Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Học - Thi -Tuyển sinh

Ôn thi tốt nghiệp THPT 2021 môn Văn: Cách giải quyết 'ngon ơ' dạng câu hỏi đọc hiểu.

Cập nhật 26/05/2021 - 10:44:58 AM (GMT+7)

Cô giáo Trịnh Thu Tuyết sẽ giúp các bạn học sinh cách trả lời các câu hỏi dạng đọc hiểu trong đề thi Văn tốt nghiệp THPT.

Cô Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI chỉ ra một số dạng câu hỏi thường xuyên xuất hiện trong đề đọc hiểu môn Văn kì thi Tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, cô cũng đưa ra các lưu ý giúp thí sinh dễ dàng giải quyết các câu hỏi này.

 


Cô giáo Trịnh Thu Tuyết.


4 dạng câu hỏi đọc hiểu thường xuyên xuất hiện 

Dạng câu hỏi thứ nhất: kiểm tra kiến thức Tiếng Việt.

Với dạng câu hỏi này, đề bài có thể hỏi về phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ, thao tác lập luận được sử dụng trong văn bản.

Ví dụ, phần Ngữ liệu đọc hiểu có đưa ra 1 đoạn trích “Đất nước” trong “Trường ca Mặt đường khát vọng” (Nguyễn Khoa Điềm) và đưa ra các câu hỏi: Những từ ngữ, hình ảnh nào trong đoạn trích được lấy từ chất liệu văn học dân gian? Nêu tác dụng của các biện pháp điệp từ được sử dụng trong 4 câu thơ cuối của đoạn trích…. Đây đều là các câu hỏi liên quan đến kiến thức tiếng Việt.

Dạng câu hỏi thứ 2: Giải thích khái niệm.

Để kiểm tra khả năng đọc hiểu của thí sinh, đề bài có thể đưa ra câu hỏi giải thích ý nghĩa của 1 từ, 1 câu hoặc cả đoạn văn bản.

Ví dụ: Anh chị hiểu như thế nào về nội dung câu thơ: “Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa”?

Hay: Anh/chị hiểu như nào về câu nói sau: “Leo lên đỉnh núi không phải để cắm cờ mà là để vượt qua thách thức, tận hưởng bầu không khí và ngắm nhìn quang cảnh rộng lớn xung quanh”.

Phần lớn các câu hỏi thường yêu cầu giải thích ý nghĩa của câu hoặc đoạn văn.

Dạng câu hỏi thứ 3: Lí giải nguyên nhân của phát ngôn, thông điệp

Ví dụ: Theo anh/chị, vì sao tác giả cho rằng “Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời thực ra lại đến vào lúc các em nhận ra các em chẳng có gì đặc biệt cả”?

Toàn bộ câu này không hề có từ ngữ nào khó hiểu cả, cho nên đề bài sẽ không yêu cầu giải thích ý nghĩa của câu mà chỉ cần các em lí giải nguyên nhân vì sao tác giả nói câu đó. Việc lí giải nguyên nhân này đòi hỏi thí sinh phải có mức độ tư duy cao hơn.

Dạng câu hỏi thứ 4 mang tính chất khái quát, tổng hợp và bao trùm toàn bộ ngữ liệu đọc hiểu.

Thông thường câu hỏi đưa ra sẽ đòi hỏi thí sinh nêu thu hoạch, cảm nhận về đoạn văn bản.

Ví dụ: Thông điệp của nào đoạn trích có ý nghĩa nhất với anh chị?

Với kiểu câu hỏi này, học sinh có thể lựa chọn một thông điệp và trình bày suy nghĩ cá nhân vì sao thông điệp đó có ý nghĩa với các em.   

Những lưu ý trong quá trình làm bài đọc hiểu

“Với dạng câu hỏi kiểm tra kiến thức Tiếng Việt, muốn làm tốt, các em phải nắm chắc kiến thức Tiếng Việt”, cô Trịnh Thu Tuyết chia sẻ.

Trước hết, các em phải phân biệt được 6 loại phong cách ngôn ngữ: sinh hoạt, khoa học, chính luận, hành chính, nghệ thuật, báo chí. Nếu câu hỏi chỉ yêu cầu xác định phong cách ngôn ngữ được sử dụng thì các em chỉ cần xác định phong cách ngôn ngữ, ko cần lí giải. Nhưng nếu câu hỏi còn kèm theo yêu cầu giải thích rõ lí do cho sự xác định của mình thì các em phải đưa ra các căn cứ vì sao lại xác định đoạn văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ đó. Tuy nhiên, nếu phải lí giải thì các em chỉ cần viết ngắn gọn, súc tích, tránh mất thời gian.

Sau khi xác định được phong cách ngôn ngữ thì các em sẽ dễ dàng xác định được phương thức biểu đạt. Ví dụ, văn bản có phong cách ngôn ngữ chính luận thì chắc chắn sẽ có phương thức biểu đạt là nghị luận. Cô Tuyết chỉ ra thêm một mẹo để chúng ta tìm ra được phương thức biểu đạt, đó là nếu đoạn văn bản là 1 đoạn thơ thì em cứ chắc chắn đó là phương thức biểu cảm. Một số đoạn thơ đặc biệt có cốt truyện, sự việc thì bên cạnh phương thức biểu cảm còn có phương thức tự sự.

Các em cũng cần nắm chắc thao tác lập luận: chứng minh, giải thích, tổng hợp, diễn dịch, quy nạp… Cô Tuyết lưu ý thêm chỉ có văn bản được viết theo phong cách ngôn ngữ chính luận thì mới có các thao tác lập luận. Do đó, nếu đề đọc hiểu có 2 câu: một là xác định phong cách ngôn ngữ, hai là xác định thao tác lập luận thì các em dễ dàng suy luận được văn bản được viết theo phong cách ngôn ngữ nào.

Đề có thể hỏi về các biện pháp tu từ: ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa, so sánh, điệp từ, điệp ngữ… Trong đó, học sinh thường băn khoăn về phương pháp ẩn dụ và hoán dụ.

Theo đó, cô Tuyết đưa ra mẹo giúp các em nhận biết rõ hơn 2 phép tu từ này. Cô cho biết, ẩn dụ và hoán dụ đều là phép tu từ mà tác giả sử dụng sự vật B để nói về sự vật A. Nếu A và B có mối quan hệ tương đồng thì đó là phép ẩn dụ, giữa A và B có mối liên tưởng tương cận thì đó là phép hoán dụ.

Ví dụ 1: Thuyền về có nhớ bến chăng/Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.

Thuyền và bến là B, nhưng người nghe đều hiểu câu thơ nói về người ra đi và người ở lại. Điều này có sự tương đồng, bởi người ra đi có sự di chuyển, giống như con thuyền nay bến này, mai bến khác. Còn người ở lại mòn mỏi, thủy chung đợi chờ giống như cái bến cố định ở đó không đi đâu cả. Giữa bến và thuyền, người ra đi và người chờ đợi có mối quan hệ giống nhau (tương đồng). Do đó câu thơ này sử dụng phép ẩn dụ.

Ví dụ 2: Áo chàm đưa buổi phân li/Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay?

Trong ngữ cảnh này, nhà thơ sử dụng hình ảnh “áo chàm” thay cho “người Việt Bắc”. Người Việt Bắc là đối tượng A không được nhắc đến, còn áo chàm là đối tượng B được hiện lên trong dòng thơ. Giữa người Việt Bắc và áo chàm không hề có mối lên hệ tương đồng, do đó câu thơ này không có phép ẩn dụ. Nhưng áo chàm là trang phục đặc trưng của người dân Việt Bắc, 2 yếu tố này có mối quan hệ gần gũi (tương cận), do đó “áo chàm” chính là hình ảnh hoán dụ cho “người dân Việt Bắc”.

Với dạng câu hỏi kiểm tra khả năng cảm thụ, tư duy tổng hợp, khái quát, đề có thể yêu cầu thí sinh cảm thụ về một hình ảnh cụ thể trong đoạn văn bản. Để trả lời được câu hỏi này, các em nên xuất phát từ nghĩa đen rồi đến ý nghĩa biểu trưng của hình ảnh đó. Lưu ý, các em cần trả lời ngắn gọn, súc tích và viết thành đoạn văn chứ không gạch đầu dòng.

Trong dạng câu hỏi này còn có thể xuất hiện kiểu câu hỏi thu hoạch, ví dụ: Điều anh/chị tâm đắc nhất của anh chị là gì? Thông điệp rút ra từ văn bản trên là gì? “Khi trả lời, các em cần viết ngắn gọn, chân thành, và phải trúng ý, tránh nói chung chung, hoa mĩ”, cô Tuyết lưu ý thêm.

(Theo báo VietNamNet).