Một số video ghi lại cảnh nhóm thầy giáo ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 2 Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu phải lao đèo đến gãy xe máy hoặc lội suối lũ cuồn cuộn để cõng học sinh đến trường ngày khai giảng đang gây xúc động mạnh cho cộng đồng mạng.
Thầy và xe lao vực
Trong video, hình ảnh các thầy giáo lội suối trong cơn lũ cuồn cuộn cõng từng em học sinh đến trường. Cùng với đó là hình ảnh một số thầy phải vật lộn với những cung đường kinh hoàng, trơn tuột, thậm chí có lúc cả người và xe đều lao vút xuống vực sâu khiến xe máy gãy tan tành… khiến nhiều người xúc động mạnh.
Chia sẻ với PV Dân trí, thầy Hoàng Văn Trường, người có mặt trong clip cõng học sinh qua suối cho biết, video trên đúng là của các giáo viên thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 2 Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu. Thầy chính là người cõng gần chục em học sinh qua suối Pá Sập (thuộc xã Nậm Pì) ở trong video đó.
Sự việc trên diễn ra vào ngày 4/9, khi trên đường giáo viên đón học sinh từ các điểm lẻ về điểm trường chính dự khai giảng và theo lớp bán trú. Cụ thể, theo chỉ đạo và phân công của nhà trường, để chuẩn bị cho ngày khai giảng, vào 8h sáng mùng 3/9, một nhóm gồm 10 thầy giáo ở điểm trường chính phải đích thân đến các bản để đón học sinh về điểm trường chính.
Trong số 4 điểm lẻ của Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 2 Nậm Hàng, có 2 điểm trường lẻ là Lồng Ngài và Nậm Lay nằm cách điểm trường chính 105km. Do đó, hai năm trở lại đây, nhà trường tổ chức giáo viên đến vận động và đón học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 về điểm trường chính để học bán trú. Những học sinh từ lớp 3 trở xuống sẽ ở lại bản.
Thầy Trường cõng học sinh qua suối sâu
Thầy Trường cho biết, do quãng đường 105km này có đến 25km đường rừng rất phức tạp, có vực sâu và suối chảy xiết nên trừ phi có giáo viên hoặc người nhà đưa đón, các em mới về trường chứ không thể tự đi được.
“Đoạn 25km đường rừng này đi bộ còn nhanh hơn vì chúng tôi đi trong vòng 5 tiếng mới qua được. Chúng tôi đi từ 8h sáng mùng 3/9, cả hỏng xe dọc đường, mãi đến 8h tối mới đến được hai điểm trường lẻ Lồng Ngài và Nậm Lay. Thậm chí có nhiều đoạn, chúng tôi phải để cả người lẫn xe trôi dốc tự do như kiểu trượt patin, không thể dùng phanh vì đường quá dốc và trơn trượt. Một thầy giáo cũng bị trượt đèo, gãy cả càng xe nhưng may mắn người không bị gì. Chúng tôi phải vứt xe ở một điểm trường lẻ, nhờ gọi người mang phụ tùng đến thay thế rồi đi tiếp”, thầy Trường cho biết.
Chỉ mô tả được 1/10 nỗi cơ cực
Được biết, thầy Trường (sinh năm 1983) hiện đang là Tổng phụ trách đội của Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 2 Nậm Hàng. Đây là năm thứ hai thầy theo đoàn giáo viên đưa đón học sinh về trường học bán trú.
Trao đổi với PV Dân trí, cô Vũ Thị Tố Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trong 5 điểm trường, ngay cả điểm trường chính còn thiếu phòng học. 4 điểm trường lẻ còn lại chỉ là trường tranh tre, nứa lá tạm bợ vì không có điều kiện để xây dựng.
Hiện, toàn trường có 327 học sinh/37 cán bộ và giáo viên. Để chuẩn bị cho năm học mới, nhà trường đã tham mưu với các cấp ủy chính quyền sẽ đầu tư và bổ sung sửa chữa cơ sở vật chất, cụ thể như chuẩn bị đủ về nhà ở bán trú để đưa các em học sinh lớp 3, 4, 5 các điểm trường lẻ về điểm trường trung tâm học.
Các thầy giáo nhai tạm mì tôm sống trong khi chờ người đến sửa xe
Hiện tại số phòng học và nhà ở bán trú đã ổn định nhưng các điểm lẻ còn quá cơ cực. Nhà trường cũng đã tích cực làm tốt công tác xã hội hóa như kêu gọi các nhà từ thiện ủng hộ các em về đồng phục. Hiện tại nhà trường đã nhận được hơn 300 bộ quần áo đồng phục để các em đón năm học mới. Tuy nhiên, về sách vở, các em còn quá thiếu thốn nên nhà trường đang tiếp tục kêu gọi hỗ trợ.
“Video trên đây chỉ phản ánh được 1/10 nỗi cơ cực của trường chúng tôi mà thôi. Mặc dù làm quản lý nhưng năm ngoái, tôi cũng là một trong những thành viên đích thân lội suối, lao đèo để vận động và đưa các em về học bán trú. Ngay khi đoàn thầy Trường lên đường hôm 3/9, nghe thông tin có người bị lao vực, tôi đã lo lắng đến mất ăn mất ngủ. May không có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra”, cô Hoa cho hay.
Cũng theo cô Hoa, thầy cô ở miền núi hầu như rất ít thời gian chăm sóc gia đình do học sinh quá vất vả khi theo học nên giáo viên không những dạy chữ mà còn phải dạy kĩ năng sống cho các em như: Lo cái ăn, cái mặc cho học sinh; Lo chạy xin cả quần áo và giày dép….
“Ngay sau khi sự việc giáo viên trèo đèo, lội suối đưa học sinh đến trường được đưa lên mạng xã hội, một số nhà hảo tâm có đặt vấn đề sẽ hỗ trợ để xây một chiếc cầu ở con suối này. Tuy nhiên, hiện tại vẫn đang chỉ là dự kiến chứ nhà trường chưa biết có kế hoạch cụ thể nào”, cô Hoa nói.
(Theo Báo Dân Trí)