Cảnh nghèo, thân phận côi cút, bệnh tật và thậm chí cả bị lạm dụng tình dục cũng không thể quật ngã được những người có ý chí mạnh mẽ. Vượt qua nghịch cảnh, từ tay trắng họ thành tỷ phú hàng đầu thế giới.
Khi được hỏi về việc tại sao những người này có thể vượt qua những thách thức từ khi còn rất trẻ, Jim Ellis, giảng dạy môn doanh nghiệp tại trường Đại học Stanford nói: "Có những con người, trong những thời điểm nào đó ở vào thế không còn gì để mất. Lúc đó, quyết tâm vươn lên, thậm chí sự sẵn sàng mạo hiểm của họ cao hơn người có hoàn cảnh bình thường rất nhiều".
10 tỷ phú được Forbes liệt kê làm đại diện tiêu biểu cho các tấm gương vượt qua nghịch cảnh, làm giàu từ tay trắng:
Khi sinh Larry Ellison vào năm 1944, mẹ ông vẫn là một trẻ vị thành niên. Do đó, bà phải gửi Larry đến ở với cô bác ở Chicago và sau đó những người này nhận luôn Larry Ellison làm con nuôi. Ông không biết sự thật về bố mẹ đẻ cho đến tận lúc ông 48 tuổi. Bố mẹ nuôi của ông chỉ là những công chức bình thường. Sau khi mẹ nuôi mất, Larry Ellison bỏ ngang trường đại học. Đến năm 1977, ông thành lập công ty phần mềm Oracle bằng toàn bộ tài sản mà ông có lúc đó là 1.400 USD. Ngày nay, Oracle trở thành một trong những công ty phần mềm lớn nhất thế giới. Hồi năm ngoái, với mức lương thưởng 130 triệu USD, Larry Ellison trở thành CEO được trả lương cao thứ 2 nước Mỹ. Ngoài ra, ông còn là người ham mê thể thao, cùng từng đồng đội đoạt cúp vô địch trong cuộc đua thuyền America’s Cup. Ảnh: Courtesy Luxottica
Sinh ra tại Trung Quốc vào năm 1928, gia đình Li Ka-shing chuyển đến Hong Kong vào 1940. Sau khi cha ông qua đời vì bệnh lao, Li Ka-shing phải bỏ học năm 15 tuổi vì nhà quá nghèo. Sau đó, ông làm việc trong nhà máy sản xuất nhựa. Đến tuổi trưởng thành, ông bắt tay vào công việc kinh doanh, tự mình sản xuất các loại hoa nhựa và xuất sang Mỹ. Ngày nay, Li Ka-shing có trong tay hai đế chế là Cheung Kong và Hutchison Whampoa, tham gia vào nhiều lĩnh vực từ cảng biển, dầu mỏ và khí gas, điện năng, bán lẻ. truyền thông và bất động sản. Từ một đứa bé nghèo khổ, nay ông vươn lên thành người giàu thứ 14 thế giới. Quá khứ cơ cực khiến Li Ka-shing có lòng cảm thông sâu sắc với những người nghèo. Cho đến nay, ông đã đóng góp 1,45 tỷ USD cho công tác giáo dục và y tế.
Tỷ phú Hong Kong Li Ka-shing, nói: "Ký ức thời thơ ấu đau buồn nhất của tôi là khi chứng kiến bố ngày chết dần chết mòn vì bệnh lao. Chính bản thân tôi cũng bị lây bệnh. Gánh nặng đói nghèo ngày càng đè nặng lên vai đứa trẻ 15 tuổi. Cay đắng hơn, tôi không thể nào quên sự ghẻ lạnh của những người xung quanh do họ sợ bị lây bệnh. Tôi từng tự hỏi liệu có thể thay đổi số phận mình? Liệu tôi có thể vươn lên bằng những kế hoạch vạch ra cho cuộc đời thật tỉ mỉ?". Ảnh: AP
Bố mẹ của nhà tài phiệt Nga này lần lượt qua đời khi ông mới lên 4. Sau đó, Roman Abramovich được những người họ hàng đón về nuôi nấng. Sau khi trải qua một khóa huấn luyện quân ngũ, ông tham gia thị trường chợ đen, bán các sản phẩm như đồ nhựa, nước hoa, kem đánh răng. Dần dần, Abramovich ngày càng dấn sâu vào thương trường với những phi vụ làm ăn đầy tranh cãi. Ngày nay, Roman Abramovich trở thành một trong những tỷ phú nổi tiếng nhất thế giới. Ông có trong tay câu lạc bộ bóng đá Chelsea, chiếc du thuyền lớn nhất thế giới. Sau 2 lần ly dị, Abramovich hiện sống với người bạn gái Dasha Zhukova. Hồi tháng 12 vừa rồi, người bạn gái này đã sinh cho tỷ phú Nga người con thứ 6. Ảnh: Newscom
4. Leonardo Del Vecchio - 10,5 tỷ USD
Leonardo Del Vecchio sớm mồ côi cha, qua đời 5 tháng trước khi ông ra đời vào năm 1935 tại Italy. Người mẹ góa bụa không đủ tiền để nuôi nấng 5 đứa con nên phải gửi ông vào trại trẻ mồ côi. Khi lớn lên, Leonardo Del Vecchio làm việc trong một xưởng sản xuất gọng kính. Đến tuổi 23, ông mạnh dạn mở một cửa hiệu riêng bán gọng kính do tự mình sản xuất. Đến năm 167 khi 32 tuổi, ông bắt đầu bán những sản phẩm kính hoàn chỉnh, mang thương hiệu Luxottica. Đến năm 1981, công ty mở đại lý đầu tiên tại nước ngoài ở Đức. Sự kiện này mở đầu cho quá trình phát triển nhanh chóng của hãng. Ngày nay, thương hiệu Luxottica của ông là một trong những nhà sản xuất kính mắt lớn nhất thế giới với những nhãn hiệu như Ray-Ban, Oakley. Hiện nay, Leonardo Del Vecchio là người giàu thứ 2 tại Italy. Ảnh: Credit
Sinh ra là trẻ mồ côi năm 1955, Steve Jobs được một cặp vợ chồng không mấy khá giả tại California nhận về làm con nuôi. Đến tuổi đi học đại học, ông vào trường Reed College nhưng sau đó đành bỏ ngang vì không đủ tiền đóng học phí. Mặc dù vậy, ông vẫn quyết tâm theo đuổi học hành bằng cách tham gia các lớp dự thính. Đến năm 1976, thương hiệu Apple đã ra đời trong garage xe của gia đình Steve Jobs. Trải qua nhiều thăng trầm, thậm chí có lần bị sa thải khỏi công ty do chính mình thành lập, cuối cùng Steve Jobs cũng được cả thế giới thừa nhận khi ông biến Apple thành người tiên phong với những sản phẩm công nghệ đột phá như iPod, iPhone, iPad. Ảnh: Reuters
Sinh năm 1944, John Paul DeJoria từ nhỏ đã sống cảnh nghèo khổ với người mẹ độc thân. Ông từng tìm mọi cách để giúp đỡ mẹ phần nào như đi bán bưu thiếp, bán báo. Nhưng cuối cùng, bà mẹ vẫn gửi ông vào trại trẻ mồ côi do không đủ tiền nuôi con. Khi lớn lên, John Paul DeJoria trải qua một thời kỳ dài không nhà cửa, sống trong chiếc ôtô cũ rách, bán các sản phẩm chăm sóc tóc giao tận nhà để kiếm sống. Vào năm 1980, sau khi tích cóp được 700 USD, John Paul DeJoria hùn vốn khai trương một nhãn hiệu sản phẩm chăm sóc tóc. Ngày nay, thương hiệu John Paul Mitchell Systems mang lại doanh thu trên dưới 1 tỷ USD mỗi năm. Ngoài ra, hiện ông còn tham gia nhiều lĩnh vực khác như kinh doanh rượu, kim cương. Ngày nay, ông là vị khách mời quen thuộc của thế giới giải trí, thường xuyên xuất hiện trên các thảm đỏ trước ánh đèn của paparazzi. Ảnh: Newscom. (Xem thêm: Lòng nhiệt tình).
Sinh năm 1952 tại Ấn Độ, ông tìm đường tới Anh để học kế toán với hy vọng đổi đời. Tuy nhiên, do không có tiền tiếp tục việc học, Micky Jagtiani đành bỏ ngang và đi làm đủ mọi nghề từ lái taxi đến lau chùi phòng khách sạn ở London. Tai họa giáng xuống đầu ông liên tiếp sau đó khi người anh trai duy nhất, cha và mẹ lần lượt qua đời ở Ấn Độ. Mới 21 tuổi nhưng Jagtiani đã trở thành người bơ vơ, không gia đình. Sau khi anh trai qua đời, ông trở về quốc gia vùng Vịnh Bahrain để tiếp quản cửa hàng bán lẻ của người Anh, đồng thời dùng số tiền thừa kế 6.000 USD để mở rộng công việc làm ăn. Ngày nay, Micky Jagtiani có trong tay cả một đế chế bán lẻ Landmark Internationala trị giá 2,5 tỷ USD đặt trụ sở tại Dubai. Hiện nay, ông là người giàu thứ 21 tại Ấn Độ, sống hạnh phúc cùng vợ và hai người con. Ảnh: The Hindu
Guy Laliberte sinh ra tại thành phố Quebec năm 1959. Thời trẻ, ông từng làm việc trong gánh xiếc, làm diễn viên đi cà kheo, đóng chú hề. Đến năm 1984, ông cùng với người bạn diễn chung thành lập gánh xiếc Cirque du Soleil. Đến năm 1991, số phận mỉm cười với Guy Lalibertekhi ông trùm ngành cờ bạc Steve Wynn đưa gánh xiếc đến biểu diễn tại Las Vegas. Kể từ đó, ông mở rộng công việc kinh doanh và biến Cirque du Soleil ngày nay thành một công ty giải trí tầm cỡ. Ảnh: Forbes
Oprah Winfrey cũng có một người mẹ là trẻ vị thành niên và sống với bà ngoại sau khi được sinh ra. Lúc nhỏ Oprah nghèo đến nỗi thường phải mặc quần áo may từ bao tải đựng khoai tây. Mặc dù vậy, bà ngoại đã dạy Oprah biết đọc từ năm 3 tuổi. Đến năm 6 tuổi, Oprah chuyển đến sống với mẹ tại Wisconsin. Theo lời kể của Oprah sau này, từ lúc 9 tuổi, bà đã trở thành nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục, có thai năm 14 tuổi nhưng đứa con nhanh chóng qua đời sau đó. Tuy nhiên, số phận đã không đánh gục được Winfrey. Tại trường, cô quyết tâm học hành để thoát nghèo, trở thành nữ sinh danh dự của trường. Tốt nghiệp trung học, Oprah Winfrey giành được học bổng toàn phần vào Đại học Tennessee State, ngành truyền thông. Năm 1983, Oprah Winfrey nhận vai trò dẫn talkshow AM Chicago, đưa nó từ một chương trình bị xếp hạng bét về số lượng người xem lên xếp hạng đầu. Sau đó, talkshow này được đổi tên thành The Oprah Winfrey Show, phát sóng toàn thời gian trên phạm vi cả nước từ năm 1986. Ngày nay, bà được mệnh danh là Nữ hoàng truyền hình Mỹ. Ảnh: Reuters
Trước khi trở thành một nữ văn sĩ kiếm tiền tỷ như hiện nay, J.K. Rowling từng phải sống nhờ tiền trợ cấp xã hội. Trong những ngày cơ cực đó, từ chiếc máy đánh chữ cũ kỹ bà đã miệt mài viết nên cuốn sách Harry Porter và hòn đá phù thủy, hoàn thành năm 1995. Tuy nhiên, mất tới cả năm sau cuốn sách vẫn chưa ra mắt công chúng do bị 12 nhà xuất bản từ chối. Đó là thời kỳ bà trở nên bế tắc và từng nghĩ đến chuyện tự tử. Cuối cùng, đứa con gái 8 tuổi của Chủ tịch nhà xuất bản Bloomsbury tỏ ra thích thú với bản thảo, khiến ông này đồng ý xuất bản cuốn sách. Mặc dù vậy, ông cảnh báo Rowling rằng ít có khả năng thu lợi được từ nó và chỉ xuất bản 1.000 cuốn. Tuy nhiên, cuốn sách lại liên tiếp gặt hái được hàng loạt giải thưởng. Hãng Warner Bros mua bản quyền làm phim vào năm 1998 và bộ phim đầu tiên ra đời vào năm 2001. Với những thắng lợi đầu tiên, bà sáng tác liên tiếp 7 phần tiếp theo. Tiền tác quyền từ xuất bản sách và bộ phim đã biến nữ văn sĩ thành tỷ phú như hiện nay. (Ảnh: Newscom).