Thầy Trần Thế Hùng (trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) chỉ ra những lưu ý giúp thí sinh giành điểm ở hơn 10 câu chủ đề hàm số mũ - logarit hay tổ hợp - xác suất.
Phân tích đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cuối tháng 3, chủ đề hàm số mũ - logarit xuất hiện với 8 câu hỏi, đầy đủ mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao và phủ hầu hết nội dung kiến thức, nhưng không có các câu liên quan đến nội dung thực tế.
Các bài toán liên quan đến lũy thừa - mũ - logarit, hàm số mũ -logarit đa phần chỉ tiếp cận ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Để làm tốt các câu hỏi phần này, học sinh cần nắm vững kiến thức, công thức cơ bản về biến đổi, biểu diễn cũng như tìm tập xác định, tính đạo hàm một cách nhuần nhuyễn.
Bên cạnh đó, sử dụng máy tính cầm tay hỗ trợ các bài toán liên quan đến công thức hay biểu diễn mũ - logarit cũng là giải pháp phù hợp cho những bạn có thể quên hay chưa thực sự nhớ chắc chắn về công thức.
Thầy Trần Thế Hùng chụp ảnh kỷ yếu cùng học sinh cuối cấp.
Đối với các bài toán liên quan đến phương trình, bất phương trình mũ - logarit, học sinh cần nắm vững các dạng cơ bản cũng như phương pháp thường dùng như đưa về cùng cơ số, đặt ẩn phụ, phương pháp hàm số...
Các bài toán tham số sử dụng ẩn phụ liên quan đến định lý Viet cũng là nội dung các em cần chú ý bởi rất dễ nhầm lẫn trong điều kiện của ẩn phụ hay sử dụng giả thiết không hợp lý.
Với mức độ vận dụng và vận dụng cao, các câu hỏi có xu hướng liên quan đến nhiều biến số, có nhiều biến tấu trong xử lý các hàm đặc trưng cũng như cô lập tham số, chẳng hạn câu 48 mã 101 đề năm 2020 lần 1, câu 44 mã 102 đề 2020 lần 2.
Với dạng toán này, lời khuyên cho học sinh khá giỏi là nên rèn luyện kỹ càng, làm nhiều bài tập tương tự ở mức độ vận dụng cao để tăng cường kỹ năng nhận dạng các hàm đặc trưng được ẩn dấu trong đề bài và hình thành được kỹ năng, tư duy tổng hợp.
Với 3 câu hỏi, nội dung đại số của chương trình lớp 11 vẫn xoay quanh chủ đề tổ hợp, xác suất, nhị thức Niuton, cấp số. Các bài toán thường ở mức độ nhận biết, thông hiểu và học sinh chỉ cần hiểu rõ khái niệm cũng như nhớ công thức là có thể vận dụng giải quyết được.
Riêng năm nay, ở đề minh họa, nội dung câu xác suất có phần nhẹ nhàng hơn những năm trước, nhưng các em cũng cần cẩn thận bởi câu xác suất có nhiều yếu tố gây nhiễu, rất dễ tính nhầm. Việc phân tích kỹ bài toán sẽ giúp các em tránh được những lỗi dạng này.
(Theo Vnexpress).