Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Tin Tức Các Báo

Môn sử: đã thích thì không sợ

Cập nhật 19/03/2014 - 09:20:10 AM (GMT+7)

Trái ngược với các trường THPT khi có trường không học sinh nào chọn môn sử làm môn thi tốt nghiệp THPT hoặc số đăng ký chỉ đếm trên đầu ngón tay, ở các trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) nhiều học sinh vẫn “dũng cảm” chọn thi môn lịch sử.

Khảo sát sơ bộ của các TTGDTX tại TP.HCM cho thấy tỉ lệ học sinh đăng ký thi môn lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 cao hơn so với tỉ lệ này ở các trường công lập, tư thục.

Trên 30% học sinh chọn thi sử

Lớp học được chia thành hai đội chơi, lần lượt trả lời nhanh các câu hỏi lịch sử theo hình thức trắc nghiệm. “Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở VN được ký kết vào thời gian nào?”. “Miền Nam hoàn toàn giải phóng vào thời gian nào?”.

Hết giờ suy nghĩ, các phương án trả lời được viết vào bảng đen và giơ cao khi có hiệu lệnh. Hai học sinh trả lời sai phải về chỗ, những bạn còn lại tiếp tục “đấu trí” với những câu hỏi tiếp theo về thời gian, địa điểm, nhân vật, ý nghĩa các sự kiện lịch sử.

Không khí càng sôi nổi khi một loạt học sinh trả lời sai phải về chỗ. Vẫn còn cơ hội trở lại “đấu trường” khi các lớp trưởng trả lời những câu hỏi nhỏ để “giải cứu” các thí sinh khác.

Đó là không khí sôi nổi của tiết “Ôn tập lịch sử VN từ 1919-1975” do thầy Nguyễn Mạnh Cường - giáo viên lịch sử TTGDTX Tân Bình, TP.HCM - đứng lớp.

 

"Cách thầy cô xâu chuỗi các sự kiện, cho xem phim tư liệu, kể các câu chuyện lịch sử, hằng ngày kiểm tra học sinh bằng đề thi mở và dạy theo kiểu đọc - hiểu chứ không phải đọc - chép hay học thuộc từng từ khiến môn sử hấp dẫn hơn và việc học môn này trở nên nhẹ nhàng hơn"

Một học sinh TTGDTX Tân Bình

 

Ở tiết học này không những học sinh được ôn tập các bài học theo hình thức trắc nghiệm “Rung chuông vàng”, mà còn được giao lưu với nhân chứng lịch sử.

Không khí buổi học sôi động với các hoạt động hỏi - đáp, đố vui, không có học sinh nào thiếu tập trung hoặc rời mắt để làm việc khác.

Thầy Cường cho biết: “Để không lạc vào khối sự kiện quá lớn của chương trình lịch sử lớp 12, học sinh cần nắm một cách khái quát về tiến trình lịch sử. Học sinh thường coi lịch sử là môn phụ, việc tiếp thu kiến thức một cách thụ động khiến các em ngán ngại, xem nhẹ môn học này.

Phương pháp gợi mở với lời nói sinh động, đồ dùng trực quan sẽ giúp học sinh hiểu bài, nắm bài một cách chủ động, tích cực và khắc sâu kiến thức hơn”.

Đó có thể là một trong những lý do thuyết phục khiến số lượng học sinh đăng ký thi môn lịch sử ở TTGDTX Tân Bình là 133/420 học sinh, chiếm tỉ lệ 31,66%. C

on số này khá cao so với các trường phổ thông trên địa bàn TP.HCM. Hiện nhà trường vẫn tiếp tục công tác tư vấn để học sinh chính thức nộp bản đăng ký môn thi tự chọn vào giữa tháng 4.

Thầy Cường lạc quan cho biết: “Tôi hi vọng số lượng các em đăng ký thi sử sẽ tăng lên, bởi vì qua kỳ kiểm tra vừa rồi kết quả môn lịch sử khá cao so với các môn khác”.

Vai trò của giáo viên

Kết thúc buổi học sáng 18-3, học sinh Lê Thị H. (lớp 12A1, TTGDTX Tân Bình) cho biết: “Tôi lựa chọn môn lịch sử vì đây là môn thế mạnh của mình, mỗi lần học thấy hứng thú với các sự kiện.

Khi đã thích, hứng thú thì sẽ dễ nhớ chứ không sợ môn học đó. Theo tôi nghĩ mỗi công dân VN phải biết lịch sử nước mình. Nếu được, Bộ GD-ĐT nên bắt buộc thi sử”.

Có nhiều lý do khiến tỉ lệ học sinh chọn thi sử ở các TTGDTX cao hơn các trường phổ thông, trong đó có ý kiến cho rằng do nhiều học sinh hệ bổ túc thi khối C và đa số học sinh có lợi thế các môn xã hội hơn các môn tự nhiên.

Tuy nhiên, thầy Phan Minh Khoa - phó giám đốc TTGDTX Chu Văn An (TP.HCM) - cho rằng: “Một số nơi có số lượng học sinh đăng ký thi sử cao hơn nhiều các nơi khác có thể có hai lý do mà học sinh thiên về chọn thi môn lịch sử. Hoặc do sự tư vấn của giáo viên chủ nhiệm để các em có được môn thi phù hợp với khả năng, hai là giáo viên dạy lịch sử khiến học sinh thích thú môn học này”.

Ở TTGDTX Tân Phú, số học sinh đăng ký thi sử đến thời điểm này là 84/428 học sinh, chiếm gần 20%. Ông Lưu Thanh Tòng, giám đốc trung tâm, cho hay: “Nhà trường vẫn tiếp tục tư vấn để học sinh suy nghĩ và chọn môn thi thích hợp nhất. Hướng tư vấn dựa trên các tiêu chí: môn học sinh học tốt nhất, tránh trường hợp thi quá nhiều môn trong một ngày (vấn đề này đang chờ phương án của bộ), dựa vào khối thi đại học, cao đẳng của học sinh và còn dựa trên thế mạnh của nhà trường về các giáo viên bộ môn giỏi, có kinh nghiệm, nghệ thuật ôn tập”.

Từ 200 học sinh chỉ còn hơn 40 học sinh chọn thi sử

Chiều 18-3, hiệu trưởng một trường THPT tại Thủ Đức cho biết trước ngày 17-3 trường cho học sinh đăng ký chọn môn thi và thu được kết quả khá bất ngờ: 200/650 học sinh chọn thi lịch sử, 180/650 học sinh chọn thi môn địa. Tuy nhiên sau một thời gian suy nghĩ và đăng ký lại, số học sinh chọn thi môn địa chỉ còn 65 học sinh và môn sử chỉ còn hơn 40 học sinh đăng ký.

 

 (Theo Tuổi Trẻ)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật