Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Học - Thi -Tuyển sinh

Lưu ý giúp học sinh lớp 12 ôn tập tốt môn Tiếng Anh.

Cập nhật 31/05/2021 - 04:31:53 PM (GMT+7)

GD&TĐ - Cô Nguyễn Huyền Nhung, giáo viên tiếng Anh Trường THCS-THPT Đào Duy Anh, TP.HCM đã có những lưu ý giúp học sinh khối 12 ôn tập tốt, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 sắp tới.         

Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ nhẹ nhàng và không còn áp lực nếu chúng ta có sự chuẩn bị kĩ càng.

Điều đầu tiên, chúng ta cùng xem lại cấu trúc cũng như là ma trận của đề thi mẫu năm 2021 do Bộ GD-ĐT đã công bố. Đây là cơ sở để các giáo viên có những định hướng ôn tập cho học sinh khi chương trình học kỳ 2 đã kết thúc, các em chuyển sang giai đoạn ôn tập theo các chủ đề, chủ điểm, rèn các bộ đề.

Học sinh xem ma trận đề thi minh hoạ tại đây

Về tổng quát thì đề thi sẽ có 50 câu hỏi trắc nghiệm thuộc dạng bài như đề thi năm 2020, nhưng có sự thay đổi nhẹ về mặt nội dung.

Đề có tính phân hoá, rơi vào khoảng 30% câu hỏi từ khó tới cực khó.  Phạm vi cần học  đều nằm trong chương trình lớp 12, tập trung vào các câu cơ bản và dễ lấy điểm như: mạo từ, thì động từ, câu hỏi đuôi, mệnh đề quan hệ dạng rút gọn,...

Học sinh cần lưu ý một số vấn đề sau để ôn tập tốt, tham gia kì thi với tâm thế tự tin.

Ôn tập một cách hiệu quả: Ôn tập bước đầu- mỗi dạng bài ôn đi ôn lại từ 1-2 ngày để ghi nhớ kĩ dạng đề.

Sau khi đã quen từng dạng thì bắt đầu tăng tốc. Mỗi ngày có thể làm khoảng 2 đề thi để rèn kỹ năng một cách nhuần nhuyễn. Giai đoạn này nên canh thời gian để phân bố thời gian làm bài cho hợp lý với nguyên tắc: Dễ trước – Khó sau.

Học sinh phải kết hợp ăn uống điều độ, nghỉ ngơi hợp lý. Áp dụng nguyên tắc “quick nap” mỗi lần mệt mỏi- tương đương với nghỉ ngơi 15 phút và sau đó học tiếp.  Cứ thảnh thơi để ôn tập. Khi tới tuần học cuối cùng  nên thư thái, thoải mái chứ không nên nhồi nhét thêm. Nên hãy thong thả và ôn chắc những dạng dễ ăn điểm và dễ làm, hãy chắc chắn về những câu dễ để thêm phần suy nghĩ cho câu khó hơn trong đề thi.

Một số phần kiến thức cần lưu ý đối với học sinh

Phần Ngữ âm: Đây là phần phát âm, dấu của các từ quen thuộc. Hầu hết có trong sách giáo khoa nên học sinh cần lưu ý nắm thật chắc. Có 2 câu kiểm tra phát âm: 1 câu về nguyên âm và 1 câu về cách phát âm đuôi -ed. Có 2 câu kiểm tra trọng âm của những từ có 2 và 3 âm tiết.

Về từ đồng nghĩa và trái nghĩa: Trong sách giáo khoa và đề thi sẽ ra các dạng tương tự nhau, mỗi lần look up từ mới  các em hãy tìm luôn từ trái nghĩa của nó luôn.

Hoàn thành câu: Các kiến thức ngữ pháp cơ bản như mạo từ, câu điều kiện, các thì trong tiếng Anh, mệnh đề nhượng bộ, giới từ, phân từ, câu bị động với danh động từ, các cụm từ. Các câu hỏi ở phần bài này không gây khó khăn nhiều vì chúng chỉ ở mức độ dễ và trung bình.

Phần từ vựng: Phần này các em nên luyện bài reading thật nhiều vì đa số từ vựng đều nằm trong đó là chủ yếu. Cần trang bị cho chính bản thân mình một kho tàng từ vựng, không chỉ dành cho bài thi mà còn áp dụng vào đời sống sau này.

Chức năng giao tiếp: Đây là phần kiến thức khá quen thuộc và đơn giản nên nếu học sinh ôn tập tốt theo hướng dẫn của giáo viên sẽ dễ ăn điểm.

Tìm câu đồng nghĩa: Dạng bài này là để vận dụng tất cả những kiến thức  đã học từ trước tới giờ vào trong 1 câu không mấy đơn giản nên phải rèn nhiều để thuần thục.

Nối câu: Dạng câu này dựa vào điều kiện giả định và đảo ngữ để nối câu. Ôn tập kĩ, chỉ cần đọc kĩ là có thể làm được.  

Tìm lỗi: Thông thường các đề thi những năm qua luôn luôn cho 2 câu lỗi sai ngữ pháp từ dễ tới trung bình. Có một câu sẽ cần học sinh vận dụng kiến thức, từ vựng phong phú. 

Điền từ: Chuyện gì quan trọng thì chúng ta nhắc lại 3 lần: vốn từ phong phú- vốn từ phong phú- vốn từ phong phú.  3 câu còn lại là về phần ngữ pháp nên phải nắm chắc.

Đọc hiểu: Gồm 12 câu và câu khó chỉ có 1, học sinh cần ôn tập kĩ và không mất nhiều thời gian ở các câu hỏi này, để dành thời gian làm các câu khó.

Ngoài ra, các em cần lưu ý phải tối đa hoá thời gian làm bài thi. Cụ thể, phân bố thời giạn hợp lý, nhìn qua một lượt và nhận biết câu dễ câu khó để làm theo trình tự từ trên xuống, 10-15 phút cuối là thời gian hợp lý để dành cho các câu hỏi khó. 

Đọc thật kĩ nhưng cố gắng đừng bao giờ dịch hết bài đọc. Dùng bút gạch chân từ khóa (kể cả bài đọc hoặc câu trả lời). Áp dụng phương án loại trừ, phỏng đoán nhưng song song đó vận dụng kiến thức cơ bản để có thể loại suy.

Học sinh không được bỏ trống bất kỳ cầu câu hỏi nào trong bài thi và tránh trường hợp đánh lụi tất cả các câu trả lời với 1 đáp án.

(Theo báo Giáo dục & Thời đại).