Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Cách làm phần khiếu nại trong đề tốt nghiệp Giáo dục công dân.

Cập nhật 15/06/2022 - 06:05:34 PM (GMT+7)

Thầy Trần Công Hưng, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), hướng dẫn thí sinh nhận biết mức độ câu hỏi và phân tích để tìm đáp án đúng.

Bài thi có 4 cấp độ, gồm nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Do vậy, kiến thức có thể lặp lại trong các đề nhưng với cấp độ nhận thức khác nhau. Mỗi khi làm bài, thí sinh có thể phân tích để tìm ra đáp án. Bài viết này sẽ hướng dẫn thí sinh về phần khiếu nại.

Khái niệmKhiếu nại là quyền công dân, cơ quan, tổ chức được đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình (Trích trang 74, sách giáo khoa môn Giáo dục công dân của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).

Những từ được gạch chân trong khái niệm là các từ khóa cần nhớ, bởi chúng là căn cứ để chọn đáp án đúng.

 

Thầy Trần Công Hưng, giáo viên Giáo dục công dân, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thầy Trần Công Hưng, giáo viên Giáo dục công dân, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định).

 

Ví dụ 1. Công dân đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định đó trái pháp luật, xâm phạm lợi ích hợp pháp của mình là thực hiện quyền:

A. tố cáo

B. bãi nại

C. kháng cáo

D. khiếu nại

Đây là câu nhận biết, bởi nó chỉ đề cập đến khái niệm. Với cụm từ khóa "đề nghị xem xét lại một quyết định hành chính", thí sinh dễ dàng chọn được đáp án đúng là D.

Ví dụ 2: Theo quy định của pháp luật, công dân có thể thực hiện quyền khiếu nại trong trường hợp nào sau đây?

A. Phát hiện tù nhân trốn trại

B. Chứng kiến bắt cóc con tin

C. Nhận quyết định kỷ luật chưa thỏa đáng

D. Bị phần tử khủng bố đe dọa tính mạng

Trong câu dạng thông hiểu này, thí sinh cần phân tích các dữ kiện: quyết định kỷ luật chưa thỏa đáng, gây tổn hại đến lợi ích của mình, nên cần "đề nghị" người ra quyết định "xem xét lại quyết định hành chính" để khôi phục là quyền lợi cho mình - qua đó, đáp án đúng là C.

Ví dụ 3: Chị M làm đơn xin nghỉ thêm một tháng sau thời gian hưởng chế độ thai sản và được giám đốc X của một công ty Nhà nước chấp thuận. Vì thiếu người làm, giám đốc X đã tuyển dụng nhân viên mới thay thế vị trí của chị M.

Khi đi làm trở lại, chị M bị giám đốc điều chuyển sang công việc khác nặng nhọc hơn. Chị M phải sử dụng quyền nào sau đây để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình?

A. Phản biện

B. Khiếu nại

C. Tố cáo

D. Kháng nghị

Qua hai câu dạng nhận biết và thông hiểu, thí sinh nhanh chóng nhận thấy chị M sẽ phải "đề nghị" giám đốc X "xem xét lại quyết định hành chính" trên và khôi phục quyền lợi cho chị - qua đó chọn đáp án đúng là B.

Từ những kỹ năng cơ bản trên, thí sinh hãy vận dụng vào làm các dạng bài này trong đề ôn thi tốt nghiệp hoặc đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành qua các năm để hoàn thiện kiến thức và kỹ năng.

(Theo VnExpress).


Tin Nổi Bật