Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Học - Thi -Tuyển sinh

Chuẩn bị tâm lý để thi tốt trong mùa dịch

Cập nhật 05/08/2020 - 05:48:18 PM (GMT+7)

TTO - Ngày 9-8, thí sinh sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Với tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp khiến không ít thí sinh lo lắng. Làm thế nào để có tâm lý tốt nhất khi bước vào phòng thi?

 

 

PGS.TS Đinh Phương Duy (Học viện Cán bộ TP.HCM) cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quan trọng đối với cuộc đời học sinh nên tâm lý lo âu là điều tất yếu với thí sinh. Trong khi hiện nay đang xảy ra dịch COVID-19 ở nhiều địa phương nên nỗi lo của thí sinh càng tăng lên.

 

Thi trong điều kiện an toàn

Theo PGS.TS Đinh Phương Duy, hiện nay các địa phương đều cho biết đang khẩn trương chuẩn bị những điều kiện tốt nhất, đảm bảo an toàn cho kỳ thi theo chỉ đạo của Thủ tướng. 

"Nhiều giải pháp đảm bảo an toàn cho thí sinh sẽ được thực hiện như khử trùng, giãn cách... do vậy các em có thể yên tâm. Việc tổ chức kỳ thi thành 2 đợt cũng là giải pháp đảm bảo an toàn. Dù các em thi đợt nào cũng sẽ được đảm bảo quyền lợi như nhau, được xét tuyển ĐH theo nguyện vọng đã đăng ký. 

Theo tôi, đề thi năm nay sẽ nhẹ nhàng hơn và không đánh đố thí sinh. Để giảm bớt tình trạng lo âu này, trước hết phải chuẩn bị kiến thức vững vàng, để đủ tự tin khi bước vào phòng thi" - ông Duy nhấn mạnh.

ThS Hoàng Thúy Nga - Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) - cho rằng để có kết quả thi tốt, thí sinh cần lưu ý và chuẩn bị tốt trước và trong ngày thi. Trước ngày thi: thứ nhất, cần chuẩn bị tinh thần thật tốt, giữ cho đầu óc thật thoải mái. 

Đã có một số trường hợp thí sinh do tâm lý căng thẳng tập trung ôn tập suốt đêm trước ngày thi dẫn đến ngủ quên, muộn thi hoặc ốm không thể tiếp tục làm bài. Do vậy, trước ngày thi các em cần quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, nên nghỉ ngơi làm những việc mình thích hoặc hoạt động thể thao để thư giãn và đi ngủ sớm. 

Thứ hai, tìm hiểu kỹ những vật dụng, đồ dùng được và không được mang vào phòng thi. Thứ ba, chuẩn bị đủ giấy tờ, bút và dụng cụ cần thiết: giấy báo, chứng nhận tốt nghiệp, thẻ dự thi, căn cước công dân (CMND)... và những dụng cụ cần thiết khác thì các bạn nên để vào cùng một chiếc túi để tránh thất lạc.

Trong ngày thi: thí sinh nên đến trước thời gian thi 15 phút để chuẩn bị tâm lý sẵn sàng. Trước khi làm bài thi, phải ghi đầy đủ số báo danh và thông tin của thí sinh vào đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp. 

"Khi nhận đề thi trong thời gian 5 phút các em phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in, nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi. 

Đối với các bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, cần lưu ý kiểm tra bảo đảm các môn thi thành phần trong mỗi bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội có cùng một mã đề thi" - bà Nga căn dặn.

 

3 yếu tố giúp đạt "điểm rơi phong độ"

Theo TS tâm lý Đào Lê Hòa An (sáng lập ứng dụng hướng nghiệp 4.0 JobWay), để có được kết quả thi tốt nhất, cần đạt "điểm rơi phong độ" với ba yếu tố: tâm lý, sức khỏe và kiến thức. "Chỉ còn vài ngày nữa thi, đây không phải là lúc tập trung học và ôn với cường độ cao nữa vì não đã đạt trạng thái "bão hòa". Thay vào đó, thí sinh nên dành thời gian xem lại nhẹ nhàng những lưu ý, chỗ mình hay sai khi làm bài tập. 

Ngoài ra, một số vật dụng vốn không cấm trong quy chế nhưng rất có hiệu quả, đó là một chai nước (đã xé nhãn) và vài viên kẹo sôcôla. Khi lo lắng, ngụm nước có thể khiến cơ thể bạn tỉnh táo và sảng khoái hơn. Trong kẹo sôcôla có chất đường và cafein, có khả năng "kích não" tức thời, phục hồi năng lượng cho não bộ. 

Bạn cần chuẩn bị ngay một túi kính (túi hồ sơ) trong suốt, chứa tất cả các dụng cụ cần thiết (hai cây bút chì, bút bi, máy tính, CMND, phiếu báo thi...) và để sẵn. Đừng để sáng hôm đi thi mới cuống quýt tìm tìm kiếm kiếm, rất dễ nản lòng" - ông An khuyên.

Tư vấn về vấn đề dinh dưỡng và sức khỏe chuẩn bị cho kỳ thi trong mùa dịch, TS.BS Trần Thị Minh Hạnh - trưởng khoa dinh dưỡng, tiết chế Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn - khuyên thí sinh cần giữ nếp sinh hoạt điều độ: ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ, tập luyện thể dục thường xuyên, thư giãn khi mệt mỏi... 

Ăn đa dạng rau xanh và trái cây tươi để cung cấp vitamin cho cơ thể (cam, bưởi, táo, đu đủ chín, kiwi, xoài chín, dưa hấu, thanh long, bông cải xanh, ớt chuông, bí đỏ, cà rốt, cà chua, rau xanh các loại...). Uống đủ nước mỗi ngày. Nên uống từng ngụm nước nhiều lần trong ngày để luôn làm ẩm vùng hầu họng. Giữ vệ sinh cơ thể, vệ sinh tay thường xuyên.

"Luôn mang theo dung dịch rửa tay nhanh để sử dụng khi cần thiết. Hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Hãy bỏ các thói quen như cắn bút chì, ngoáy tai, dụi mắt... khi suy nghĩ căng thẳng. Thay vào đó, các em có thể uống từng ngụm nước nhỏ sẽ thấy dễ chịu hơn" - BS Minh Hạnh chia sẻ.

(Theo Tuổi trẻ Online).