Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Tin Tức Các Báo

Kiệt sức giữa rốn lũ

Cập nhật 19/10/2010 - 09:55:37 AM (GMT+7)
Khuôn mặt hốc hác, đôi mắt vô hồn, chị Hoài (Hương Khê, Hà Tĩnh) cố chèo chiếc thuyền nan nhỏ xíu vượt dòng nước chảy xiết, chờ nhận mì tôm của đoàn cứu trợ. Trên mái nhà, nhiều người dân cũng đang vẫy tay cầu cứu.

 

 

Hòa Hải - một trong những xã ngập nặng nhất của huyện Hương Khê, chiều 18/10 nước lũ vẫn bao vây tứ bề. Nhiều dãy cột điện, cây cổ thụ cao vút bị ngập đến tận ngọn… Giữa những ngôi nhà đang bị ngập đến mái, hàng trăm người dân vẫn đang bám trụ, che bạt ngủ trên mái ngói để chờ nước rút. Mỗi khi nghe tiếng xuồng cứu hộ đi qua, giơ tay xin ứng cứu…

 

Thuyền trở thành phương tiện di chuyển chính của người dân. Ảnh: Hà Khoa

Trong chiếc áo ướt sũng, đôi mắt trũng sâu thì mất ngủ, chị Nguyễn Thị Hoàng kể lại, trời mưa cả ngày 15/10 nhưng nước không lên nhanh như đợt lũ trước, nhiều người dân vẫn có tâm lý chủ quan. Thế nhưng sau một ngày mưa lớn, đến khoảng 2h sáng ngày 16/10, nước từ thượng nguồn đổ về khiến người dân hoảng loạn.

“Nước cứ chảy ào ạt giữa đêm tối, ở đâu cũng nghe tiếng người dân la hét, kêu cứu. Vợ chồng tôi lục tục dọn đồ lên sàn nhưng nước nhanh chóng vượt sàn, cả nhà phải trèo lên ngói chờ cứu hộ. Tiếng trâu bò rống, chó sủa, lợn kêu, tiếng trẻ con than khóc, tiếng bà già kêu râm ran cả xóm,…”, chị Hoàng nói, mắt đỏ hoe.

Khuôn mặt hốc hác, đôi mắt vô hồn, chị Nguyễn Thị Hoài ở rốn lũ Phương Mỹ, cố gắng chèo chiếc thuyền nan nhỏ xíu vượt dòng lũ đang chảy xiết để đi nhận mì tôm và nước uống của đoàn cứu trợ. Chị nói với giọng yếu ớt: “Lụt chi mà kinh khủng thế không biết, mấy bữa trước đã trôi hết nhà cửa, lợn gà chưa kịp thu dọn thì bữa ni lại phải tránh lũ nữa. Dân làng khổ quá”.

Nhiều người dân vùng rốn lũ Phương Mỹ, Hà Linh, Hương Điền, Hương Đô,… của huyện Hương Khê cũng rơi vào cảnh bất lực trước những dòng nước đổ về từ thượng nguồn. Đợt lũ trước, Hương Khê là rốn lũ, tất cả các xã đều bị chia cắt, khoảng 70% nhà dân bị ngập, nhiều gia đình bị trôi mất trâu bò, lợn gà, thóc gạo bị ướt chưa kịp phơi khô thì mưa lớn rồi lũ lịch sử lại đổ về.

Chị Vân kể lại trận lũ lịch sử. Ảnh: Hà Khoa.

Sau mấy ngày đi lánh nạn, chiều 18/10, chị Trần Thị Vân ôm bọc quần áo cùng với 3 đứa con đang rét căm căm vì ướt tìm cách vượt lũ về thăm nhà nhưng bị bộ đội ngăn lại bởi lũ chưa rút, thuyền nhỏ không thể vượt sông. Chị than ngắn thở dài: “Cứ tưởng là đập Hố Hô không bị bể thì dân làng hết cảnh chạy lũ nhưng ai mà ngờ được lũ lại to như thế. Ba mẹ con may mắn được xuồng cứu hộ đưa đi sơ tán kịp thời, chồng tôi vì tiếc của nên trụ lại trên sàn nhà. Nước ngập, phải leo lên mái ngói, giờ không biết sống chết thế nào”.

Nhìn toàn bộ tài sản tích góp bao năm trôi theo nước lũ, chị Nguyễn Thị Phúc ở xã Hương Giang ôm mặt: “Cách đây mấy tháng, ruộng đồng còn nứt nẻ vì hạn hán thì nay nhà cửa, tài sản, trâu bò, lợn gà đều lần lượt bị nước cuốn trôi. Chúng tôi kiệt sức rồi!”.

Ngày 18/10, nước bắt đầu đã rút, mưa đã dừng nhưng mực nước lũ vẫn đang đạt mức lịch sử, người dân Hương Khê vẫn đang sống cầm hơi bằng những gói mì tôm và chai nước khoáng cứu trợ. Đang lo lắng chưa biết nhà cửa mình bị ngâm trong lũ bao nhiêu ngày nữa thì hơn 20.000 hộ dân của huyện lại thấp thỏm nghe tin siêu bão tới. “Nếu bão mà đến nữa chắc chúng tôi chết mất, nước chưa rút, lại thêm gió bão nữa thì không hiểu được sẽ thế nào”, chị Vân nói.

Nước ngập gần hết cột điện. Ảnh: Hà Khoa.

Ông Hoàng Công Lý, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, đợt lũ này Hương Khê có 2 người chết, 20 người bị thương. 9 xã gồm Phương Mỹ, Hà Linh, Phương Điền, Hòa Hải, Hương Đô,… đang bị cô lập. Toàn bộ hàng cứu trợ của đợt lũ thứ nhất cũ bị nước cuốn trôi khiến người dân thiếu trầm trọng lương thực, thực phẩm, nước uống và thuốc chữa bệnh.

“Người dân đang suy kiệt vì phải chống chọi với lũ liên tiếp”, ông Lý thở dài.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, từ 14/10 đến nay, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa rất to, phổ biến 500-700 mm, nhiều nơi như Cửa Hội, Nam Đàn (Nghệ An), Cẩm Nhượng, thị xã Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) tới 900 mm. Mức lũ tại Hà Tĩnh đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1978.

Đến chiều 18/10 miền Trung có 31 người chết, 23 người mất tích.

(Theo VnExpress)

 


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật