Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Học - Thi -Tuyển sinh

Bí quyết đạt điểm cao môn Sinh học: Nắm chắc kiến thức phần Di truyền

Cập nhật 04/06/2021 - 11:49:57 AM (GMT+7)

GD&TĐ - Môn Sinh học có đặc thù của môn khoa học tự nhiên với hệ thống lý thuyết tổng quát, công thức và hệ thống bài tập tương đối phức tạp.

 

Học sinh Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) làm bài tập nhóm.
 

Môn học này đồng thời mang đặc thù của môn khoa học thực nghiệm. Theo thầy Hoàng Trọng Nghĩa – Tổ trưởng tổ Sinh học, Trường THPT Trần Phú (TP Đà Nẵng), bài thi tốt nghiệp môn học này chỉ cần HS nắm được các kiến thức cơ bản trong SGK, có kỹ năng làm bài thì không khó để có thể đạt 6 điểm.

Chắc kiến thức, vững kỹ năng

Thầy Hoàng Trọng Nghĩa khuyên thí sinh không nên học tủ một chương nào trong SGK. “Đề thi trắc nghiệm với ma trận đề có 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao thì phần nào trong chương trình học, người ra đề cũng có thể chọn những nội dung câu hỏi dễ hoặc khó. Nếu không nắm chắc kiến thức môn học, nội dung nào cũng khó cả. Tuy nhiên, phần nội dung khó, tập trung vào các câu từ 110 -120 sẽ rơi vào các chương Quy luật di truyền, Di truyền học người. Chương số 1 có thể ra dễ hoặc ra khó” – thầy Nghĩa lưu ý.

Theo nhận xét của thầy Nghĩa, để đạt 5 điểm ở bài thi tốt nghiệp THPT môn Sinh học, chỉ cần các em học tốt các kiến thức ở lớp có thể làm được. 20 câu đầu ở mức độ nhận biết, HS không cần phải đầu tư sâu, chỉ cần nắm lý thuyết ở SGK có thể làm được. Các chương, phần học sinh đều học, nhưng ở mức độ học để biết chắc chắn sẽ đạt được 5 điểm. Thầy Nghĩa phân tích: “Các câu hỏi trắc nghiệm ở mức độ biết, hiểu, phương án gây nhiễu rất rõ ràng, không đánh đố nhiều”.

Theo đó, các câu hỏi trắc nghiệm được biên soạn dưới nhiều hình thức như đúng – sai, gợi nhớ, phân tích, so sánh, điền khuyết, ghép cặp, phân tích, suy luận. Với những câu hỏi gợi nhớ, ghép cặp, HS nên làm bảng thống kê, cột phân loại, phân nhóm để khỏi nhầm lẫn, dễ ôn tập.

Đối với các câu hỏi về một quá trình sinh học, để có câu trả lời đúng, HS nên vẽ sơ đồ theo đúng các trình tự kiến thức bài học rồi so sánh với câu trả lời để chọn câu đúng. Với những câu hỏi vận dụng kiến thức để giải quyết một vấn đề hay giải một bài tập gồm nhiều bước, các kiến thức của bài học cần được công thức hóa, sơ đồ hóa, dùng kết quả tính toán được so sánh với các câu trả lời.

Thầy Nghĩa nhấn mạnh: Từ câu 110 – 120 có những câu cực kỳ khó.  Nếu HS không có kỹ năng làm bài trắc nghiệm, giải một các chi tiết, bình thường phải mất rất nhiều thời gian. Giải hết 10 câu này, các em mới đạt được trên 8 điểm. Vì vậy, muốn đạt được điểm cao, thí sinh buộc phải rèn luyện kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm phù hợp với bộ môn.

 

Học sinh Trường THPT Hòa Vang (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) thực hành tại phòng lab Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, ĐH Đà Nẵng trong hoạt động trải nghiệm kết nối với trường phổ thông. 


Tiếp xúc với nhiều dạng bài tập

Thầy Hoàng Trọng Nghĩa lưu ý, các em cần luyện tập các dạng bài tập tính toán ở phần cơ chế di truyền và biến dị; quy luật di truyền, di truyền quẩn thể và di truyền người. Các bài tập này sẽ ở mức từ dễ đến khó. Những câu khó nằm vào quy luật di truyền, di truyền học người liên quan đến sơ đồ phả hệ hoặc tính xác suất, có thể mở rộng ra di truyền quần thể. Hiện nay câu hỏi trong đề thi trắc nghiệm môn Sinh chưa có nhiều câu hỏi mang tính chất liên môn, chủ yếu là kiến thức của môn Sinh. Nếu có liên quan thì có một chút của Hóa, Toán để làm bài tập, giải phương trình, đây cũng là đặc thù của môn Sinh.

“Để bài thi đạt điểm 7 - 8, HS phải có đầu tư chuyên sâu một chút về môn Sinh mới có thể làm được. Còn nếu chỉ học bài ngay tại lớp, đạt mức điểm này là hơi khó” – thầy Nghĩa khẳng định. Theo thầy Nghĩa phân tích, chương quy luật di truyền phổ câu hỏi rất rộng, có thể có các câu hỏi ở mức độ nhận biết, vận dụng và vận dụng cao.

Học ở trường, số lượng quy luật được học sâu là ít nhưng nếu đầu tư vào để lấy điểm cao nhằm mục đích xét tuyển sinh đại học, các em cần học 11 quy luật cơ bản, chưa tính đến những quy luật liên quan. Muốn làm được, HS phải xác định được dạng bài đó thuộc quy luật nào để khỏi bị lạc đề. Có những bài tập phải vận dụng từ 2 - 3 quy luật mới đi đến kết quả. Chính vì vậy, muốn đạt điểm cao môn Sinh, nếu chỉ chăm học thôi chưa đủ mà còn có kỹ năng vận dụng, tư duy tổng hợp. 

SV Phạm Hà Bích Trâm (Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, ĐH Đà Nẵng), từng được Huy chương Vàng Olympic sinh học năm 2013 chia sẻ: Các em không bỏ qua bất kỳ thông tin nào trong SGK. Đề thi và đề minh họa của những năm gần đây cho thấy các câu hỏi lý thuyết vẫn tập trung và bám sát SGK.
Thế nên đừng vội ôn tập theo những sách tham khảo trước, hãy tập trung vào SGK để không bị mất điểm những câu đơn giản. Ngoài ra, không chỉ học, các em phải chú ý đến những thông tin trong cuộc sống liên quan đến ngành Y và sức khỏe. Những năm gần đây, đề thường có một số câu hỏi liên quan đến thực tiễn cuộc sống (như dịch Covid – 19 năm 2020).

(Theo báo Giáo dục & Thời đại).