Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Học - Thi -Tuyển sinh

Rớt đại học đợt 1: Thí sinh bình tĩnh, còn cơ hội trúng tuyển các đợt xét bổ sung

Cập nhật 06/10/2020 - 10:02:21 AM (GMT+7)

TTO - Đây là 'mách nước' của các chuyên gia tuyển sinh với điều kiện thí sinh phải theo dõi sát sao những thông tin về tuyển sinh từ các ngành, các trường mà mình yêu thích.

 

 

"Nếu lỡ rớt đợt 1, đặc biệt các thí sinh điểm cao nhưng vẫn rớt có thể do chủ quan, thí sinh cần hết sức bình tĩnh để chọn ngành chọn nghề phù hợp. Hãy đậu ĐH để học ngành phù hợp năng lực, sở trường của mình, đừng nên bằng mọi giá phải vào ĐH rồi học với ngành học xa lạ, sở đoản với bản thân." TS. Trần Đình Lý.

 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thu Thủy cho biết có nhiều nguyên nhân khiến điểm chuẩn dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay cao.

Có nguyên nhân COVID-19

Dịch COVID-19 bùng nổ khiến Bộ GD-ĐT quyết định mục tiêu kỳ thi tốt nghiệp THPT chủ yếu phục vụ công tác xét tốt nghiệp nên đề thi có yêu cầu thấp hơn năm 2019, do đó điểm mặt bằng của thí sinh năm nay cao hơn.

Theo bà Thủy, với quy định của quy chế tuyển sinh hiện hành, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng vào các trường, các ngành. Bộ GD-ĐT cũng thường xuyên khuyến cáo, truyền thông qua các kênh để thí sinh lưu ý điểm này khi đăng ký xét tuyển bằng điểm thi THPT.

Tuy nhiên, một số thí sinh chỉ đăng ký 1 (hoặc rất ít) nguyện vọng, hoặc chỉ đăng ký vào các ngành, trường thuộc tốp đầu, mức độ cạnh tranh rất lớn. Về nguyên tắc, các trường sẽ xét tuyển theo điểm thi từ cao xuống thấp (không phân biệt thứ tự nguyện vọng của thí sinh). 

Do giới hạn về chỉ tiêu tuyển sinh nên việc thí sinh có điểm thi thấp hơn các thí sinh khác không trúng tuyển là việc tất yếu có thể xảy ra, mặc dù thí sinh có điểm thi cao hoặc rất cao.

Điểm cao nhưng không đậu, tính sao?

Trước tình hình này, lời khuyên nào cho thí sinh điểm cao nhưng không đậu? Theo bà Thủy, hiện tại các trường được xét tuyển nhiều đợt trong năm, đợt 1 xét tuyển chung cũng chỉ là một trong nhiều đợt xét tuyển của các trường. 

Các trường căn cứ vào số lượng thí sinh xác nhận nhập học, xem xét các chỉ tiêu tuyển sinh còn lại trong năm 2020 để quyết định có xét tuyển bổ sung nữa hay không (ở các đợt tiếp theo).

Nếu xét tuyển bổ sung, các trường sẽ công bố chỉ tiêu, mức điểm nhận hồ sơ (lưu ý điểm nhận hồ sơ không thấp hơn mức điểm trúng tuyển đợt 1), thời gian nhận hồ sơ, thời gian xét tuyển... và công bố kết quả trên trang thông tin điện tử của trường hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thí sinh có thể căn cứ vào những thông tin này để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường (nộp tại trường, qua chuyển phát nhanh, hoặc theo quy định của từng trường); thí sinh cũng có thể nộp xét tuyển vào nhiều trường, nhiều ngành, nhiều đợt khác nhau để xét tuyển.

Bà Nguyễn Thu Thủy cũng cho biết Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường nói chung, đặc biệt là các trường thuộc tốp đầu, nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì nên tuyển bổ sung các đợt sau, tạo điều kiện cho các thí sinh có điểm thi THPT tốt nhưng chưa đậu theo kết quả xét tuyển đợt 1. 

Ngoài ra, thí sinh còn có cơ hội tuyển sinh vào các chương trình liên kết đào tạo quốc tế (thường có điểm chuẩn thấp hơn một chút - PV).

(Theo Tuổi Trẻ Online).