp ôn tập hiệu quả và đạt kết quả cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. 

 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Hương – Tổ trưởng Chuyên môn, Trường THPT Tam Dương cùng học sinh trong giờ Ngữ văn.


Với quan điểm trên, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Tam Dương (Vĩnh Phúc) đã “bày cách” để thí sinh thuộc các nhóm đối tượng khác nhau có cách ôn tập hiệu quả và phân bổ thời gian hợp lý với các bài thi mà thí sinh đăng ký.

Ôn tập bám sát cấu trúc đề minh họa

Theo chia sẻ của Thạc sĩ Nguyễn Thị Phụng – giáo viên Ngữ văn Trường THPT Tam Dương, những năm gần đây, Bộ Giáo dục đã chủ trương đổi mới kiểm tra đánh giá các môn học, trong đó có môn Ngữ văn. Cấu trúc đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn có thay đổi rõ rệt.

Việc đổi mới trong cách ra đề thi là ở chỗ chuyển từ việc yêu cầu học sinh học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc những nội dung, văn bản có trong sách giáo khoa sang việc vận dụng kiến thức, kỹ năng vào việc đọc hiểu một hoặc một số văn bản không có trong sách giáo khoa nhưng có cùng đặc điểm về thể loại, đề tài, chủ đề…

Cách kiểm tra này sẽ đánh giá khách quan và chính xác hơn năng lực học môn Ngữ văn của học sinh, tránh được hiện tượng học tủ, học vẹt. Ngoài ra với cách ra đề mở các em có thể tự do phát biểu cảm nhận của mình, đây cũng là cách để cũng cố tình yêu môn Văn của học sinh.

 


Thạc sĩ Nguyễn Thị Phụng – giáo viên Ngữ văn Trường THPT Tam Dương chia sẻ thông tin với Báo GD&TĐ
 

Như vậy việc nắm rõ cấu trúc đề thi sẽ giúp cho học sinh có nhiều lợi thế trong quá trình ôn tập môn Ngữ văn. Đó là, học sinh sẽ tự tạo cho mình tâm lý tiếp nhận, chủ động nắm bắt và hệ thống các kiến thức đã học ở ba phân môn: Văn bản - Tiếng Việt- Làm văn.

Học sinh có thể tự hệ thống lại những kiến thức tiếng Việt, tự cảm nhận văn bản và đưa ra ý kiến, quan điểm của bản thân mình về vấn đề được đặt ra trong văn bản, thường xuyên theo dõi các thông tin xã hội ở các kênh truyền thông để trang bị những kiến thức xã hội cho phần nghị luận xã hội. Học sinh sẽ nắm chắc cốt truyện, nắm được giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ, hiểu ý nghĩa của những chi tiết quan trọng trong văn bản truyện.

Bên cạnh đó, học sinh xác định được đơn vị kiến thức trọng tâm, những dạng đề nghị luận trọng tâm để các em rèn luyện kĩ năng, nâng cao chất lượng hơn bài viết văn của học sinh. Đồng thời, học sinh xác định được cách trả lời cho từng câu hỏi trong bài làm. Đối với những câu hỏi nhận biết hoặc tái hiện lại vấn đề thì sẽ trả lời ngắn gọn nhưng chính xác. Còn đối với câu dạng thông hiểu thì phải trả lời sâu sắc, theo cách hiểu và lập luận của mình. Đối với câu vận dụng thì phải phân tích, đánh giá, lí giải để làm rõ vấn đề.

Ngoài ra, việc nắm được cấu trúc đề sẽ giúp học sinh chủ động thời gian cho phần đọc hiểu là 10  phút, đoạn văn nghị luận xã hội là 15 phút và phần còn lại 95 cho bài nghị luận văn học thì bài làm của các em sẽ trọn vẹ và sâu sắc hơn.

Ôn theo nhu cầu của từng thí sinh

Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT, bài thi Ngữ văn là bài làm bắt buộc với mọi thí sinh. Tuy nhiên, thực tế, có những thí sinh chỉ làm bài lấy điểm xét tốt nghiệp và có thí sinh làm bài để xét tuyển đại học, cao đẳng. Với từng nhóm thí sinh, việc ôn tập và nhu cầu ôn tập kiến thức có sự khác nhau.

Về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Hương – Tổ trưởng Chuyên môn, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Tam Dương chia sẻ, đối với học sinh làm bài thi Ngữ Văn để xét điểm TNTHPT các em cần nắm được kiến thức và kỹ năng cơ bản ở 3 phần kiến thức: Đọc – hiểu; nghị luận xã hội và Nghị luận Văn học.

Phần Đọc – hiểu, học sinh cần nắm chắc kiến thức để nhận biết thể thơ, phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, biện pháp tù từ… Hiểu được tư tưởng, nội dung và tình cảm của tác giả thông qua một văn bản cụ thể.

Về phần nghị luận xã hội, học sinh biết vận dụng các thao tác cơ bản như: Giải thích, phân tích, chứng minh để thể hiện suy nghĩ của bản thân về vấn đề xã hội được bàn luận.

Đối với phần nghị luận văn học, học sinh cần nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm văn học. Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

Còn đối với học sinh dùng bài thi để xét tuyển Đại học các em cần lưu ý, ngoài những yêu cầu cơ bản như trên, học sinh trong quá trình viết bài cần thể hiện kiến thức liên hệ, mở rộng nâng cao để bài viết đạt kết quả tốt nhất. Thể hiện cách nhìn, cách đánh giá, cách cảm nhận khoa học, sáng tạo.

 


Giờ học Ngữ văn tại Trường THPT Tam Dương
 

Cùng bàn luận về nội dung trên, Thạc sĩ Nguyễn Thị Phụng cho rằng, là một giáo viên trực tiếp giảng dạy tôi và các đồng nghiệp luôn tìm ra những phương pháp để hướng dẫn, gợi mở cho học sinh cách ôn tập môn Ngữ văn đạt hiệu quả cao nhất.

Để đạt được hiệu quả, chúng tôi đã đề ra những kế hoạch cụ thể cho từng đối tượng học sinh. Đó là học sinh ở lớp ban A, chỉ lấy điểm để xét tốt nghiệp và những họ sinh ban xã hội lấy điểm bài thi Ngữ văn để xét tuyển đại học.

Đối với thí sinh làm bài Ngữ văn để lấy điểm xét tốt nghiệp, trong quá trình ôn tập, chúng tôi chú trọng ôn kĩ và chắc những câu hỏi nhận biết và thông hiểu, kĩ năng trả lời ghi điểm ở câu thông hiểu và vận dụng. Những kiến thức đọc hiểu được hệ thống lại theo sơ đồ tư duy để học sinh dễ nắm bắt.

Ở nhóm thí sinh này, phần nghị luận xã hội phải nắm được cấu trúc của đoạn văn, rèn các thao tác lập luận trong bài nghị luận xã hội theo cấu trúc của từng dạng nghị luận. Trước hết học sinh phải phân biệt được ba dạng nghị luận, nghị luận về hiện tượng đời sống, về tư tưởng đạo lý, về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học... bên cạnh đó, học sinh phải biết phân tích đề.

Trong phần nghị luận văn học, chúng tôi cho học sinh hệ thống lại các kiến thức về tác giả, tác phẩm, giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm theo sơ đồ tư duy, và theo từng thể loại để học sinh ôn tập. Đặc biệt, các em phải nắm được bố cục của bài nghị luận văn học, cách mở bài, cách phân tích cảm nhận vấn đề cơ bản của đoạn thơ, đoạn văn.

Học sinh hay mắc phải lỗi lập luận, lỗi lan man, lạc đề... Ðể tránh những lỗi trên, học sinh phải lập dàn ý chi tiết để thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa các luận điểm, luận chứng. Bên cạnh đó, học sinh phải phân tích được đề, sau đó phải xác định được đúng vấn đề cần nghị luận là gì, lựa chọn được đúng phần kiến thức để đưa vào giải quyết vấn đề.

Đối với những thí sinh lấy điểm bài thi môn Ngữ văn để xét đại học thì đòi hỏi bài làm của các em phải đạt 8 điểm trở lên. Với đối tượng học sinh này thì chúng tôi chú ý rèn cho các em kĩ năng làm văn và tư duy sáng tạo để cho bài văn tạo được ấn tượng sâu sắc.

Cụ thể, phải luyện cho các em làm nhanh và chuẩn xác phần Đọc hiểu. Các em phải làm sâu sắc những câu vận dụng trong phần đọc hiểu để ghi trọn 1 điểm. Bởi câu vận dụng trong phần thông hiểu có đáp án mở, học sinh trình bày theo quan điểm cá nhân mình nên các em phải lập luận và trả lời những câu này đúng quan điểm, sâu sắc thì các em sẽ ghi điểm cao.

Đối với đoạn văn nghị luận xã hội, các em phải viết đoạn văn chặt chẽ, trình bày vấn đề theo cấu trúc của đoạn văn nghị luận xã hội nhưng dẫn chứng phải mới mẻ, cập nhật được những vấn đề xã hội có tính thời sự, phải biết cách phản đề và đưa ra thông điệp sẽ giúp đoạn văn nghị luận xã hội ấn tượng hơn.

Thứ ba là phần nghị luận văn học. Đối với học sinh xét đại học môn Văn thì các em phải làm sâu sắc và hoàn chỉnh câu vận dụng này. Các em phải có cách làm bài sáng tạo như mở bài gián tiếp để tạo ấn tượng và khơi nguồn cảm xúc cho bài viết. Các em phải nắm vững những kiến thức lí luận về tác phẩm văn học, thơ, truyện.

Đối với học sinh khối này chúng tôi tập trung rèn cho các em biết cách phân tích, cảm nhận, so sánh và đánh giá những vấn đề văn học. Các em phải biết lập luận để nhận xét và đánh giá khái quát vấn đề để tìm được những ý đồ, tư tưởng của người nghệ sĩ gửi gắm. Bài văn phải rõ ràng luận điểm và có sự liên kết chặt chẽ giữa các phần.

Như vậy, để bài văn đạt điểm cao thì các em phải dành thời gian khoảng 90-95 phút mới có thể viết tốt được câu 5 điểm này.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Hương: Cấu trúc đề thi năm 2021 vẫn giữ nguyên hai phần Đọc- hiểu và Làm văn, thời lượng làm bài 120 phút  trong vài năm trở lại đây. Đó là cấu trúc quen thuộc, không mới lạ và bất ngờ. Trong quá trình dạy và học GV và HS đã chú trọng ôn luyện sâu và kĩ càng. Nắm chắc cấu trúc đề thi trước tiên sẽ giúp HS làm chủ kiến thức của mình ở 3 phần cơ bản: Phần  Đọc – hiểu gồm 3,0 điểm với 4 câu hỏi ở các cấp độ: Nhận biết, Thông hiểu và Vận dụng; Phần viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ vơi 2,0 điểm HS trình bày suy nghĩ, quan điểm về một vấn đề xã hội tiêu biểu rút ra từ văn bản Đọc – hiểu; Phần viết bài văn nghị luận văn học chiếm 5,0 điểm, đây là phần kiến thức nặng nhất yêu cầu HS thể hiện kiến thức, kỹ năng làm văn về một tác phẩm văn học trọng tâm lớp 12. Nắm chắc cấu trúc đề thi cũng giúp HS phân bố lượng thời gian làm bài khoa học, hoàn thiện bài văn của mình tròn trịa.

(Theo báo Giáo dục & Thời đại).