Thầy Lại Đắc Hợp lưu ý, với môn Vật lý, việc nắm chắc lý thuyết là rất quan trọng vì câu hỏi lý thuyết chiếm khoảng 40% nội dung đề thi. Đây là phần khá dễ, thí sinh có thể làm rất nhanh.
Chỉ còn gần 1 tuần nữa, học sinh trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, bài thi thành phần môn Vật lý thuộc bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên được ra theo hình thức trắc nghiệm khách quan, gồm 40 câu hỏi, thời gian làm bài 50 phút.
Thầy Lại Đắc Hợp, giáo viên Vật lý tại Moon.vn đã có chia sẻ với VOV.VN về phương pháp ôn tập hiệu quả môn học này.
PV: Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đã rất gần với các thí sinh trên cả nước, trong giai đoạn nước rút, thí sinh cần lưu ý những gì để ôn tập hiệu quả nhất, thưa thầy?
Thầy Lại Đắc Hợp chia sẻ về phương pháp ôn tập môn Vật lý hiệu quả.
Thầy Lại Đắc Hợp: Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc nắm chắc lý thuyết là rất quan trọng vì câu hỏi lý thuyết chiếm khoảng 40% trong đề. Đây là những câu hỏi khá dễ làm và thời gian làm rất nhanh. Để học lý thuyết có hiệu quả, các em có thể ôn tập lại trong sách giáo khoa theo các chủ đề rồi tự tóm tắt lại các nội dung dưới dạng bảng so sánh hoặc sơ đồ tư duy. Ví dụ khi học về quang phổ sẽ lập bảng so sánh về các loại quang phổ trên các phương diện: khái niệm, nguồn phát, đặc điểm, ứng dụng… Chọn các khoảng thời gian thoải mái nhất trong ngày để ôn lý thuyết.
Việc ôn luyện bài tập sẽ tùy theo mục tiêu điểm số của từng thí sinh. Các em nên chú trọng ôn tập các dạng có xác suất cao ở trong đề thi, phải hiểu rõ, nắm chắc các bước làm của từng dạng. Bên cạnh đó, thí sinh nên kết hợp việc luyện đề chuẩn cấu trúc với việc tổng ôn kiến thức theo chuyên đề. Hai việc này phải song hành với nhau. Khi luyện đề, ngoài việc rèn kĩ năng, tốc độ, tâm lý làm bài cũng sẽ biết được phần nội dung kiến thức nào mình còn yếu, còn nhiều lỗ hổng để kịp thời bổ sung.
PV: Thưa thầy, để chuẩn bị cho bài thi tốt nghiệp THPT môn Vật lý, thí sinh cần lưu ý những phần kiến thức trọng tâm nào?
Thầy Lại Đắc Hợp: Các em cần ôn kỹ chương trình lớp 12, đặc biệt là 3 chương đầu lớp 12 gồm dao động cơ (7 câu), sóng cơ (6 câu), điện xoay chiều (8 câu) chiếm số lượng khoảng 50% số câu hỏi trong đề những năm trước đây. Phạm vi kiến thức khai thác trong đề rất rộng và đa dạng, đầy đủ các mức độ từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Với thí sinh mục tiêu đạt mức điểm khá có thể bỏ qua các phần kiến thức khó, các dạng bài vận dụng cao ở ba chương này. Với các em có mục tiêu điểm cao ngoài việc nắm chắc các kiến thức cơ bản, phải có sự va chạm, tích lũy, rèn luyện với các dạng bài vận dụng cao .
4 chương sau lớp 12 gồm dao động điện từ (3 câu), sóng ánh sáng (4 câu), lượng tử ánh sáng (4 câu), hạt nhân nguyên tử (4 câu) chiếm số lượng khoảng 40% số câu hỏi trong đề. Nội dung kiến thức ít hơn so với các chương đầu. Các câu hỏi chủ yếu rơi vào mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Số lượng câu hỏi lý thuyết chiếm khá nhiều nên các em cần nắm chắc, hiểu rõ bản chất để tránh việc làm sai lý thuyết.
Ở phần kiến thức lớp 11 có 4 câu ở mức độ nhận biết, thông hiểu chiếm khoảng 10% . Do năm lớp 11, những thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng phải học online dài ngày trong thời gian học kỳ 2, nên các câu hỏi có thể rơi vào chủ yếu ở ba chương trong học kỳ 1 lớp 11: điện tích điện trường, dòng điện không đổi, dòng điện trong các môi trường, phần kiến thức học kì 2 lớp 11 xuất hiện ít hơn.
Ngoài ra, các em cũng cần chú ý đến một số câu hỏi về thí nghiệm, xử lý sai số, hiện tượng thực tế ….
PV: Từ quá trình dạy và chấm bài thi thử của học sinh, theo thầy đâu là những nội dung/lỗi sai thường gặp của học sinh khi làm bài môn Vật lý, thưa thầy?
Thầy Lại Đắc Hợp: Học sinh hay bị mất điểm ở phần lý thuyết dù không quá khó, nhưng do lượng kiến thức khá nhiều dẫn tới học sinh hay quên và không nắm chắc, mất điểm đáng tiếc.
Nhiều em không đọc kĩ câu hỏi dẫn tới dùng sai công thức, quên không đổi đơn vị khi tính toán, tô đáp án không rõ ràng hoặc tô nhầm cột, nhầm hàng…
PV: Môn Vật lý được thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thầy có lưu ý gì với học sinh về phương pháp làm bài để đạt điểm cao, thưa thầy?
Thầy Lại Đắc Hợp: Do số lượng câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu chiếm khoảng 28-30 câu nên các em cần ưu tiên xử lý nhanh, gọn, chính xác phần này.
Thời gian làm các câu phần này tầm 15-20 phút. Sau khi làm xong hết các câu phần này các em dành khoảng 2 phút tô luôn đáp án toàn bộ các câu vào phiếu trả lời.
Khoảng 10-12 câu cuối các em quan sát nhanh, phân loại các câu hỏi. Với các câu quen thuộc, chắc chắn xử lý được ngay sẽ ưu tiên làm trước. Các câu khá quen, chưa xử lý được ngay nhưng có hướng để tiếp cận, các em nên cố gắng qua một vài bước biến đổi đưa về dạng toán quen thuộc. Đặc biệt không được dành quá nhiều thời gian cho 1 câu phần này. Nếu khoảng 2-3 phút chưa dứt điểm được câu hỏi nên dừng lại chuyển qua câu tiếp .
Các câu lạ, khó, đòi hỏi mức độ tư duy cao nên ưu tiên làm cuối cùng, sau khi đã xử lý hết các phần trên. Ưu tiên các phần gần với thế mạnh của mình làm trước.
Trong phần này các em làm xong câu nào tô luôn đáp án câu đó vào phiếu trả lời.
Đặc biệt, thí sinh chú ý dành 5 phút cuối để kiểm tra lại các câu dễ, các câu làm được trong khả năng của mình để tránh sai sót đáng tiếc hoặc tô nhầm đáp án.
Với mỗi câu hỏi khi đọc hãy cố gắng gạch chân từ khóa quan trọng và câu hỏi để tránh nhầm lẫn.
PV: Xin cảm ơn thầy!/.
(Theo báo điện tử VOV).