Ngoài kỹ năng về công nghệ thông tin-truyền thông, chuyên gia phỏng vấn và tuyển dụng đánh giá cao ứng viên biết "lắng nghe tích cực".
Chị Nguyễn Thái Hà là Trưởng phòng Thu hút Nhân tài của HBR Holdings, giảng viên thỉnh giảng môn kỹ năng ứng tuyển của một đại học tại Hà Nội và có kênh Tiktok về nội dung hướng nghiệp với 25 triệu lượt xem. Với 7 năm kinh nghiệm phỏng vấn, tuyển dụng nhân sự, chị Hà chỉ ra kỹ năng nào đang được nhà tuyển dụng cảm thấy cần thiết và đánh giá cao nhất ở ứng viên trong 5-10 năm tới.
Mỗi năm, các trường đại học tại Việt Nam cho ra lò hàng trăm nghìn cử nhân. Vì thế, nếu chỉ có bằng đại học, bạn sẽ khó cạnh tranh để có công việc tốt ngay sau khi ra trường.
Mỗi người sẽ có lối đi riêng để tạo lợi thế cạnh tranh cho mình, có bạn chọn hoạt động câu lạc bộ, tình nguyện; có người đi làm thêm hoặc học 2-3 ngoại ngữ... Chọn lối đi nào cũng để tới được đích đến là trang bị thêm kỹ năng cho mình.
Theo Báo cáo thị trường lao động năm 2021 của Navigos Search - đơn vị cung ứng nhân lực hàng đầu tại Việt Nam hiện nay, năm kỹ năng quan trọng nhất ứng viên cần thiết trong tương lai là: Học hỏi tích cực; Kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông; Quản lý bản thân và người khác; Tư duy phản biện và Lắng nghe tích cực.
Học hỏi tích cực là luôn đón nhận mọi thứ tới với mình ở trạng thái chủ động, tích cực nhất có thể, coi mỗi sự việc xảy ra là một bài học với mình. Bạn không thể thay đổi sự việc, nhưng hoàn toàn có thể thay đổi cách đón nhận sự việc đó.
Ngoài ra, bạn cần làm chủ công nghệ, các thiết bị, phần mềm hỗ trợ công việc và chia sẻ thông tin. Đại dịch gần như đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức con người làm việc khi chuyển đổi mọi thứ sang trực tuyến. Những người vốn có sẵn các kỹ năng và kiến thức công nghệ thông tin và truyền thông sẽ thích nghi với tình hình mới nhanh chóng nhất.
Quản lý bản thân tức là bạn chịu trách nhiệm cho tất cả hành động của mình và cố gắng thực hiện mọi việc tốt nhất có thể. Kỹ năng này cho thấy bạn có thể tự tổ chức và đưa ra ý tưởng của riêng mình cho bất kỳ dự án hay công việc nhóm nào. Đây là kỹ năng bất cứ ai cũng nên có trong cuộc sống cũng như công việc. Quản lý bản thân bao gồm ba kỹ năng quan trọng, đó là chủ động, làm theo kế hoạch và tính trách nhiệm.
Trong khi đó, tư duy phản biện được hiểu một cách đơn giản là bạn có lập trường, quan điểm riêng và bảo vệ nó. Tư duy phản biện thể hiện trí tuệ cũng như năng lực xem xét vấn đề ở nhiều khía cạnh của bạn, giúp đội nhóm và tổ chức thực hiện một công việc hay mục tiêu nào đó nhanh chóng hơn, giảm thiểu rủi ro sai sót hơn, thậm chí ý kiến của bạn có thể lại là khởi nguồn cho một sản phẩm hay dịch vụ mới. Tuy nhiên cần phân biệt giữa phản biện và chỉ trích hay tấn công cá nhân.
Cuối cùng, lắng nghe tích cực là cách lắng nghe có tính xây dựng và đáp lại để người nói biết được bạn thực sự đang quan tâm đến những ý kiến, mối quan tâm hay quan điểm của họ. Kỹ năng này sẽ giúp bạn có kết nối tốt hơn với đồng nghiệp ở nơi làm việc, chọn lọc ra được những ý chính của cuộc trò chuyện, từ đó đưa ra những phản hồi chính xác và nâng cao hiệu quả giao tiếp.
Các kỹ năng trên được thể hiện qua những biểu hiện đơn giản và ngay trong hoạt động thường ngày. Hiện tôi vẫn còn nhận được những email ứng tuyển chỉ có hồ sơ, email trắng trơn không một dòng chữ, không thưa gửi, không tiêu đề.
Việc này không quá khó khi hiện nay, bạn trẻ hiện đại nào hầu như cũng có một chiếc điện thoại thông minh và sử dụng thành thạo. Bạn chỉ cần lên Google và tra cứu cụm từ "cách gửi email ứng tuyển" là sẽ ra cả triệu kết quả. Với những trường hợp như trên, tôi đánh giá vừa thiếu kỹ năng công nghệ thông tin, vừa thiếu kỹ năng học hỏi tích cực nên chưa thể nhận vào làm việc.
Kỹ năng tôi đánh giá cao nhất chính là lắng nghe tích cực. Trong môi trường làm việc vốn có nhiều căng thẳng và xung đột, để có thể lắng nghe ý kiến của người khác - đặc biệt là ý kiến trái chiều - là không dễ dàng.
Một bí quyết mà tôi học được và áp dụng để lắng nghe tích cực đó là tập trung vào ý định, nội dung cốt lõi của lời nói thay vì quá chú ý tới hình thức của nó. Một câu hỏi bạn nhận được có vẻ rất thách thức, nhưng thực ra lại rất đơn giản và không có hàm ý gì.
Ví dụ, khi hỏi ứng viên: "Ngoài công ty này ra, em còn ứng tuyển ở công ty nào khác nữa không?", tôi chỉ đơn giản muốn biết kế hoạch công việc của ứng viên đó thế nào, ứng viên có đang cân nhắc đơn vị nào khác ngoài chúng tôi không. Tôi không có ý định thách đố, dò xét hay bắt họ phải đưa ra quyết định ngay lập tức. Lắng nghe tích cực được như vậy sẽ giảm tải áp lực được cả cho người nói lẫn người nghe.
(Theo VnExpress).