Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Những sự kiện nổi bật của ngành giáo dục năm 2014

Cập nhật 30/12/2014 - 11:12:41 AM (GMT+7)

Nhìn lại một năm của ngành giáo dục nước nhà, bên cạnh những thành tựu, thì vẫn còn đâu đó những nỗi lo, trăn trở xuất phát từ học sinh, từ phụ huynh và ngay cả chính những nhà quản lý, thầy cô giáo khắp nơi trong cả nước.

Những sự kiện giáo dục một năm qua cho thấy ngành giáo dục đã cố gắng hết mình để hiện thực sự nghiệp cao cả như Bác Hồ đã dặn: “Vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Dưới đây là những sự kiện được các chuyên gia và Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bình chọn.

Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam ra đời

Việc ra đời Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam mang một dấu ấn trọng đại, từ nay các trường Đại học, Cao đẳng công lập và Ngoài công lập đã về chung một mái nhà; cùng học hỏi kinh nghiệm và cùng nhau thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình là một tổ chức xã hội nghề nghiệp mang tính chất phản biện, tư vấn xây dựng chính sách giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học.

Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam chính thức được thành lập, đáp ứng nguyện vọng của nhiều cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.

Trước đó, ngày 5/5/2014, Văn phòng Chính phủ có Thông báo truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý thành lập Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam. Theo đó, Hiệp hội sẽ hình thành trên cơ sở tổ chức lại Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập Việt Nam.

Ngày 6/11/2014, Bộ Nội vụ theo chức năng của mình, và theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định cho phép thành lập Hiệp hội.

Ngày 20/12 vừa qua, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tiến hành Đại hội lần thứ nhất nhiệm kỳ 2014-2019. Đại hội đã nghe nhiều ý kiến chia sẻ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các chuyên gia, cuuwjq quan chức về sứ mệnh và vai trò của Hiệp hội.

Kỳ thi THPT quốc gia

Năm 2014 cũng là năm đánh dấu quyết định đổi mới thi cử, tiến tới đổi mới trong cách dạy và học, thực hiện đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. 

Theo đó, hai kỳ thi lớn (tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh vào ĐH) diễn ra vào gần thời điểm, dành cho học sinh lớp 12 đã được quyết định “chỉ còn một”. Đó là tinh thần của "kỳ thi THPT quốc gia năm 2015".

Từ năm 2015 sẽ chỉ còn một Kỳ thi, gọi là Kỳ thi quốc gia (gộp chung hai Kỳ thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ).

Trước khi đi đến kết luận cuối cùng, tranh cãi đã diễn ra tưng bừng. Đáng chú ý nhất vẫn là ý tưởng, nếu phải bỏ một trong hai kỳ thi, thì nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT mà thay vào đó là xét tuyển học bạ. Đến ngày 9/9, Bộ GD&ĐT công bố, sẽ tổ chức kỳ thi này theo các cụm trung ương và địa phương, kèm theo nhiều giải pháp kỹ thuật mới. Quy chế cho kỳ thi này vẫn đang trong quá trình xin ý kiến và sẽ được chốt vào cuối năm nay.

Thông qua Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa là một đề án lớn của ngành giáo dục. Trong năm qua, đề án này đã tốn không ít giấy mực của báo chí, nhiều nhà chuyên môn, nhà giáo dục, các chuyên gia tham gia góp ý cho Đề án. Mặc dù được đưa ra từ Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam cuối năm 2013, nhưng để được Quốc hội thông qua thì phải tới năm 2014.


Năm 2014 đánh dấu việc Quốc hội thông qua Đề án sách giáo khoa, tạo tiền đề cho việc đổi mới giáo dục sắp tới.

 

Tháng 4/2014, tại phiên họp Thường vụ Quốc hội, khi Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trả lời con số khái toán cho đề án là 34.275 tỷ đồng, lập tức đề án gây xôn xao dư luận. GS Hoàng Tụy nói "Hy vọng tôi không nghe nhầm".

Ngay sau đó Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích con số này là do sơ xuất trong tính toán. Kế hoạch trình đề án ra Quốc hội vào tháng 5 bị hoãn lại.

Tới phiên họp Quốc hội cuối năm, vào đúng ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) Bộ trưởng giải thích "làm sách giáo khoa không vì lợi ích nhóm", “không có chuyện đá bóng, thổi còi”. Đáng chú ý là kinh phí cho Đề án này từ hơn 34 nghìn tỷ đã được rút xuống còn hơn 400 tỷ đồng. Sau một số phản biện, Quốc hội đã thông qua đề án với 88,22% đại biểu tán thành. 

Bỏ chấm điểm tiểu học, không có lưu ban, không tuyển sinh vào lớp 6.

Thông tư 30 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10 về cách đánh giá học sinh. Thay vì cho điểm thường xuyên, nhà trường sẽ cho vào các đợt cuối mỗi kỳ học; các giáo viên tăng cường đánh giá sự tiến bộ của học sinh bằng nhận xét. Để hỗ trợ cho giải pháp này, có nhiều giải pháp đi kèm như cấm lập đội tuyển học sinh giỏi tiểu học, không thi tuyển sinh vào lớp 6…


Đánh dấu một năm nhiều thay đổi trong giáo dục, đây cũng là năm mà bậc tiểu học được đánh giá theo phương thức nhận xét thay cho chấm điểm như trước kia.

Đây là một thay đổi lớn khiến không ít phụ huynh và cả giáo viên chưa kịp thích ứng. Chúng ta đã quá quen với việc nhận xét bằng cách cho điểm số, do vậy bước đầu thực hiện không tránh khỏi những bỡ ngỡ.

Điều lệ trường Đại học ra đời

Trong nhiều năm câu chuyện về trường Đại học hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận hay lợi nhuận vẫn là đề tài trao đổi không dứt. Trường ngoài công lập và trường công lập cũng vậy.

Ngày 10/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định ban hành Điều lệ trường đại học, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn; tổ chức và quản lý trường đại học; hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế; giảng viên và người học; tài chính và tài sản... của các trường.

Việc Điều lệ trường Đại học ra đời sẽ phân định rõ trách nhiệm, cơ cấu của từng loại hình đại học.

Theo đó, đáng chú ý Điều lệ cho phép các trường quyết định mục tiêu, chiến lược và kế hoạch phát triển; quyết định thành lập bộ máy tổ chức, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý trên cơ sở chiến lược và quy hoạch phát triển nhà trường; thu, chi tài chính, đầu tư phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định, trong đó một số quan điểm mới về trường đại học tư thục phi lợi nhuận ở Việt Nam đã được ban hành.

Đạo văn vẫn đáng lo ngại

Những vụ đạo văn, nghi vấn đạo văn trong ngành giáo dục vẫn còn và điều đó làm cho xã hội lo ngại lòng trung thực của con người sẽ mãi là điều khó lường nhất.

Điển hình nhất là sự việc liên quan tới Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cụ thể là hiệu phó Nguyễn Cảnh Lương và Trần Văn Tớp. Hai sự việc này đã làm nổi sóng dư luận khi những nghi ấn có cơ sở liên quan tới đạo văn chưa được xử lý dứt điểm.

Gần 600 học sinh Hà Tĩnh nghỉ học giữa chừng

Nguyên nhân của vụ 600 học sinh ở xã Hương Bình, Hương Khê, Hà Tĩnh thất học là do Bộ GD&ĐT chưa có quy định bắt buộc khi giải thể, chia, tách sáp nhập trường phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư. 

Gần 600 học sinh Hà Tĩnh phải nghỉ học do những việc làm của người lớn khiến chúng ta lo lắng. Hiện các em đã đi học trở lại.

Trước sự việc này, từ lãnh đạo Bộ GD&ĐT; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội khẳng định, dù làm việc gì cũng phải đặt lợi ích con trẻ lên hàng đầu. Tới tới thời điểm cuối năm, sau nhiều tháng vận động, giải thích, tuyên tuyền, hiện gần như 100% học sinh đã được đi học trở lại.

Giáo dục Đại học và câu chuyện phi lợi nhuận

Một cuộc đại hội bất thường của cổ đông Đại học Hoa Sen diễn ra sáng 2/8/2014 đã kéo dài hơn dự kiến và kết thúc vào 5 giờ chiều cùng ngày. Cuối cùng, 98,5% biểu quyết đồng bãi nhiệm ông Trần Văn Tạo (chủ tịch HĐQT), 98,75% biểu quyết bãi nhiệm bà Bùi Trân Phượng (hiệu trưởng).

Lùm xùm ở Đại học Hoa Sen là một trong những tiêu điểm nổi bật trong năm về giáo dục.

Sự việc của Trường Đại học Hoa Sen được các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nhận định là điển hình của câu chuyện Giáo dục Đại học lợi nhuận và phi lợi nhuận ở nước ta.

Đa số đồng tình cho rằng ở nước ta chưa có giáo dục đại học phi lợi nhuận đúng nghĩa. Khung pháp lý cũng chưa đầy đủ. Bản thân các trường mới chỉ giương lên ngọn cờ phi lợi nhuận. Thực tế thì vẫn hoạt động có lợi nhuận, hoặc tốt hơn thì ở mức bất vụ lợi.

Việc xác định rõ được như trên, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách sớm hoàn thiện khung pháp lý để các nhà đầu tư, các mạnh thường quân có thể bắt tay vào xây dựng và phát triển các trường phi lợi nhuận thực sự. Việc ấy, không chỉ có ích với xã hội, mà còn ổn định việc học và dạy ở các trường, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến sinh viên. 

(Theo Báo Giáo Dục Việt Nam)