Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Học - Thi -Tuyển sinh

Cô giáo nổi tiếng dạy cách làm đề thi Văn tốt nghiệp THPT phần nghị luận giành điểm cao.

Cập nhật 03/06/2021 - 09:24:07 AM (GMT+7)

Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã có những chia sẻ về phương pháp triển khai đoạn văn nghị luận trong bài thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 chiếm điểm cao nhất.

Theo cô Trịnh Thu Tuyết, với bài văn nghị luận trong đề thi tốt nghiệp THPT thường có 2 loại là nghị luận về tư tưởng đạo lý và nghị luận về hiện tượng xã hội.

Trong bài viết này, cô Tuyết sẽ chia sẻ bí kíp viết bài văn nghị luận về tư tưởng đạo lí sao cho đoạn văn hấp dẫn và thuyết phục hơn.

Với dạng nghị luận về một tư tưởng đạo lí thì từng khía cạnh của nội dung nghị luận, cô Tuyết sẽ giới thiệu với các em học sinh dàn ý cơ bản nhất và có thể mở rộng ra trong một vài ví dụ cụ thể để các em dễ dàng hình dung. Trong nghị luận về một tư tưởng đạo lí, cô Tuyết chia thành 2 dạng phổ biến thường xuất hiện trong đề bài. 

Dạng thứ nhất là tư tưởng đạo lí được thể hiện trong một nhận định. Nhận định đó có thể xuất hiện trong 1 câu văn, 1 danh ngôn, 1 châm ngôn, 1 ý kiến nào đó có xuất xứ hoặc không có xuất xứ.

Với dạng bài này, đề bài sẽ hướng các em tới 1 yêu cầu đó là anh/chị hãy viết bài luận thể hiện quan điểm, suy nghĩ của mình về nhận định, hoặc về 1 ý kiến, danh ngôn nào đó. Với dạng đề này, cô Tuyết đưa ra gợi ý về cấu trúc dàn ý để học sinh tham khảo gồm 3 phần như sau:

Mở đoạn: Giới thiệu trực tiếp hoặc gián tiếp nhận định trong một câu và phải đảm bảo vừa dẫn dắt vừa trích được nhận định theo yêu cầu của đề bài.

Thân đoạn: 

Giải thích khái niệm (nếu có): Theo cô Tuyết, có một số nhận định mà ý nghĩa của nó hoàn toàn hiển ngôn và không có 1 khái niệm nào cần phải giải thích. Ví dụ đề bài: Mẹ yêu con nên mẹ nói không với tất cả đòi hỏi vô lí của con. Đây là cuộc chiến đấu khó khăn nhất trong cuộc đời của mẹ. Nhưng mẹ vui vì cuối cùng con của mẹ đã thành đạt”. Đây là nhận định không có khái niệm nào cần giải thích.

Đối với những nhận định cần giải thích khái niệm, trình tự giải thích là đi từ nghĩa đen đến nghĩa bóng. Ví dụ: Quan niệm im lặng trước cái đẹp là gián tiếp phủ định nó, im lặng trước cái xấu là ngấm ngầm cho phép nó lộng hành. Ở đây có 1 khái niệm cần giải thích là “im lặng”. Im lặng nghĩa đen là không phát ngôn, nhưng trong nội hàm ý nghĩa của nhận định này thì im lặng được hiểu là thái độ im lặng thờ ơ, vô cảm, không thể hiện chủ kiến, quan điểm của mình trước cái đẹp hay cái xấu.

Lý giải vấn đề: Nếu như phần giải thích khái niệm trả lời cho câu hỏi là gì, thì phần lí giải vấn đề trả lời cho câu hỏi tại sao. Do đó học sinh phải đưa ra các lí lẽ kết hợp với dẫn chứng để lí giải vấn đề. Đối với lí lẽ phải đảm bảo tiêu chí tinh-sắc-gọn-mạch lạc trong từng luận cứ. Đối với dẫn chứng thì phải chọn lựa dẫn chứng nào đích đáng nhất và tuyệt đối không bao giờ kể lể. 

“Chúng ta nhắc đến dẫn chứng là một hiện tượng hoặc một câu chuyện nào đó mà tất cả chúng ta đều biết trong cuộc sống, trong thời sự xã hội, trong văn chương nhưng nó phải mang tính điển hình. Chúng ta chỉ đề cập đến nó mà tuyệt đối không kể chuyện”, cô Tuyết nhấn mạnh.

Bàn luận vấn đề: Ở phần này, học sinh cần lật ngược lại vấn đề để có thể lí giải về đạo lí mà đề bài đưa ra một cách đa chiều, cặn kẽ, thấu đáo hơn, khách quan. Các em có thể thể đặt ra vấn đề là có phải lúc nào nhận định ấy cũng đúng hay không hoặc sai/đúng trong tùy từng trường hợp như thế nào.

Kết luận: Đề cập đến bài học nhận thức và bài học hành động. Phần này cô lưu ý các em nói về bài học một cách giản dị, chân thành, tránh nói sáo rỗng.

 


Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn


Dạng thứ 2 là tư tưởng đạo lí được thể hiện trong một khái niệm. Dạng này cũng có cấu trúc dàn ý gồm 3 phần như sau:
Mở đoạn: Giới thiệu ngắn gọn về khái niệm. Theo cô Tuyết, những khái niệm này thường là hướng tới một tình cách hoặc một trạng thái tâm lí nào đó của con người.

Thân đoạn: 

Giải thích khái niệm: Nếu như ở dạng đầu tiên học sinh giải thích khái niệm (nếu có) thì với dạng bài này, học sinh buộc phải giải thích khái niệm. Ví dụ: Hãy viết 1 đoạn văn trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự vô cảm của con người. Với đề bài này, các em cần giải thích được khái niệm vô cảm là một trạng thái không có cảm xúc, là sự thờ ơ, dửng dưng, bàng quan với mọi sự việc, mọi người, mọi hiện tượng diễn ra trong cuộc sống xung quanh.

Để người đọc hiểu rõ hơn về khái niệm, học sinh cần chỉ ra những biểu hiện cụ thể về tính cách hoặc trạng thái tâm lí hàm chứa trong khái niệm. 

Tiếp đó, học sinh tiến hành đánh giá về tính cách hoặc trạng thái tâm lí thể hiện trong khái niệm: Trong phần này, các em cần đánh giá được đây là tính cách/trạng thái tâm lí tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực. Tại sao cần duy trì, phát triển hoặc tại sao cần xóa bỏ, hạn chế tính cách/trạng thái tâm lí đó. 

Giải pháp: Phần này học sinh cần đưa ra các biện pháp để duy trì, phát triển tính cách/ trạng thái tâm lí tích cực hoặc để hạn chế tiến tới xóa bỏ tính cách/trạng thái tâm lí tiêu cực với con người.

Bàn luận: Theo cố Tuyết, đây là phần thể hiện cái tôi của nhận thức, của tư duy đa chiều của người viết khiến vấn đề bàn luận thấu đáo hơn. Trong phần bàn luận này,  học sinh cần xét đến khía cạnh các trạng thái tâm lí/ tính cách ấy có phải luôn luôn xấu, tiêu cực hoặc có phải luôn luôn tốt, tích cực hay không. Và để hạn chế tính tiêu cực hoặc phát huy tính tích cực của trạng thái tâm lí/ tính cách đó thì cần phải kết hợp thêm với những tính cách, phẩm chất nào.

Kết đoạn: Học sinh rút ra bài học nhận thức và hành động ngắn gọn trong 1 câu.

(Theo báo VietNamNet).