Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Những sai lầm kinh điển trong ôn thi môn Sinh tốt nghiệp THPT 2021.

Cập nhật 18/04/2021 - 10:45:46 AM (GMT+7)

Một trong những sai lầm kinh điển của học sinh khi ôn thi tốt nghiệp THPT đó là ưu tiên luyện đề thi thử trong khi không tự tổng ôn kiến thức.

Đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố vào cuối tháng 3 với một số kiến thức trọng tâm cần lưu ý.

Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã chỉ ra những kiến thức mà học sinh cần lưu ý, cũng như phương pháp ôn thi hiệu quả đối với môn Sinh học. Từ đó, học sinh có thể sẵn sàng bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

 


Phổ điểm môn Sinh học thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

 

Những kiến thức trọng tâm cần lưu ý

Theo nhận định của thầy Đinh Đức Hiền, cấu trúc đề thi đã có sự thay đổi về tỉ trọng câu hỏi so với năm 2020 về kiến thức giữa lớp 11, lớp 12 và giữa các học kỳ. Cụ thể, số câu hỏi lớp 11 giảm xuống còn 4 câu (chiếm 10%), lớp 12 là 36 câu (chiếm 90%). Tỉ lệ câu hỏi thuộc kì 2 lớp 12 cũng đã tăng lên đáng kể.

"Mặc dù có sự thay đổi về tỉ trọng câu hỏi giữa các phần kiến thức nhưng do mục đích chính của kỳ thi là xét tốt nghiệp, một phần là cơ sở để các trường đại học làm căn cứ tuyển sinh, nên cấu trúc đề thi tham khảo vẫn có 70% số câu hỏi mức độ nhận biết, thông hiểu và 30% số câu hỏi vận dụng đến vận dụng cao.", thầy Hiền cho biết.

Bên cạnh đó, phần lý thuyết vẫn chiếm số điểm cao nhất (khoảng 6,5 điểm) với các câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Phần lý thuyết của bài thi môn Sinh tập trung chủ yếu vào 4 phần: Cơ chế di truyền và biến dị (5 câu), Tiến hóa (6 câu), Sinh thái (7 câu), Chuyển hóa vật chất và năng lượng ở Thực vật và Động vật (4 câu). Chính vì vậy, học sinh muốn đạt điểm cao thì lý thuyết phải rất chắc.

Phần bài tập chiếm khoảng 3,5 điểm với kiến thức nằm trọn vẹn trong phần Di truyền học, chủ yếu thuộc chuyên đề Quy luật di truyền. Theo đó, học sinh nên tập trung vào các bài toán về Quy luật di truyền để có thể đạt được điểm 8-9. Các câu hỏi để lấy điểm 9-10 nhằm phân hóa học sinh sẽ là các bài toán tích hợp Quy luật di truyền, Di truyền phả hệ thuộc mức độ vận dụng cao.

Phương pháp ôn luyện môn Sinh hiệu quả

Ở giai đoạn này, học sinh cần tiến hành song song giữa tổng ôn và luyện đề. Trước hết, các em nên ưu tiên tổng ôn theo từng chuyên đề, tự mình hệ thống lại kiến thức theo sơ đồ tư duy. Điều này sẽ giúp học sinh hệ thống các kiến thức một cách bài bản, có cái nhìn tổng quát và chi tiết mỗi phần kiến thức.

Đồng thời, học sinh nên làm các dạng bài từ dễ đến khó theo từng chủ đề (ít nhất 50 câu). Việc làm liên tục bài tập về một chủ đề như vậy sẽ giúp học sinh giải nhuần nhuyễn từng dạng bài, tăng dần mức độ phản xạ.

"Mấu chốt của việc luyện tập là độ lặp lại đủ lớn chứ không phải làm nhiều bài tập về nhiều dạng khác nhau một cách ngẫu nhiên", thầy Hiền nhấn mạnh.

Từ đó, thầy Hiền chỉ ra một trong những sai lầm kinh điển của học sinh đó là ưu tiên luyện đề thi thử trong khi không tự tổng ôn kiến thức. Do vậy, các em học sinh cần chú ý, đề thi thử chỉ như một tấm gương phản chiếu, soi lại kiến thức đã có của mình, cốt lõi vẫn là tổng ôn lại theo từng chuyên đề.

Việc luyện đề cần tiến hành song song với ít nhất 1 đề/môn/tuần để tăng cường kỹ năng làm bài và chuẩn bị tâm lý cho kì thi. Học sinh có thể tự tăng áp lực làm đề bằng cách rút ngắn thời gian đi 5, 10 phút so với thi thật hoặc mở nhạc trong lúc luyện đề để rèn khả năng sự tập trung.

Trong giai đoạn còn 1 tháng để ôn thi, ngoài việc tăng cường làm đề, học sinh cũng nên ưu tiên đọc lại sách giáo khoa. Đây sẽ là chìa khóa vàng giúp học sinh đạt điểm cao. Thực chất, chiếc chìa khóa này bị không ít học sinh bỏ quên để chạy theo những phần kiến thức khó.

Những điều cần lưu ý để đạt kết quả cao

Nhiều thí sinh có tâm lý chủ quan, đọc rất nhanh những câu nhận biết, thông hiểu, đặc biệt là lý thuyết, chọn đáp án đúng, sai dẫn đến mất điểm oan khá nhiều. Việc đọc lướt, không gạch chân những từ quan trọng trong câu hỏi dễ khiến học sinh trả lời sai.

Sở dĩ như vậy vì lý thuyết môn Sinh rất đa dạng, đôi khi khá trừu tượng. Sinh học cũng là một môn khoa học, do đó, khi khẳng định hay phủ định vấn đề luôn cần phải có điều kiện đi kèm. Chính vì thế, học sinh cần chú ý các từ như "tất cả, luôn, mọi, không thể, chỉ, có thể, đều…" trong câu hỏi và câu trả lời, và cần chú ý đề bài yêu cầu chọn đáp án đúng hay sai.

Thầy Hiền cũng đưa ra một số ví dụ dưới đây:

Ví dụ 1: (Đề tham khảo THPT 2021): Cho chuỗi thức ăn: Cây lúa → Sâu ăn lá lúa → Ếch đồng → Rắn hổ mang → Diều hâu. Trong chuỗi thức ăn này, sinh vật nào thuộc nhóm sinh vật tiêu thụ bậc 3?

A. Diều hâu. B. Ếch đồng. C. Sâu ăn lá lúa. D. Rắn hổ mang.

Ở câu hỏi này, đề bài yêu cầu tìm sinh vật tiêu thụ bậc 3, học sinh sẽ đọc lướt nhanh và chọn ngay "Ếch đồng" theo thứ tự số 3 trong chuỗi thức ăn và đây là câu trả lời sai. Lúc này học sinh đã nhầm giữa bậc dinh dưỡng và bậc sinh vật tiêu thụ. Bậc dinh dưỡng tính bắt đầu tính từ sinh vật "cây lúa". Bậc sinh vật tiêu thụ lại bắt đầu tính từ "Sâu ăn lá lúa". Do đó đáp án câu hỏi này là "Rắn hổ mang" (đáp án D), do đó khi đọc câu hỏi cần gạch chân vào cụm từ "sinh vật tiêu thụ bậc 3".

Ví dụ 2: (THPTQG 2019) Khi nói về đột biến gen, phát biểu nào sau đây sai?

A. Đột biến thay thế 1 cặp nuclêôtit có thể không làm thay đổi tỉ lệ (A + T)/(G + X) của gen.

B. Đột biến điểm có thể không gây hại cho thể đột biến.

C. Đột biến gen có thể làm thay đổi số lượng liên kết hiđrô của gen.

D. Những cơ thể mang alen đột biến đều là thể đột biến.

Đây là một câu hỏi về phần cơ chế di truyền và biến dị, thuộc nội dung đột biến gen. Học sinh cần gạch chân các từ quan trọng ở cả 4 đáp án là từ "có thể" và "đều". Ở đây học sinh chỉ cần chỉ ra 1 trường hợp đúng ở đáp án A, B, C thì đây sẽ là phương án đúng và một trường hợp không đúng ở đáp án D thì phương án này là sai. Yêu cầu của đề bài là chọn đáp án Sai.

+ Đáp án A: đột biến thay thế cặp A-T thành cặp T-A sẽ không làm thay đổi tỉ lệ (A + T)/(G + X) của gen.

+ Đáp án B:đột biến điểm nếu không làm thay đổi axit amin thì không gây hại cho thể đột biến.

+ Đáp án C: đột biến thay cặp A-T bằng cặp G-X sẽ làm tăng số liên kết hidro.

+ Đáp án D: nếu alen đột biến là lặn, cơ thể dị hợp mặc dù mang alen đột biến nhưng không biểu hiện kiểu hình nên không được gọi là thể đột biến.

Vậy đáp án sai là câu D

Về mặt tâm lý, giai đoạn 3 tháng trước kỳ thi là vô cùng quan trọng với các em học sinh 12. Đây là giai đoạn các em rất dễ bị căng thẳng và xao động vì môi trường học tập xung quanh. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn có thể tăng điểm số bất ngờ nhất.

"Để đạt mục tiêu cao trong kì thi, các em cần có một lộ trình tổng ôn và luyện đề rõ ràng, nghiêm túc và kỉ luật, thực hiện theo kế hoạch đã đưa ra, thật nghiêm khắc với chính bản thân. Hạn chế tối đa sử dụng internet, mạng xã hội để giải trí, không nên để ảnh hưởng bởi các thông tin sai lệch về kì thi.

Quan trọng nhất là các em tin tưởng chính bản thân mình, tin rằng mình chắc chắn sẽ làm được điều đó, đồng thời nỗ lực hết mình vì mục tiêu đó", thầy Hiền dành lời khuyên cho các sĩ tử chuẩn bị bước vào kì thi tốt nghiệp THPT 2021.

Ngoài ra, các em học sinh cần chú ý nghỉ ngơi và có chế độ ăn uống, thể dục hợp lý để bộ não và toàn bộ cơ được nghỉ ngơi, phục hồi. Qua đó giúp các em luôn giữ được tinh thần thoải mái và tỉnh táo để ôn luyện hiệu quả.

(Theo Báo điện tử Dân Trí).


Tin Nổi Bật