Điều đáng ngại là những thói quen này không gây ra hậu quả tức thì những nó sẽ ảnh hưởng lâu dài trên con đường thăng tiến sự nghiệp của bạn!
Có rất nhiều bài viết phân tích các thói quen của những người rất thành công. Nhưng còn những người dễ thất bại thì sao? Dưới đây là 5 thói quen của những người khó thăng tiến lên trong công việc.
1. Họ đang làm việc chăm chỉ chứ không phải thông minh
Tại nơi làm việc, có một đồng nghiệp đến văn phòng sớm trước những người khác và anh ta cũng vẫn ngồi trên bàn làm việc sau khi mọi người đã tan làm. Anh ta đã làm việc chăm chỉ nhưng sự nghiệp vẫn không thể đi lên.
Có quá nhiều người nghĩ rằng họ cần phải bỏ ra nhiều giờ hơn để thành công, nhưng các nghiên cứu cho thấy điều đó không đúng .
Giáo sư kinh tế John Pencavel của Stanford phát hiện ra rằng năng suất mỗi giờ giảm mạnh khi một người làm việc tối đa 50 giờ mỗi tuần. Và những hiệu quả công việc của những người dốc sức làm việc trong 70 giờ mỗi tuần cũng chỉ tương đương với những những người bỏ ra 55 giờ.
Chìa khóa thành công là làm việc thông minh hơn chứ không phải mù quáng làm việc chăm chỉ. Điều này chỉ khiến bạn mệt mỏi hơn mỗi ngày.
2. Họ lãng phí thời gian trên mạng xã hội
Nhiều năm trước, các nhà lãnh đạo chỉ phải để mắt đến việc sử dụng máy tính không phù hợp hoặc không đúng nhiệm vụ. Giờ đây, mối đe dọa của mất tập trung không chỉ giới hạn ở đó, nó còn nằm ở trong túi mỗi người.
Shapiro nói: "Mạng xã hội là một thủ phạm của năng suất công việc đi xuống. Việc kiểm tra các thông báo trên xã hội cá nhân đã trở thành thói quen và quan trọng không kém việc kiểm tra email cá nhân, chúng ta cần phải có một ranh giới rõ ràng".
Nghiên cứu cho thấy nhân viên lãng phí gần như toàn bộ ngày làm việc (ít hơn 8 giờ) mỗi tuần cho các hoạt động không liên quan đến công việc, chủ yếu là trên thiết bị di động.
3. Họ lạm dụng các "đặc quyền"
Đồng nghiệp của bạn được cho là "làm việc tại nhà", nhưng Instagram Story của cô ấy tiết lộ rằng cô ấy thực sự đang tụ tập với bạn bè.
Vấn đề này không còn quá xa lạ, đặc biệt là khi nhiều doanh nghiệp cho phép nhân viên từ xa kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ.
Làm việc tại nhà có thể là một cách thức mới vời cho phép nhân viên tự do thiết lập lịch trình của riêng họ, nhưng đi kèm với sự tự do đó lại là trách nhiệm và kỷ luật cá nhân để hoàn thành công việc.
Nhiều người tận dụng cơ hội này để làm thêm những việc khác nhưng đây là một sai lầm lớn.
Lars Sudmann, chuyên gia về điều hành và diễn giả lãnh đạo cho biết: "Một khi những hành vi này được ban quản lý và các thành viên trong nhóm chú ý, nó có thể gây bất lợi cho triển vọng nghề nghiệp tương lai của bạn. Dù làm việc từ xa nhưng yêu cầu công việc không đổi, bởi vậy nếu bạn để chất lượng làm việc của mình tụt giảm, bạn sẽ là người bị bỏ lại phía sau".
4. Họ đang để "cái tôi" cản trở
Không ít người khi đi làm đặt mục tiêu cho bản thân là chứng minh bản thân vượt trội và mình không bao giờ sai.
Sự tự tin là một điều tuyệt vời có thể giúp bạn thành công trong sự nghiệp. Tuy nhiên, có một "ý thức" quá cao về bản thân có thể phản tác dụng, đặc biệt là trong thị trường phát triển nhanh chóng ngày nay.
Sudmann nói: "Đây là một sai lầm phổ biến và thói quen xấu khó có thể sửa chữa được. Nếu bạn không lắng nghe phản hồi để trở nên tốt hơn, bạn sẽ tự giới hạn mình".
Những người bảo thủ, không cởi mở đón nhận các chiến lược mới và lắng nghe những ý tưởng mới đang tự kìm hãm sự phát triển nghề nghiệp của chính mình.
5. EQ thấp
Khi trách nhiệm của bạn tăng lên, áp lực và yêu cầu của công việc cũng tăng theo. Giữ bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc và tỉnh táo trước mọi khủng hoảng là thách thức đối với nhiều người. Các nhà tuyển dụng hiện nay mong đợi nhân viên của mình xử lý những tình huống phát sinh một cách suôn sẻ và bình tĩnh.
Trong thời đại mới, IQ không phải là ưu tiên hàng đầu mà thay vào đó là EQ. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm bắt được điều này và trang bị đủ cho bản thân.
(Theo Kênh thông tin kinh tế - tài chính Việt Nam).