Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Học - Thi -Tuyển sinh

Ôn thi tốt nghiệp THPT môn Văn: 6 lưu ý quan trọng về Nghị luận văn học.

Cập nhật 15/05/2021 - 10:01:45 AM (GMT+7)

Phần Nghị luận văn học chiếm một vị trí quan trọng trong cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT với 50% tổng số điểm của bài làm là 5/10 điểm.

 

 

Tiến sĩ Đặng Ngọc Khương, giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết, phần thi Nghị luận văn học nếu không có kiến thức và kĩ năng làm bài thí sinh rất khó hoàn thành bài làm một cách đầy đủ, hoàn thiện và chất lượng.

Dựa vào cấu trúc đề tham khảo môn Ngữ văn thi Tốt nghiệp THPT, thầy Khương nhận định: Phần Nghị luận văn học chiếm một vị trí quan trọng trong cấu trúc đề thi Tốt nghiệp THPT với 50% tổng số điểm của bài làm là 5/10 điểm. Do đó, đây là phần thi gây nhiều áp lực nhất và phải đầu tư thời gian ôn tập nhiều nhất trong ba phần thi (Đọc - hiểu, Nghị luận xã hội, Nghị luận văn học).

Theo thầy Khương, thông thường học sinh có thể làm trọn vẹn phần Đọc - hiểu và Nghị luận xã hội, đồng thời có thể tiệm cần điểm tối đa ở hai phần thi này nếu làm tốt. Nhưng riêng phần thi Nghị luận văn học, muốn giành được điểm cao thí sinh cần chú ý một số điểm như sau:

Thứ nhất, phân tích đề và lập dàn ý. Đây là thao tác không thể thiếu trước khi làm bài. Việc phân tích đề giúp học sinh xác định đúng yêu cầu của đề bài, không làm lạc đề hoặc triển khai vấn đề thiếu tính tập trung.

"Trên cơ sở sự phân tích chính xác yêu cầu của đề thi, thí sinh tiến hành lập dàn ý ngắn gọn để đảm bảo vấn đề được triển khai logic, mạch lạc. Mặc dù khâu này đặc biệt quan trọng, nhưng do tổng thời gian làm phần Nghị luận văn học không có nhiều (khoảng 60 - 70 phút), vì vậy thí sinh cần thao tác nhanh gọn, tránh lãng phí thời gian", thầy Khương chia sẻ.

Thứ hai, phân bố thời gian hợp lí để đảm bảo cấu trúc bài làm. Từ dàn ý sơ lược, thí sinh nên phân chia được một mức thời gian tương đối cho 3 phần: mở bài - thân bài - kết bài. Việc phân bố thời gian hợp lí cho bài làm sẽ giúp thí sinh có được một bài làm hoàn chỉnh, hài hòa, cân đối. Đặc biệt, thí sinh tuyệt đối không nên làm bài một cách cảm tính, thiếu chiến thuật.

"Thí sinh nên tránh tình trạng đầu tư quá nhiều thời gian cho mở bài, thân bài mà cuối cùng lại không có kết bài. Các em cần phải hiểu rằng, một bài làm hoàn chỉnh dù chưa thực sự xuất sắc sẽ khiến người chấm bài có cảm tình hơn là một bài làm có phần mở bài ấn tượng, thân bài sâu sắc mà không thấy kết bài đâu", thầy Khương nhấn mạnh.

Thứ 3, cần xác định rõ yêu cầu cho từng phần trong cấu trúc bài làm. Trong đáp án chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo sau mỗi kì thi luôn có hướng dẫn cụ thể về yêu cầu từng phần trong cấu trúc bài làm Nghị luận văn học. Theo đó, yêu cầu về nội dung cần đảm bảo ở mở bài, thân bài luôn được mô tả cụ thể với thang điểm tương ứng.

Riêng phần kết bài, tuy không được mô tả trong đáp án nhưng thí sinh luôn phải ý thức đó là phần không thể thiếu trong một bài làm hoàn chỉnh. Trước khi luyện đề và đặc biệt là trước khi bước vào kì thi chính thức năm 2021, các em học sinh cần dành thời gian phân tích kĩ lưỡng đề thi và yêu cầu đáp án năm 2020 để rút kinh nghiệm.

 


Tiến sĩ Văn học Đặng Ngọc Khương.

 

Thứ tư, kết hợp hài hòa giữa lí lẽ và dẫn chứng. Để có một bài viết đảm bảo cả về chất lượng và dung lượng kiến thức, thí sinh phải biết kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng trong quá trình làm bài.

Một bài viết chỉ có lí lẽ mà không có dẫn chứng sẽ tạo nên cảm giác nhàm chán, lí thuyết suông, thiếu sinh động. Ngược lại, một bài viết chỉ toàn là dẫn chứng sẽ không khác gì một bài thống kê, liệt kê, mô tả, thiếu tính liên kết, lập luận.

Chính vì thế, trong quá trình làm bài, thầy Khương lưu ý thí sinh, nêu luận điểm, luận cứ đến đâu cần có dẫn chứng và phân tích dẫn chứng. Sau khi phân tích dẫn chứng xong lại tiếp tục bình luận, đánh giá. Có như thế bài viết mới sâu sắc và thuyết phục.

Thứ năm, cần có sự so sánh mở rộng. Các tác phẩm văn học, các nội dung, chủ đề văn học luôn có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau. Các tác phẩm cùng giai đoạn sáng tác, cùng trào lưu, khuynh hướng sẽ có những điểm chung.

Tương tự như vậy, những tác phẩm dù khác giai đoạn, khác trào lưu, khuynh hướng nhưng có chung chủ đề thì vẫn có những điểm liên hệ. Vì vậy, thầy Khương nhắc nhở thí sinh trong quá trình làm bài không được phép thiếu phần liên hệ, so sánh, mở rộng với các tác phẩm khác. Đây là thao tác cần thiết để bài làm đáp ứng được tiêu chí phân hóa so với mặt bằng chung.

Thứ sáu, biết vận dụng kiến thức lí luận văn học và biết cách liên hệ với đời sống. Thầy Khương cho biết, trong hướng dẫn chấm thi môn Ngữ văn hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn có 0,5 điểm dành cho phần Sáng tạo của bài Nghị luận văn học.

Yêu cầu của phần Sáng tạo được mô tả rõ: Thí sinh biết vận dụng kiến thức lí luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá; biết so sánh với các tác phẩm khác để làm nổi bật đóng góp riêng của Nguyễn Khoa Điềm; biết liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.

"Từ yêu cầu đó, để có một bài viết gây ấn tượng tốt với người chấm và đặc biệt là để có trọn vẹn 0,5 điểm sáng tạo, các em cần phải biết vận dụng các kiến thức lí luận văn học vào bài làm và biết liên hệ với đời sống ở những khía cạnh hợp lí", thầy Khương hướng dẫn.

Trong thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại, ảnh hưởng không ít đến tâm lí và hiệu quả ôn luyện của học sinh, thầy Khương khuyên học sinh có thể chia nhỏ đề thi làm 3 phần với thời gian tương ứng để luyện từng ngày cho đỡ áp lực và luyện đề tổng hợp cuối tuần như một bài thi thử.

(Theo báo điện tử Dân Trí).