GD&TĐ - Đối với môn Vật lý – thời điểm này, học sinh cần tăng cường làm đề, tự thi thử theo cấu trúc đề minh họa. Trong điều kiện phòng dịch, ôn thi trực tuyến học sinh cần phát huy cao nhất ý thức tự giác, tự học.
Tăng cường luyện đề thi tham khảo
Khi Nghệ An có ca dương tính với Covid-19 trong cộng đồng, học sinh các cấp tại thị xã Hoàng Mai tạm dừng đến trường do nằm trong vùng dịch. Đối với học sinh lớp 12 ôn thi Tốt nghiệp THPT, các em phải chuyển sang hình thức học và ôn thi trực tuyến.
Thầy Đậu Huy Phương, giáo viên Vật lý – Trường THPT Hoàng Mai (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho biết: Tỷ lệ học sinh đăng ký thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Vật lý – Hóa học – Sinh học) của trường chiếm hơn 60%. Ngay từ đầu năm học, công tác ôn tập các môn thi Tốt nghiệp THPT nói chung, và môn Vật lý nói riêng đã được xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai theo tiến độ chương trình.
Đây là giai đoạn nước rút ôn thi Tốt nghiệp THPT, nhưng việc dạy học lại chuyển sang hình thức trực tuyến, nên kế hoạch ôn thi cho học sinh tại trường có điều chỉnh. “Với môn Vật lý, tổ bộ môn đã xây dựng ma trận đề thi để cho học sinh luyện đề tại nhà. Trong đó, yêu cầu học sinh làm bài thi theo giới hạn thời gian như thi thật và nộp lại cho giáo viên chấm. Mục đích vừa rèn kỹ năng, tâm lý làm bài, vừa hệ thống lại kiến thức”, thầy Phương nói.
Sau mỗi đề thi, giáo viên sẽ làm đáp án, lời giải cho những câu hỏi mang tính thông hiểu, vận dụng, hoặc vận dụng cao cho học sinh.
Ngoài các đề thi do giáo viên cung cấp, học sinh cũng có thể vào các trang dạy học trực tuyến uy tín trên Internet để tải thêm đề thi về làm. Gặp câu hỏi nào khó hiểu, các em có thể trao đổi, gửi câu hỏi cho thầy cô qua điện thoại, zalo, facebook để được giải đáp.
Theo cấu trúc đề thi minh họa, những câu hỏi nhận biết, thông hiểu – được xem là phần dễ. Tuy nhiên, học sinh lại hay vấp lỗi sai đáng tiếc. Vì đề thường hỏi về định nghĩa, khái niệm... và các câu trả lời đọc qua sẽ thấy tương tự nhau, chỉ khác nhau một số từ hoặc cụm từ. Học sinh cần đọc kỹ đề, đáp án, không vội vàng.
Bên cạnh đó, các em nên luyện đề riêng về câu hỏi lý thuyết. Từ đó, nhận diện được đáp án chính xác. Sau khi luyện các đề riêng như trên, các em tiếp tục làm đề tổng hợp để hệ thống, nhắc lại kiến thức.
Phát huy ý thức tự học
Hình thức học trực tuyến đối với học sinh THPT không xa lạ, vì đã được làm quen, thực hành từ năm học trước. Bên cạnh đó, hầu hết học sinh đều biết sử dụng Smartphone và vào mạng Internet để tìm kiếm tài liệu, thông tin.
Tuy nhiên, thầy Đậu Huy Phương cũng cho rằng, hiệu quả dạy học, ôn tập trực tuyến vẫn không thể bằng dạy học trực tiếp. Bởi khi học trực tiếp, ở môi trường trên lớp, có thầy cô quản lý sẽ quy củ, nghiêm túc theo giờ giấc. Các em cũng có thể trực tiếp trao đổi với giáo viên, hoặc làm việc nhóm với các bạn. Còn đối với học trực tuyến, hiệu quả phụ thuộc lớn vào tinh thần tự giác, ý thức tự học, tự kỷ luật của học sinh.
Dù nhà trường đang tạm nghỉ học phòng dịch, nhưng kiến thức chương trình đối với lớp 12 đã cơ bản hoàn thành. Học sinh thuộc tốp khá, giỏi sẽ không gặp nhiều khó khăn trong học trực tuyến. Các em cũng có phương pháp và sơ đồ tư duy cho môn học.
Đối với học sinh trung bình, giáo viên phải sát sao và vất vả hơn để quản lý, theo dõi, nhắc nhở. Đồng thời về phía học sinh cũng phải xác định rõ mục tiêu, quyết tâm tự học. Lập thời gian biểu khoa học cho từng môn. Khi vào học, luyện đề, cần tập trung làm hết thời gian theo quy định, không gián đoạn giữa chừng.
“Chỉ cần chăm chỉ, nắm lý thuyết, kiến thức cơ bản, học sinh đã có thể kiếm điểm 6 – 7 đối với môn Vật lý. Với đề thi trắc nghiệm, mỗi câu hỏi dễ hay khó đều có giá trị điểm như nhau. Thông thường, chỉ có 4 – 5 câu “vừa lạ vừa khó”, rơi vào phần sóng, điện, vật lý lượng tử... trong mỗi đề thi. Vì vậy, khi bước vào thi thật, đối với học sinh đại trà, mà kể cả những em “mũi nhọn”, cũng nên dành thời gian để làm chắc chắn đúng những câu trong tầm kiến thức. Câu hỏi khó, nếu không còn nhiều thời gian, các em có thể phán đoán dựa và tư duy và hiểu biết Vật lý của mình”, thầy Đậu Huy Phương nói.
(Theo báo Giáo dục & Thời đại).