Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Học - Thi -Tuyển sinh

Thi THPT Quốc gia: Kinh nghiệm ôn thi môn Ngữ văn giai đoạn "sát nút"

Cập nhật 23/04/2020 - 01:00:00 AM (GMT+7)

Kỳ thi THPT Quốc gia 2020 đang đến gần, trong khi tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Việc không thể đến trường ôn tập cùng thầy cô, bạn bè khiến cho nhiều bạn học sinh cảm thấy rất hoang mang. Đừng lo lắng, STU sẽ giới thiệu đến các bạn kinh nghiệm ôn thi môn Ngữ văn hiệu quả trong giai đoạn “sát nút".

1. Lên kế hoạch ôn tập chi tiết và nghiêm túc thực hiện

Việc có một kế hoạch học tập cụ thể sẽ quyết định hiệu quả ôn tập của bạn. Chúng giúp bạn thực hiện mọi việc một cách hệ thống, khoa học và nghiêm túc hơn.

Đã là giai đoạn gấp rút rồi nên nếu bạn nào chưa có kế hoạch ôn tập cụ thể thì đây chính là việc đầu tiên cần làm. Bạn nên lập thời gian biểu ôn thi cho tất cả các môn trong đó có môn Ngữ văn. Cụ thể, dành bao nhiêu thời gian cho môn học này? Một ngày giải bao nhiêu đề mẫu? Kiến thức còn chưa nắm vững cần bổ sung?...

2. Hệ thống hóa, nắm chắc kiến thức

Đầu tiên, để đạt được kết quả ôn tập tốt, bạn phải nắm được nội dung, cấu trúc đề thi, có thể dựa vào đề thi mẫu mà Bộ Giáo dục & Đào tạo đã công bố cùng với lượng kiến thức mà Bộ giới hạn.

Để đạt được điểm tối đa phần Đọc - hiểu, học sinh cần trang bị cho mình các thao tác đọc và nhận diện, tìm kiếm và suy nghĩ về vấn đề trong đoạn trích hoặc văn bản, kết nối được cảm nhận, cảm xúc, suy nghĩ của người đọc với tác giả. Đặc biệt, thí sinh cần ôn kĩ các thao tác lập luận, các phương thức biểu đạt, các phép tu từ, tác dụng của các biện pháp nghệ thuật... Từ đó thí sinh sẽ có cho mình cơ hội đạt điểm tối đa phần này.

Đối với môn Ngữ văn, đặc biệt là phần câu 5 điểm đòi hỏi thí sinh nắm được kiến thức trọng tâm của các tác phẩm. Không nên học thuộc lòng mà nên đọc hiểu, cảm nhận tác phẩm sau đó gạch ra các ý chính cần nhớ. Bên cạnh đó, bạn cũng nên dành thời gian đọc thêm các bài văn mẫu để có kinh nghiệm và cảm xúc khi làm bài.

Sau khi hệ thống hóa kiến thức, chúng ta đi sâu vào tìm hiểu kiến thức của từng bài thông qua việc định lượng, vạch ra những câu hỏi liên quan đến bài học ở cả hai dạng lí thuyết và phân tích thực hành để học và ôn thi. Ví dụ khi ôn tập bài “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh, ta có thể vạch ra các câu hỏi dạng lý thuyết như: hoàn cảnh sáng tác, mục đích sáng tác, ý nghĩa của tác phẩm,…

Riêng phần câu hỏi nghị luận xã hội, ngoài kiến thức về môn học, chúng ta cần có một lượng kiến thức xã hội. Để làm tốt câu hỏi này đòi hỏi chúng ta phải có kiến thức xã hội nhất định và phải có cách thức và phương pháp nghị luận phù hợp. Thông thường, câu hỏi này xoáy sâu kiến thức ở các dạng nghị luận về một tư tưởng, đạo lý hoặc nghị luận về một hiện tượng trong đời sống.

3. Phân bổ thời gian hợp lý khi làm bài thi

Chăm chỉ giải đề thi mẫu không chỉ giúp tìm ra lỗ hổng và củng cố kiến thức mà còn giúp các bạn quen dần với áp lực phòng thi, có kinh nghiệm phân bổ thời gian hợp lý khi làm bài để đem lại kết quả cao nhất. Ở đây, STU mách bạn nên lập kế hoạch chi tiết sẽ dành bao nhiêu thời gian giải từng câu và thứ tự làm câu dễ trước, câu khó sau như thế nào cho hợp lý.

4. Tìm hiểu, phân tích và lập dàn ý

Như các bạn đã biết, trong thi môn Ngữ văn việc sai đề hoặc trùng ý, thiếu ý là rất nguy hiểm, quyết định trực tiếp đến điểm số. Tìm hiểu, phân tích kỹ và lập dàn ý trước khi làm bài giúp bạn hạn chế lỗi này.

Đây là khâu tưởng chừng như không cần thiết nhưng nhiều học sinh rất hay chủ quan và bỏ qua. Sự cần thiết của khâu tìm hiểu và phân tích đề và lập dàn ý sẽ giúp cho các em học sinh nắm vững cấu trúc đề thi, thang điểm, định hướng cách viết, định hướng các ý chính trong dàn ý sẽ lập, không bị lạc đề, nhầm đề, viết tràn lan,…

5. Chú ý cách trình bày

Khác với các môn thi trắc nghiệm, môn Ngữ văn ngoài việc đảm bảo đủ lượng yêu cầu về kiến thức, mỗi bài làm cần phải chú ý đến cách thức trình bày. Để đảm bảo tính rõ ràng, mạch lạc và chính xác cho từng câu trả lời, chúng ta có thể ghi rõ câu hỏi trước khi trả lời, tạo khoảng cách giữa các câu trả lời bằng cách xuống hàng hoặc gạch chân. Dẫn chứng trong tác phẩm phải để trong ngoặc kép. Chữ viết phải ngay ngắn, thẳng hàng, dễ đọc, không tẩy xóa nhiều…

Sinh viên STU đang nghiên cứu tài liệu trong thư viện.

STU hy vọng những kinh nghiệm ôn thi môn Ngữ văn trên sẽ giúp các bạn tự tin ôn luyện đạt kết quả cao nhất.

STU chúc các bạn sức khỏe, tự tin và thành công!

Sưu tầm.