Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Tin Tức Các Báo

10 sự kiện giáo dục - khuyến học nổi bật năm 2011

Cập nhật 29/12/2011 - 08:36:03 AM (GMT+7)
15 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam; phụ cấp thâm niên cho hơn 1 triệu nhà giáo từ 1/9/2011; Bộ GD-ĐT bác kiến nghị bỏ điểm sàn tuyển sinh ĐH...nằm trong số những sự kiện giáo dục nổi bật năm 2011 theo bình chọn của Dân trí.

15 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam

Thành lập ngày 2/10/1996, trải qua 15 năm tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục, Hội Khuyến học Việt Nam đã có nhiều thành tích đáng kể. Trong 15 năm qua, các quỹ khuyến học trong toàn quốc đã xuất trên 10.000 tỷ đồng cho hơn 10 triệu suất học bổng và phần thưởng cho HS, SV, giáo viên. Hàng năm có tới trên 3 triệu HS, SV được nhận học bổng hoặc tiền thưởng từ các loại hình quỹ khuyến học.

Tại buổi lễ trọng thể lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (02/10/1996 - 02/10/2011), lần đầu tiên Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam trao tặng tặng Giải thưởng Khuyến học Việt Nam tới các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học.

Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2011 vinh danh anh tài

Từ năm 2005, khởi nguồn là một cuộc thi trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và truyền thông, đến nay, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt (NTĐV) đã phát hiện và tôn vinh nhiều tài năng không chỉ trong lĩnh vực CNTT-TT mà còn trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Y dược.

Tối 20/11/2011, tại buổi lễ trao giải NTĐV năm thứ 7, Giải thưởng NTĐV đã tôn vinh những cá nhân và tập thể tài năng trong 3 lĩnh vực gồm CNTT, Khoa học tự nhiên và Y dược. Theo đó, Giải thưởng Khoa học Tự nhiên Việt Nam thuộc về 2 nhà vật lý hàng đầu Việt Nam là GS.TS Trần Đức Thiệp và GS.TS Nguyễn Văn Đỗ - Viện Vật lý, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam với công trình “Nghiên cứu cấu trúc hạt nhân và các phản ứng hạt nhân”. Hai Giải thưởng NT ĐV trong lĩnh vực Y dược được trao tới nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức với công trình “Nghiên cứu triển khai ghép gan, thận, tim lấy từ người cho chết não” và Hội đồng ghép tim Bệnh viện Trung ương Huế với công trình nghiên cứu “Triển khai ghép tim trên người lấy từ người cho chết não”. Giải thưởng NT ĐV lĩnh vực CNTT được trao tới các hệ thống sản phẩm đã ứng dụng thực tế và hệ thống sản phẩm có tiềm năng ứng dụng. Trong đó, giải thưởng cao nhất của NT ĐV 2011 là sản phẩm “Dịch vụ Thông tin và Tri thức du lịch ứng dụng cộng nghệ ngữ nghĩa - iCompanion” của nhóm tác giả SIG, đây là hệ thống thông tin đầu tiên ứng dụng công nghệ ngữ nghĩa trong lĩnh vực du lịch.
 
Nhóm tác giả SIG nhận giải Nhì Nhân tài đất Việt 2011 ở hệ thống sản phẩm có tiềm năng ứng dụng.
 
Phụ cấp thâm niên cho hơn 1 triệu nhà giáo từ 1/9/2011

Từ hôm 1/9/2011, vào đúng dịp khai giảng năm học 2011-2012, chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo theo Nghị định số 54/2011/NĐ-CP được thực thi. Khi được hưởng phụ cấp thâm niên, ước tính thu nhập của nhà giáo bình quân tăng khoảng 465.000 đồng/người/tháng.

Theo ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD-ĐT, chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo tiếp tục cụ thể hóa, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đối với ngành giáo dục.

Đồng thời, chính sách này thể hiện sự quan tâm, động viên và giao trách nhiệm của Nhà nước, của nhân dân đối với đội ngũ hơn 1 triệu nhà giáo đang làm nhiệm vụ giáo dục cho hơn 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước, từ mầm non đến đại học.

Bên cạnh đó, chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo đã góp phần động viên và giải quyết bớt một phần khó khăn, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần đối với đội ngũ nhà giáo.  
 

Từ hôm 1/9/2011, vào đúng dịp khai giảng năm học 2011-2012, chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo theo Nghị định số 54/2011/NĐ-CP được thực thi. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chụp ảnh lưu niệm cùng thầy trò Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam nhân dịp lễ khai giảng năm học mới 2011-2012. (Ảnh: Nguyễn Hùng)
  
Học sinh bơi qua sông đến trường

Giữa tháng 9/2011, qua phản ánh của nhiều giáo viên ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình về việc học sinh bản ông Tú, bản Ka Oóc phải bơi qua sông đến trường, PV Dân trí đã khẩn trương đến nơi này ghi nhận thực trạng này: Hàng ngày hai buổi, học sinh bản ông Tú phải bơi qua sông đến trường. Để áo quần và sách vở không bị ướt, các em chuẩn bị sẵn một bao nilon lớn, cho quần áo và cặp sách vào, buộc kín lại. Qua đến bờ sông bên kia, các em lại lấy quần áo ra mặc vào.
 
Học sinh bản ông Tú, bản Ka Oóc, bản Hưng, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình bơi qua dòng sông chảy xiết đến trường. (Ảnh: Đặng Tài) 

Sau khi Dân trí phản ánh thực trạng này, lãnh đạo huyện Minh Hoá đã xác minh sự việc và khẩn trương chỉ đạo cấp thuyền, áo phao cho các em học sinh.

Trong khi đó, nhiều độc giả khi xem hình ảnh hàng chục học sinh bản Ông Tú, Ka Oóc hàng ngày vượt sông tới trường đã xúc động liên hệ với báo, đề nghị góp sức xây một cây cầu như nhiều cầu khác mà bạn đọc Dân trí đã góp sức làm.

Tại buổi làm việc ngày 13/10/2011 giữa UBND tỉnh Quảng Bình và Hội Khuyến học tỉnh này, ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết tỉnh rất tán đồng với chủ trương xây dựng cầu treo vượt sông ở khu vực bản Ông Tú và Ka Oóc (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa).

Tính đến ngày 7/11/2011, bạn đọc Dân trí đã đóng góp được 921.648.400 đồng để xây cầu.
 
“Xì căng đan” chấm thi tốt nghiệp THPT ở ĐBSCL
 
Khi các địa phương đang lần lượng công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2011, một giáo viên đã phản ánh với báo chí về việc 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã “thỏa hiệp” để nâng điểm thi tốt nghiệp bằng việc “thảo luận Hướng dẫn chấm và biểu điểm các môn thi tự luận của Bộ GD-ĐT ở từng môn thi”, thống nhất hướng dẫn theo hướng giảm nhẹ yêu cầu của Bộ. Bộ GD-ĐT đã phải vào cuộc và khẳng định việc chấm thi với hướng dẫn đáp án riêng của 11 tỉnh ĐBSCL là sai. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh khi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đã cận kề, Bộ không yêu cầu các địa phương này chấm lại và giữ nguyên kết quả thi.
 
Có thể nói đây là sự việc tiêu biểu cho thấy biện pháp chấm chéo nhằm đảm bảo khách quan, công bằng, trung thực cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đã bị “vô hiệu hóa”, dẫn đến việc Bộ GD-ĐT đang dự kiến chấm dứt việc tổ chức chấm chéo trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012.
 
Bộ GD-ĐT bác kiến nghị bỏ điểm sàn tuyển sinh

Trước tình hình kết quả điểm của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay thấp hơn năm trước, ngày 3/8/2011, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị xem xét về điểm sàn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay. 

Hiệp hội này đề xuất hai phương án: Phương án 1: Giao cho các trường ĐH, CĐ căn cứ vào chỉ tiêu được phân, khả năng nguồn tuyển, yêu cầu phát triển nhân lực của địa phương, của vùng mà kiến nghị điểm sàn cho trường mình, trình Bộ duyệt; Phương án 2: Nếu vẫn giữ nguyên “điểm sàn chung” cho cả nước, thì phải chấp nhận điểm sàn tương đối thấp để có số dôi dư nguồn tuyển từ điểm sàn trở lên nhiều hơn năm trước mới thỏa mãn nhu cầu tuyển sinh của các trường.

Sáng ngày 8/8/2011, Hội đồng điểm sàn Bộ GD-ĐT đã họp và thống nhất mức điểm sàn năm, mức điểm sàn này tương đương năm 2010. Như vậy, kiến nghị thay đổi điểm sàn của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã không lay chuyển được quan điểm giữ ổn định điểm sàn của lãnh đạo Bộ GD-ĐT. 
 
Thí sinh dự thi đại học năm 2011 tại cụm thi Cần Thơ. Năm 2011, điểm sàn tuyển sinh tương đương năm 2010. (Ảnh: Huỳnh Hải)
 
Nam Định nói không với tại chức, dân lập

Tại kỳ thi công chức năm 2011 của tỉnh Nam Định diễn ra hôm 16/10/2011, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết tỉnh Nam Định không chủ trương tuyển dụng công chức là những người tốt nghiệp đại học dân lập, tư thục hay tại chức. Chủ trương này của tỉnh Nam Định khiến dư luận lên tiếng phản đối mạnh mẽ. GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, lên tiếng: “Cần đối xử công bằng với những người có bằng đại học theo đúng pháp chế của nhà nước ta. Bằng tốt nghiệp của công lập hay ngoài công lập đều do Nhà nước quyết định…”. GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết quy định của UBND tỉnh Nam Định không đúng luật.

Tuy vậy, không phải vô cớ mà có những đơn vị tuyển dụng chê sinh viên ngoài công lập, tại chức. Theo GS.VS Phạm Minh Hạc, chính việc mở trường ĐH, CĐ ồ ạt, dẫn đến chất lượng thấp mà nhiều ý kiến phê phán như thiếu thầy dạy, đầu vào sinh viên thấp… dẫn đến dư luận sợ và không tin vào chất lượng đào tạo của các trường ngoài công lập.
 
Sinh viên Trường ĐH tư thục FPT trong lễ tốt nghiệp. Luật Giáo dục quy định bằng cấp của các trường ĐH công lập, dân lập có giá trị như nhau.

Giáo viên mầm non “tố” khổ

Chế độ phụ cấp quá thấp, không phù hợp với mức sống hiện tại, đầu tháng 9/2011, hơn 60 GV mầm non tại xã Mậu Lâm và Thanh Tân (huyện Như Thanh, Thanh Hóa) đã đồng loạt nghỉ việc để đề nghị các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa tăng chế độ phụ cấp và một số khoản khác. Ngay sau đó, UBND huyện Như Thanh, xã Mậu Lâm và Ban giám hiệu trường Mầm non Mậu Lâm đã có buổi làm việc trực tiếp để ghi nhận những kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của GV ngoài biên chế. Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã trực tiếp về xã Thanh Tân làm việc để nắm bắt tình hình.

Được biết, tính đến tháng 9/2011, trên toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn chục ngàn GV mầm non ngoài biên chế. Với chế độ phụ cấp thấp, những GV này gặp nhiều khó khăn, khó mà sống được với nghề.
 
Thanh Hóa hiện có 653 trường mầm non. (Ảnh: Duy Tuyên)
 
Giữa tháng 11 năm 2011, một tín hiệu mừng đã đến với các GV mầm non ngoài biên chế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khi HĐND tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển đổi 525 trường mầm non bán công sang công lập. Đồng thời có 8.053 GV mầm non ngoài biên chế sẽ được tuyển dụng vào viên chức sự nghiệp. Với việc chuyển đổi trường mầm non bán công sang công lập, các GV ngoài biên chế sẽ được tuyển dụng vào biên chế, sẽ có mức thu nhập cao hơn theo hệ số, cơ bản đáp ứng được nhu cầu cuộc sống và tạo niềm tin để GV yên tâm công tác.

Phê duyệt chương trình phát triển ngành Sư phạm

Ngày 14/12/2011, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận có quyết định Phê duyệt chương trình phát triển ngành Sư phạm (SP) và các trường SP từ năm 2011 đến năm 2020.

Theo đó, Bộ GD-ĐT triển khai thực hiện Chương trình phát triển ngành SP và các trường SP từ năm 2011 đến năm 2020 nhằm nâng cao năng lực của cả hệ thống các trường SP, lực lượng chủ yếu đáp ứng nhiệm vụ: "xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng" như đã nêu trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Nội dung của Chương trình thể hiện ở 7 đề án là: Củng cố mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất của các trường SP; Phát triển đội ngũ giảng viên các trường, khoa SP; Đổi mới công tác quản lý và điều hành các cơ sở đào tạo giáo viên; Nâng cao vai trò của các trường SP trong công tác phát triển đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên; Tăng cường vai trò của các trường SP trong công tác bồi dưỡng hiệu trưởng trường mầm non, phổ thông và giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên và công chức sở, phòng giáo dục và đào tạo (gọi chung là cán bộ quản lý giáo dục); Nâng cao chất lượng hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế của các trường SP; Kiểm định chất lượng các trường SP.

Thời gian thực hiện sẽ chia là hai giai đoạn từ 2011 - 2015 và giai đoạn từ 2016 - 2020. Tổ chức tổng kết thực hiện Chương trình vào cuối năm 2020.
 
Bài văn gây xúc động của cậu học trò nghèo Trường Ams
 
Trước đề văn nghị luận Nêu quan điểm của anh (chị) về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống”, em Nguyễn Trung Hiếu - học sinh lớp 11 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) đã lấy ngay câu chuyện thật đang phải trải qua của gia đình mình để nhìn nhận, phân tích vai trò của đồng tiền. Đầu tháng 11/2011, ngay sau khi được đăng trên báo điện tử Dân trí, bài văn “lạ” của cậu học trò nghèo Trường Ams đã gây một làn sóng xúc động trong cộng đồng và được đăng lại trên nhiều báo điện tử và trang thông tin điện tử khác.
 
Em Nguyễn Trung Hiếu - tác giả bài văn gây xúc động. (Ảnh: Hồng Hạnh)

Qua Dân trí, hàng ngàn độc giả đã chia sẻ đồng cảm với em Hiếu. Cũng từ bài báo trên Dân trí, nhiều tổ chức và cá nhân đã xúc động trước hoàn cảnh của gia đình em Hiếu và gửi hỗ trợ tới em, trong đó có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Quỹ Khuyến học “Vòng tay đồng đội”… Trước những tình cảm của mọi người, em Hiếu nói: “Những lời động viên và sẻ chia của những tấm lòng hảo tâm em xin ghi nhận và là động lực để em cố gắng. Em nghĩ còn rất nhiều em nhỏ và bạn bè còn khó khăn, cần giúp đỡ hơn em và em muốn chia sẻ phần nào tới những hoàn cảnh đó”.

Được biết, trong suốt những năm học tiểu học và THCS, Hiếu luôn là học sinh giỏi. Thi vào cấp ba, Hiếu đã đỗ cả 2 trường: THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và THPT Chu Văn An. Do sợ học Trường Ams phải đóng nhiều tiền, gia đình đã bắt Hiếu học ở trường Chu Văn An nhưng Hiếu đã nài nỉ gia đình cho học tại trường Ams. Không chỉ học giỏi, Hiếu còn rất tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện. 

 

(Theo Dân Trí)

Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật