Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Online Seeding - nghề giấu mặt

Cập nhật 06/12/2011 - 09:49:23 AM (GMT+7)
Tung thông tin lên mạng, thu hút sự quan tâm của dư luận và lèo lái mọi người thảo luận theo ý muốn chủ quan của mình, sau đó thu thập các phản hồi rồi trao lại cho nhà cung cấp, người ta gọi công việc này là Online Seeding hay Forum Seeding và người làm nghề này là seeder.

Một dòng xe hơi mới sắp có mặt trên thị trường Việt Nam, những thông tin về nó ngẫu nhiên xuất hiện trên các diễn đàn, các trang tin điện tử hay những vụ bị lộ phiên bản dùng thử, bị mất sản phẩm mẫu đình đám của các hãng công nghệ lớn trên thế giới khiến người dùng tò mò, quan tâm, thậm chí lên kế hoạch lập quỹ để chuẩn bị rước sản phẩm này về. Ít người biết rằng những vụ rò rỉ “ngẫu nhiên” ấy là một chiến dịch của nhà sản xuất với kịch bản chi tiết đến từng câu chữ.

Vắt óc kiếm tiền

Nguyễn Hồng Đức, 22 tuổi, đã xâm nhập lĩnh vực seeding từ những ngày đầu mới bước chân vào đại học với chương trình cho Vinamilk, mạng Beeline... Nhiệm vụ của Đức là đưa hình ảnh Beeline đến với thật nhiều cư dân mạng, cho mọi người thật quen với các thông tin về mạng di động mới mẻ này. Hiện nhóm của Đức đang chạy chương trình cho nhãn hiệu kem K. Kịch bản nhóm Đức sẽ phải thực hiện đến tháng 1-2012 là truyền miệng thật nhiều thông tin về cô hoa hậu H. lên các mạng xã hội như Facebook, Zing, Mimo... như hoa hậu này đang làm gì, ở đâu, ăn gì... bởi cô sẽ là đại sứ của hãng kem. Song song đó là “gieo mầm” thảo luận các chủ đề về kem, hướng dẫn làm kem... trên các diễn đàn để mọi người, hoặc chính nhóm của Đức dùng nhiều tài khoản lên bình luận.

Anh Trần Văn Điền, Công ty quảng cáo Nhật Long, nhớ lại từ năm 2007 ở Việt Nam người ta đã làm seeding chủ yếu để tăng lượng truy cập cho các diễn đàn. Lúc đó còn đang là sinh viên nên Điền làm thêm công việc này cho diễn đàn 5giây và được trả 25 đồng/comment. Khoảng hai năm trở lại đây, Điền đã có khách hàng giao làm seeding như một phần của chương trình marketing trực tuyến. Khách hàng của Điền là các đại lý xe hơi, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm.

Điền cho biết khi làm seeding, khó nhất là viết kịch bản, tạo chủ đề và định hướng mỗi ngày phải viết gì, bình luận gì để thu hút thành viên diễn đàn tham gia. Với sản phẩm lĩnh vực giáo dục - sức khỏe thì còn buộc người làm seeding phải có kiến thức chuyên môn sâu mới làm được.

Gieo mầm cho sự khởi đầu

Anh Nguyễn Xuân Đông, phụ trách phía Nam Công ty Moore Corp, chia sẻ seeding ở Việt Nam hiện nay đang là nghề phát triển mạnh cả về mặt hình thức lẫn nội dung, sản phẩm sinh ra từ seeding ngày càng phong phú và đa dạng dù khai sinh chỉ là một mảng nhỏ của online marketing. Seeding tại Việt Nam vẫn còn trong thời gian xây dựng và hoàn thiện, do đó mức độ chuyên nghiệp vẫn chưa đáp ứng được cho đối tượng khách hàng khó tính, nhất là về mặt nội dung, kịch bản để xây dựng một chiến dịch seeding chất lượng.

Chị Lê Ngọc Vy, phụ trách online marketing của Nokia, cho biết seeding thường nằm trong giai đoạn chuẩn bị và chính thức giới thiệu sản phẩm. Lợi điểm của seeding là nếu có nội dung tốt, có định hướng cụ thể sẽ tạo nên hiệu ứng lan truyền tốt, còn ngược lại thì rất khó để quản lý thông tin và có khi còn tạo thông tin bất lợi. Hiện tại đa số nhãn hàng đều đã bắt đầu sử dụng seeding cho chiến dịch của họ, nhưng cũng chỉ là làm online như tạo nội dung, tạo các đoạn video để chia sẻ trên các diễn đàn, các mạng xã hội. Chỉ có một số sản phẩm, mặt hàng điện tử là sử dụng seeding bằng cách đưa sản phẩm dùng thử, sau đó mời các nhóm người ảnh hưởng này sử dụng kênh mạng để tạo hiệu ứng lan truyền.

Theo anh Nguyễn Hồng Đức, nghề này không ràng buộc thời gian, chỉ cần có máy tính kết nối Internet, kiên nhẫn và khả năng viết lách khá nên rất thích hợp để sinh viên làm thêm. Chỉ cần 4-5 tiếng buổi tối lên mạng lướt web và bình luận, các bạn sinh viên có thể kiếm được 2-2,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, khi làm seeding, sinh viên cũng sẽ có thêm kỹ năng làm việc nhóm bởi công việc này không thể làm một mình.

(Theo Báo Tuổi Trẻ)