Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Xây dựng lại quan điểm học thuật về giáo dục

Cập nhật 02/11/2011 - 10:04:42 AM (GMT+7)
GS-TS Trần Hồng Quân, người có thâm niên 5 năm làm Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, 10 năm làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập. Dù tuổi đã cao nhưng ông luôn đau đáu với những vấn đề của giáo dục. Trong câu chuyện với PV Báo SGGP, ông  đã chia sẻ những suy nghĩ về những vấn đề tuyển sinh ĐH hiện nay, từ đó liên hệ đến vấn đề đổi mới căn bản toàn diện nền GD-ĐT.

- PV: Thưa ông, mùa tuyển sinh 2011 đã kết thúc. Chưa bao giờ người ta chứng kiến một mùa tuyển sinh ảm đạm như năm nay. Chúng ta sẽ đi theo con đường nào: ĐH tinh hoa hay ĐH đại chúng?

GS-TS TRẦN HỒNG QUÂN: Quan điểm về chính sách phát triển giáo dục đại học (GDĐH) hiện nay là không rõ ràng. Chúng ta đang ở giai đoạn ĐH đại chúng (ĐH đại chúng bao giờ cũng có ĐH tinh hoa, chỉ có ĐH tinh hoa phủ nhận đại chúng, chứ đại chúng không phủ nhận tinh hoa). Mà như vậy, quản lý của chúng ta phải là đa dạng, phân tầng chứ không phải là ngang bằng. Tuyển sinh lâu nay theo tư duy ngang bằng. Điều đó là không đúng. Chúng ta đang đi theo con đường ĐH đại chúng, vậy tại sao lại thi “3 chung”, có điểm sàn chung cả nước.

Trong lịch sử tuyển sinh, chúng ta đã trải qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, khi chúng ta mới thành lập các trường ĐH, các trường được tự chủ tuyển sinh hoàn toàn, tự ra đề thi, tự tổ chức thi. Giai đoạn Mỹ ném bom ở miền Bắc, chúng ta phải tập trung thí sinh thi ở địa phương. Nhưng dù thi chung ở địa phương thì điểm của từng trường vẫn khác. Sau giải phóng miền Nam, chúng ta trở lại thi riêng ở từng trường. Sau đó do có nhiều ý kiến khác nhau, lại quay lại thi chung, chấm chung nhưng điểm vẫn riêng. Điểm sàn chung chỉ có từ  năm 2005 trở lại đây và đó là điểm bất hợp lý nhất. Nó phản ánh quan điểm giống ĐH tinh hoa, không quan tâm đến yêu cầu của nhân lực từng ngành, từng địa phương (trong khi con đường chúng ta đang đi lại là ĐH đại chúng). Cần phải hiểu là yêu cầu  về trình độ là đa dạng, khác nhau ở từng địa phương, từng ngành; từng trường cũng có năng lực đào tạo khác nhau. Vì vậy, việc  xác định điểm sàn là rất bất hợp lý.

Việc tuyển sinh theo “3 chung” đã khó khăn mấy năm gần đây, nhưng năm nay là năm bộc lộ rõ nhất toàn bộ những nhược điểm của “3 chung”. Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã nói, “3 chung” đã hết sứ mạng của nó. Tôi rất đồng tình ý kiến này. Vừa qua Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập đã họp để kiến nghị với Nhà nước, với Bộ GD-ĐT về giải pháp đổi mới tuyển sinh.

- Về việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH-CĐ, trong đó có quyền tự chủ về tuyển sinh. Quan điểm của giáo sư thế nào?

Giáo dục phổ thông ở chừng mực nào đó bộ cần quản lý trực tiếp. Nhưng GDĐH thì không nên, mà bộ cần giao quyền tự chủ cho các trường. Tư duy quản lý GDĐH cần thay đổi, không nên duy trì cơ chế bao cấp như hiện nay. Chúng ta đã có bài học lớn từ kinh tế, đó là  không nên áp đặt tư duy kế hoạch tập trung, thành tựu đổi mới kinh tế đã chứng minh điều này. GDĐH cũng vậy, cần thay đổi. Dĩ nhiên, bộ có quan điểm riêng, bộ mong muốn quản lý với kế hoạch tập trung để định hình sự phát triển của GDĐH, nhưng giải pháp lại áp đặt, đó là điều không được, rất trở ngại. Phải giao quyền tự chủ, để các trường năng động, sáng tạo phát triển, như thế mới tạo ra sinh khí mới. Giao tự chủ để các trường phát triển trên cơ sở những gì mà họ có chứ không phải là với kế hoạch mà bộ giao.

- Kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến dự án Luật Giáo dục đại học. Vừa qua, rất nhiều ý kiến chuyên gia giáo dục phản biện gay gắt dự thảo luật. Ông có ý kiến thế nào?

Chúng ta hiện nay chưa thiết kế được kế hoạch để triển khai tinh thần đổi mới căn bản toàn diện nền GD-ĐT mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra. Phải đề ra phương án cải cách giáo dục trước đã rồi mới làm cái khác. Nếu luật ra đời trước thì e là sau này sẽ không phù hợp với đề án cải cách giáo dục. Làm luật thì cũng nên tính đến tuổi thọ của nó. Tôi biết hiện chính phủ cũng chuẩn bị ban hành chiến lược phát triển giáo dục nhưng tôi và nhiều vị khác cũng cho rằng chiến lược chỉ là một bộ phận của đề án đổi mới toàn diện và căn bản GD-ĐT Việt Nam. Cần phải có đề án cải cách rồi mới tính đến chiến lược và các đề án, dự luật khác về giáo dục.

- Vậy, theo giáo sư, đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục thì nên bắt đầu thế nào?

Phải xây dựng lại toàn bộ quan điểm học thuật về giáo dục, trong đó có triết lý giáo dục, hệ thống giáo dục. Đổi mới phải bắt đầu từ cấp học thấp nhất là mầm non và cấp đại học. Mầm non rất quan trọng vì đó là nền tảng cho cả quá trình học tập của một con người. Còn GDĐH-nghề nghiệp là cấp học trực tiếp tạo ra đội ngũ lao động, tạo sức bật cho nền kinh tế. Khi đã có đề án đổi mới GD-ĐT thì phải ưu tiên 2 cấp này trước, sau đó triển khai đồng bộ để khép dần lại toàn bộ quá trình đổi mới của cả hệ thống.

(Theo SGGP online)


Tin Nổi Bật