Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Nhu Cầu Nguồn Nhân Lực

Cạnh tranh hút nhân lực Công nghệ Thông tin: Trả lương khủng vẫn khó tuyển dụng.

Cập nhật 27/05/2021 - 10:54:55 AM (GMT+7)

Không những nhân lực Công nghệ Thông tin (CNTT) “phổ thông”, mà các ngành mới nổi cũng đang ráo riết tuyển dụng nguồn nhân lực này.

 

 

“Đói” nhân lực CNTT truyền thống

Trong tháng 5/2021, Samsung thông báo tuyển dụng hàng trăm kỹ sư CNTT, cử nhân tốt nghiệp đại học cho kế hoạch mở rộng sản xuất đợt 1 năm 2021. Ngoài việc tuyển dụng thông qua kỳ thi quốc tế, Samsung Việt Nam cũng chiêu mộ khoảng 700 sinh viên đại học thông qua một quy trình tuyển dụng riêng biệt (bài thi về phần mềm). Đây là những nhân sự nghiên cứu và phát triển phần mềm xuất sắc.

Cùng thời điểm, Luxshare ICT (công ty chuyên lắp ráp tai nghe cho Apple và Samsung) đăng thông báo tuyển 1.000 công nhân, kỹ sư cho các vị trí tại 2 nhà máy ở Bắc Giang và Nghệ An. Trước đó, năm 2020, Luxshare ICT đã mở đợt tuyển dụng hơn 12.000 công nhân và vẫn đang tiếp tục tìm kiếm nhân công cho các dây chuyền lắp ráp.

Trước đó, HCL (Ấn Độ) đã mở văn phòng, đăng thông báo tuyển dụng 3.000 nhân viên trong vòng 4 năm cho kế hoạch hoạt động tại Việt Nam…

Hiện nay, có trên 20 doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn ứng dụng CNTT đang có nhu cầu tuyển dụng nhân lực số lượng lớn tại Việt Nam.

Ở góc độ địa phương, chỉ riêng TP. Đà Nẵng, năm 2021, các doanh nghiệp cần tới 6.200 nhân lực CNTT và đến năm 2025 sẽ cần tới 10.000 nhân sự trong ngành này.

Ông Lê Hồng Lĩnh, Giám đốc nguồn lực Công ty TNHH Phần mềm FPT cho biết, năm 2021, FPT Đà Nẵng cần tuyển khoảng 1.500 nhân lực CNTT với 50% là nhân sự có kinh nghiệm và 50% là sinh viên mới ra trường. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, trong  2 - 3 năm tới, FPT Đà Nẵng cần tuyển khoảng 2.000 - 3.000 nhân lực CNTT mỗi năm.

Theo Navigos Search, từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều doanh nghiệp công nghệ thuộc châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đang tìm hiểu thị trường để đầu tư xây nhà máy và phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là thị trường phía Nam. Do quỹ đất tại TP.HCM không còn nhiều, nên dự kiến họ sẽ mở rộng sản xuất ở các khu công nghiệp mới tại các tỉnh, thành phố như Bình Dương, Long An, Đồng Nai và Cần Thơ. Dù Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến ngành CNTT trì hoãn tuyển dụng, nhưng nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu phát triển rất lớn với kế hoạch tuyển dụng 1.000 kỹ sư CNTT.

"Việc đầu tiên của một doanh nghiệp công nghệ muốn mở rộng đầu tư, xây dựng nhà máy ở Việt Nam là đi tìm người, phải nâng lương rất cao để thu hút nhân lực, nhưng vẫn rất khó", ông Paul Dao, Giám đốc Công ty phần mềm HTGSOFT chia sẻ về tình trạng thiếu hụt kỹ sư công nghệ tại Việt Nam.

Ngành mới nổi cũng “khát” nhân lực CNTT

Ngoài các ngành như sản xuất công nghiệp, khối viễn thông - CNTT, start-up…, thì các ngành khác cũng có nhu cầu nhân lực rất lớn, trở thành đối thủ cạnh tranh thu hút nguồn nhân lực.

Ông Nguyễn Đức Huy, Phó giám đốc Khối ngân hàng số của Ngân hàng MB cho biết, lĩnh vực ngân hàng đã sử dụng rất nhiều nguồn nhân lực trong và ngoài để tạo nền tảng số. “Nhu cầu nhân lực về CNTT trong những năm vừa qua tăng rất nhanh. Tại MB Bank, nhu cầu nguồn nhân lực CNTT đã tăng 200 - 300%. Đến nay, để xây dựng và duy trì các nền tảng số, chúng tôi cần đội ngũ khoảng 1.000 kỹ sư trong và ngoài ngân hàng”, ông Huy nói.

Trong "Bảng hướng dẫn lương 2021" của Adecco Việt Nam cho biết, 3 vị trí tuyển dụng trong ngành CNTT được đánh giá "hot" nhất là giám đốc CNTT, kỹ sư dữ liệu và kỹ sư hạ tầng. Trong đó, vị trí giám đốc CNTT có trên 5 năm kinh nghiệm có thể nhận mức lương 250 - 400 triệu đồng/tháng tại TP.HCM và 120 - 250 triệu đồng/tháng tại Hà Nội. Một số vị trí có kinh nghiệm từ 5 năm như kiến trúc sư phầm mềm/giải pháp; kỹ sư phần mềm, kỹ sư dữ liệu có thể nhận được mức lương tháng cao nhất lần lượt là 160 triệu đồng, 120 triệu đồng và 80 triệu đồng. Nhưng không dễ tuyển dụng.

Còn bà Phạm Lan Khanh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Truyền thông số cho rằng, ngoài những ngành nghề truyền thống, trong năm 2021 sẽ chứng kiến nhiều ngành nghề mới nổi và sự chuyển hướng của một số ngành nghề nhằm thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của thế giới cũng như hệ quả do dịch bệnh để lại.

“Những nghề sẽ bùng nổ trong năm 2021 là nhà khoa học dữ liệu làm việc trong lĩnh vực công nghệ, chuyên gia sử dụng các phương pháp thống kê khác nhau, kỹ thuật phân tích dữ liệu để đưa ra các kết luận kinh doanh quan trọng cho doanh nghiệp. Hay như kiến trúc sư nền tảng điện toán đám mây và lập trình viên. Kiến trúc sư nền tảng điện toán đám mây là người chịu trách nhiệm quản lý các kiến trúc điện toán đám mây trong toàn bộ hệ thống. Họ giúp doanh nghiệp bảo đảm các rủi ro, chuyển đổi thông tin sang điện toán đám mây thành công và tiết kiệm. Còn lập trình viên là một nhà phát triển đa năng, có kinh nghiệm và hiểu biết sâu cả về phần mềm và phần cứng... Theo tôi, đây là những ngành nghề sẽ bùng nổ tại Việt Nam trong thời gian tới, bởi khởi nghiệp công nghệ đang gặt hái được nhiều thành tựu. Các công ty công nghệ lớn của thế giới cũng đang hiện diện tại Việt Nam và đó là cơ hội cho nhân lực của các ngành nghề trên”, bà Khanh nói.

Hay như ngành game cũng đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Việt Nam hiện chỉ có khoảng 500 kỹ sư làm việc ở mảng game. Trong khi đó, theo báo cáo từ Appota, cả nước có khoảng 50 triệu người chơi game, tổng doanh thu ước đạt 500 triệu USD. Ước tính, nhân sự phục vụ ngành game sẽ khoảng 23.000 - 28.000 người.

Bên cạnh đó, các ngành như kỹ sư về trí tuệ nhân tạo (AI), máy học, tư vấn chuyển đổi số, tự động hóa quy trình robot, điện toán lượng tử, blockchain, Internet vạn vật (IoT)… cũng đang là những ngành nghề mới được săn đón.

Theo thống kê từ TopDev, trang tuyển dụng về công nghệ phần mềm, nhu cầu nhân lực CNTT tăng, nhưng thị trường lao động lĩnh vực này tại Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu hụt về cả số lượng và chất lượng. Năm 2021, số lượng nhân lực CNTT cần là 500.000 người và đang thiếu hụt 190.000 người. Hơn 43% doanh nghiệp được phỏng vấn trong tình trạng thiếu nhân sự.

(Theo báo điện tử Đầu tư).