Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

3 phương thức sắp xếp, tổ chức lại các trường đại học

Cập nhật 28/05/2019 - 09:54:45 AM (GMT+7)

Kiên quyết giải thể các cơ sở đào tạo đại học chất lượng yếu, kém; Rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở GDĐH theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô đào tạo trên một cơ sở, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vì mục tiêu cuối cùng của quy hoạch là một hệ thống tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu nhân lực trình độ cao đa dạng của thị trường lao động và hướng tới hội nhập quốc tế.

Quý III/2019, trình Chính phủ Đề án quy hoạch các trường đại học

Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã thực hiện các giải pháp là xây dựng dự thảo quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH và đào tạo giáo viên với cách tiếp cận dựa trên các chuẩn chất lượng (chuẩn trường ĐH, chuẩn trường sư phạm).

Dự kiến sau khi ban hành chuẩn, tiến hành rà soát theo chuẩn và công bố kết quả rà soát, các phương án (tiếp tục đầu tư trọng tâm để phát triển thành các trường hàng đầu trong hệ thống, sáp nhập hoặc giải thể) sẽ được đặt ra đối với các cơ sở đạt chuẩn theo từng mức độ và không đạt chuẩn.

Đồng thời, triển khai các hoạt động nhằm tăng cường quản lý quy hoạch mạng lưới và gắn kết đào tạo với nhu cầu xã hội như: Định kỳ công khai minh bạch kết quả kiểm định chất lượng trên Cổng thông tin của Bộ GDĐT; rà soát các quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh và yêu cầu các cơ sở GDĐH rà soát, công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng, làm căn cứ cho việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh; yêu cầu các cơ sở báo cáo tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm nhằm đề cao yêu cầu đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động và làm cơ sở cho việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Bộ trưởng Nhạ cho rằng, khó khăn, vướng mắc nhất hiện nay của việc quy hoạch này là quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH và đào tạo giáo viên phải thực hiện theo Luật Quy hoạch và Nghị định hướng dẫn Luật Quy hoạch.

Theo Bộ trưởng Nhạ, trong thời gian tới, hoàn thiện Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường ĐH công lập, dự kiến trình Chính phủ trong quý III/2019 làm căn cứ hoàn thiện quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ vào quý II năm 2020.

Theo đó, hình thành một mạng lưới cơ sở GDĐH có cơ cấu hợp lý, có quy mô, chất lượng đáp ứng nhu cầu của người học và thị trường lao động, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế. Cụ thể:

Về cơ cấu và số lượng, mạng lưới các cơ sở GDĐH được phân loại rõ nét theo định hướng phát triển, mô hình tổ chức, chất lượng đào tạo, nghiên cứu để bảo đảm hiệu quả trong quản lý nhà nước và tạo ra cơ chế cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở.

Về chất lượng, các cơ sở GDĐH đáp ứng các yêu cầu chuẩn hoá chất lượng; tăng số lượng các cơ sở GDĐH được đánh giá và đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo bộ tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế; khuyến khích các cơ sở GDĐH tham gia xếp hạng trong các bảng xếp hạng quốc tế uy tín.

3 phương thức sắp xếp, tổ chức lại các trường đại học

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đã triển khai nhiều nhóm giải pháp như ban hành các bộ quy chuẩn chất lượng áp dụng cho các cơ sở GDĐH làm cơ sở để rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng tối thiểu của cơ sở.

Rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở GDĐH theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô đào tạo trên một cơ sở, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở.

Căn cứ trên kết quả đánh giá, tiến hành sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở theo một trong 3 phương thức sau:

Thứ nhất, điều chỉnh quy mô đào tạo phù hợp với mức độ đạt chuẩn chất lượng của cơ sở đào tạo.

Thứ hai, sáp nhập và tổ chức lại các cơ sở không đáp ứng chuẩn tối thiểu để tăng cường năng lực đào tạo của các cơ sở.

Thứ ba, giải thể trường: các trường không đạt quy chuẩn đảm bảo chất lượng tối thiểu, nhưng không có giải pháp khắc phục sẽ bị dừng tuyển sinh và tiến hành các thủ tục giải thể trường phù hợp với quy định.

Ngoài ra, xác định một số cơ sở GDĐH có định hướng nghiên cứu và năng lực cạnh tranh quốc tế và một số trường ĐH sư phạm trọng điểm để nhà nước ưu tiên đầu tư.

Khuyến khích phát triển các cơ sở GDĐH thuộc doanh nghiệp; các trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, theo nguyên tắc không bị giới hạn bởi số lượng cơ sở GDĐH theo vùng.

Khuyến khích hợp nhất, sáp nhập những cơ sở GDĐH có cùng ngành, nghề đào tạo trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố.

Theo Dân Trí