Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Học - Thi -Tuyển sinh

Lấy trọn điểm phần biểu đồ đề thi Địa lý tốt nghiệp THPT.

Cập nhật 28/05/2021 - 11:24:02 AM (GMT+7)

Thầy Nguyễn Mạnh Hà, giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và Hệ thống giáo dục HOCMAI, chia sẻ cách làm các câu biểu đồ môn Địa lý.

Biểu đồ là một trong ba dạng cơ bản của kỹ năng địa lý và là yếu tố quan trọng góp phần giúp học sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả cao. Học sinh cần lưu ý những phần sau đây để làm tốt kỹ năng này.

Các dạng biểu đồ thường gặp trong bài thi

Các loại biểu đồ rất đa dạng, mỗi dạng lại có khả năng thể hiện đặc điểm khác nhau của các đối tượng - hiện tượng địa lý trong bảng số liệu. Có nhiều cách phân loại, trong giới hạn của bài viết này, tôi sẽ đưa ra cách thường gặp nhất dựa vào hình dáng. Theo cách này, có thể chia thành 5 loại là biểu đồ cột, đường, tròn, miền và kết hợp.

Biểu đồ cột bao gồm các loại: Cột đơn; cột nhóm và cột chồng. Chức năng chung dùng để so sánh quy mô, độ lớn của các đối tượng với nhau hoặc qua các năm.

Biểu đồ đường bao gồm các loại: Đường theo giá trị tuyệt đối; theo giá trị tương đối (đường chỉ số). Chức năng là thể hiện diễn biến, sự thay đổi, tốc độ tăng... của đối tượng qua nhiều năm.

Học sinh có thể phân biệt biểu đồ đường chỉ số với các dạng đường còn lại qua một số dấu hiệu. Thứ nhất, với biểu đồ đường chỉ số, tất cả các đường đều bắt đầu từ một điểm trên trục tung. Đó là điểm 100%. Biểu đồ còn lại, điểm đầu tiên của các đường thường không trùng nhau. Thứ hai, biểu đồ đường chỉ số chỉ sử dụng một loại số liệu đã quy đổi về giá trị tương đối % - tốc độ tăng. Biểu đồ đường còn lại có thể sử dụng số liệu có giá trị tuyệt đối hoặc tương đối (ví dụ biểu đồ đường thể hiện tỷ suất sinh thô và tỷ suất tử thô đơn vị phần nghìn).

Biểu đồ kết hợp bao gồm các loại: Kết hợp cột đơn - đường; cột nhóm - đường; cột chồng - đường. Chức năng là thể hiện cả quy mô và động thái phát triển của các đối tượng qua nhiều năm. Với biểu đồ kết hợp, các em chú ý nó thường thể hiện cho hai đối tượng, có hai đơn vị đo, có mối quan hệ hữu cơ với nhau và trải dài qua nhiều năm.

Biểu đồ tròn bao gồm các loại: Một hình tròn; nhiều hình tròn và hình bát úp. Chức năng dùng để so sánh "cơ cấu" của các đối tượng với nhau hoặc so sánh "cơ cấu" của đối tượng qua các năm (ít năm).

Biểu đồ miền bao gồm các loại: Miền theo giá trị tuyệt đối và theo giá trị tương đối (%), thể hiện sự thay đổi cơ cấu qua nhiều năm.

 

Thầy Nguyễn Mạnh Hà là giáo viên Địa lý tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và Hệ thống giáo dục HOCMAI.

 

Dấu hiệu nhận diện các dạng biểu đồ

Trên cơ sở phân loại biểu đồ, học sinh cần nắm chắc dấu hiệu nhận dạng của từng loại để áp dụng khi làm bài.

Theo đó, dấu hiệu nhận biết của biểu đồ cột là khi đề bài xuất hiện các từ khóa: so sánh/thể hiện giá trị, số dân, sản lượng, diện tích... qua các thời kỳ. Trong trường hợp bảng số liệu (số liệu tuyệt đối hoặc tương đối) có một đối tượng thì đó là dấu hiệu của biểu đồ cột đơn. Bảng số liệu có 2 đến 3 đối tượng thì là cột nhóm. Nếu bảng số liệu có tổng và thành phần thì đó là cột chồng.

Với biểu đồ dạng đường, học sinh có thể nhận biết qua một số từ khóa như: sự thay đổi, sự gia tăng, tình hình phát triển. Trường hợp đề bài xuất hiện từ khóa tốc độ tăng, tốc độ phát triển thì đó là biểu đồ đường chỉ số. Bên cạnh đó, biểu đồ đường còn được nhận diện khi trong bảng số liệu cho nhiều năm (hơn 3 mốc năm), cho 3 đối tượng trở lên hoặc có 3 đơn vị đo.

Với biểu đồ tròn, học sinh có thể xác định khi đề bài xuất hiện từ khóa: thể hiện cơ cấu, quy mô và cơ cấu, phân theo hoặc khi bảng số liệu cho ít tổng thể (từ 3 tổng thể hoặc 3 mốc năm trở xuống).

Dấu hiệu nhận biết biểu đồ miền là câu hỏi có các từ khóa "sự chuyển dịch cơ cấu, thể hiện sự thay đổi cơ cấu" hoặc khi bảng số liệu cho nhiều năm (hơn 3 mốc năm).

Và cuối cùng là biểu đồ kết hợp, học sinh có thể phát hiện ra khi đề bài có từ khóa "thể hiện tình hình sản xuất, tình hình phát triển"; hoặc bảng số liệu có nhiều năm (hơn 3 mốc năm), bảng số liệu có hai đối tượng hoặc hai nhóm đối tượng; đối tượng trong bảng số liệu có mối quan hệ hữu cơ với nhau; bảng số liệu có hai đơn vị đo.

Những lỗi sai thường gặp và cách khắc phục

Trong phần kỹ năng biểu đồ, học sinh thường mắc phải một số lỗi do không nắm vững các dạng, chức năng và đặc biệt là các dấu hiệu nhận dạng biểu đồ.

Để khắc phục vấn đề này, các em cần xem lại và nắm thật chắc cách nhận dạng biểu đồ để khi làm bài sẽ chọn loại phù hợp nhất. Cùng với đó, học sinh nên luyện nhiều đề, từ đó hình thành các kỹ năng thuần thục, khi làm bài thi có thể tránh được sai sót.

Đặc biệt, trong quá trình làm phần kỹ năng biểu đồ trong bài thi, học sinh cần đọc kỹ đề bài, gạch chân từ khóa chứa dấu hiệu nhận dạng các biểu đồ để xác định đúng loại, từ đó đưa ra được đáp án chính xác.

Còn một khoảng thời gian ngắn nữa sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh có thể hệ thống hóa kiến thức bằng cách lập bảng, lập sơ đồ tư duy... Khi gần đến ngày thi, các em có thể vừa học vừa chơi để thư giãn, giảm áp lực và giữ cho tâm lý ổn định, thoải mái. Bên cạnh đó, các em cần đặc biệt ghi nhớ phương pháp loại trừ khi làm bài thi, để tránh các đáp án gây nhiễu, dẫn đến làm sai.

(Theo Vnexpress).