Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Nên chăng bỏ thi tốt nghiệp THPT?

Cập nhật 11/06/2012 - 08:54:19 AM (GMT+7)
Đổi mới thi cử để chống tiêu cực tiếp tục nhận được sự hưởng ứng của các chuyên gia giáo dục.

GS.TSKH Hoàng Xuân Sính:

Không nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp... giả vờ

Việc duy trì hay xóa bỏ kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT phụ thuộc quan niệm đánh giá sự cần thiết của tấm bằng THPT ở mỗi nước.

Trước đây, VN theo hệ thống giáo dục của Liên Xô (cũ) nên xem tấm bằng tốt nghiệp THPT rất dễ dãi với ý niệm: học hết THPT là dứt khoát học sinh phải được vào đời.

Trong khi đó, từ rất lâu nước Pháp lại yêu cầu việc cấp bằng tốt nghiệp THPT phải qua lựa chọn chặt chẽ. Bằng phổ thông khắt khe, nên vào ĐH chỉ cần ghi danh. Đến những năm 1980-1990, tổng thống Pháp khi đó lại cho rằng việc có tấm bằng tốt nghiệp THPT phải phổ biến cho nhân dân. Chính phủ công khai yêu cầu các hội đồng phải bảo đảm 80% thí sinh thi có được bằng tú tài. Song việc vào ĐH vẫn ghi danh trên nền tú tài được mở rộng này đã khiến tỉ lệ trượt của SV trong hai năm đầu lên đến 70%. Các giáo sư Pháp cho rằng SV phải bỏ chi phí học ĐH hai năm đầu với chất lượng thấp như thế là lãng phí nên cho đến giờ vẫn đang kiến nghị vào ĐH phải thi.

Tôi nói thế để thấy rằng việc đánh giá tính chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải chỉ VN mới lúng túng, vấp váp. Ở VN, hiện nay thi ĐH khó, còn thi tốt nghiệp THPT rất dễ, gần như đỗ 100%.

Vấn đề của VN là ngành giáo dục dù không nói ra vẫn đang âm thầm định phổ cập THPT. Mục tiêu “ngầm” này hoàn toàn không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay của đất nước. Do ý muốn phổ cập sớm, muốn tổ chức kỳ thi hoành tráng nhưng gặp khó trong điều kiện kinh tế thấp nên mới xảy ra những sự cố khi cố lao theo thành tích.

Nhiều ý kiến cho rằng nên giao kỳ thi tốt nghiệp về cho địa phương, nhưng có thể thấy ngay rằng khi làm thế không chỉ đỗ tốt nghiệp THPT 100% mà có thể tất cả học sinh sẽ đạt loại... giỏi. Tuy nhiên, nếu cố duy trì một kỳ thi... giả vờ như hiện nay, nghe có vẻ là kỳ thi quy mô để đánh giá học sinh trên diện rộng, nhưng kết quả cuối cùng cũng chỉ là kết quả giả. Giả vờ thi để đỗ 100% thì nên bỏ kỳ thi giả vờ này đi. Giao cho địa phương sẽ cho kết quả không thực chất, nhưng giữ lại một kỳ thi quốc gia cũng không đem lại kết quả trung thực hơn mà cả xã hội rơi vào lo lắng, căng thẳng và quá tốn kém không hề cần thiết.

Ông Lê Quán Tần
(nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT):

Chưa thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT ngay

Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hình thức văn bằng quốc gia không chỉ có ở VN, mà là hình thức thi cử phổ biến ở nhóm các nước ASEAN và một số nước khác. Nói thế để thấy rằng VN không phải đi một mình một đường.

Việc tính giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho nhà trường, cho địa phương là việc cần thiết phải đưa ra nhưng cần có lộ trình bài bản. Giao địa phương tổ chức kỳ thi sẽ có những hậu quả lường ngay được như trường này chặt, trường kia lỏng, đề ở đây dễ, đề nơi kia khó hơn, sẽ không có được sự công bằng, nhưng cái đó sẽ phải điều chỉnh bằng cơ chế quản lý chặt chẽ và xã hội cũng phải thông cảm mà chấp nhận như một sai số.

Vấn đề là chúng ta không nên tuyệt đối hóa kỳ thi tốt nghiệp THPT, đừng xem nó là “bảng chuẩn” đo chất lượng giáo dục. Tính chất các bài thi chỉ để đánh giá vài môn, mỗi môn chỉ “nhấn” vào vài vùng kiến thức, không thể nói đại diện hết cho chất lượng đào tạo. Chưa kể các đề thi hiện nay chủ yếu đòi hỏi kiến thức chứ ít bộc lộ được kỹ năng. Trong khi đó để vào đời, cái cần nhất lại là kỹ năng, suy nghĩ nhanh không, quyết định chính xác không...

Khi còn làm vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, chúng tôi đã có lần trình việc chỉ duy trì một kỳ thi quốc gia thay cho việc tổ chức hai kỳ thi gần nhau (tốt nghiệp THPT và thi ĐH) như hiện nay. Kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ có thể giao cho địa phương khi kỷ cương trường học được nâng lên, ngành giáo dục bảo đảm được các điều kiện chất lượng. Trước mắt, với hệ thống giáo dục hiện nay, không thể giao ngay kỳ thi quốc gia này về cho các trường được.

Khi các thầy cô, nhà trường, địa phương vẫn giữ chặt chủ nghĩa vị thành tích nặng nề thì khi giao toàn bộ để họ quyết định tất cả kết quả thi cử, những giả dối sẽ còn nặng nề hơn rất nhiều. Không nên tạo ra thay đổi gì đột ngột cho giáo dục phổ thông hiện nay cả khi năng lực quản lý, sự thiết lập kỷ cương toàn ngành hiện nay còn yếu, nhận thức của giáo viên, của tập thể giáo viên, thậm chí của cả địa phương đâu đó còn lệch lạc. Nếu buông ngay thì chất lượng văn bằng tốt nghiệp sẽ rất thấp.

(Theo Tuổi Trẻ)