Sức hút của việc học ĐH vẫn còn quá lớn, khiến không ít sĩ tử thản nhiên từ chối cánh cửa CĐ hoặc chỉ thi một cách dửng dưng…
CĐ chỉ là cửa… phụ?
Đợt thi CĐ vừa qua, thí sinh L.T.M (Bảo Lộc, Lâm Đồng) lặn lội xuống TP.HCM dự thi tại Trường CĐ Bách Việt để lấy kết quả xét tuyển vào khối ngành sư phạm của một trường CĐ tại địa phương. Thí sinh này cho biết, mục đích chọn học sư phạm của em là để giảm áp lực học phí do gia cảnh khá khó khăn. Dù mục đích chính đáng như vậy, nhưng môn thi tự luận đầu tiên thí sinh này chỉ làm trong 2/3 thời gian. Một giờ còn lại, em chỉ ngồi trong phòng thi để… chơi. M. cho biết, chỉ khi thi ĐH em mới “dốc hết sức”, còn với CĐ em không mấy hứng thú, thậm chí còn cảm thấy chán nên mới “gác bút” sớm. Tại một hội đồng thi CĐ khác, có thí sinh vừa ra khỏi cổng trường là… quên ngay đề thi, mặc dù ở môn tự luận khối xã hội, số câu hỏi không quá nhiều.
Khá nhiều thí sinh trong kỳ tuyển sinh vừa qua, chỉ xem CĐ là một tấm vé “sơ-cua”, nghĩa là thi cho có, lỡ chẳng may trượt ĐH thì còn đậu CĐ để không bị áp lực với gia đình. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự thi cho mùa tuyển sinh năm nay, không ít thí sinh thẳng thắn bày tỏ là chỉ có nguyện vọng học ĐH. Thậm chí có em còn phán: “Thời nay, ai còn học CĐ nữa”…
Cũng trong kỳ tuyển sinh vừa qua, chúng tôi ghi nhận được tại một hội đồng thi CĐ, số thí sinh dự thi còn ít hơn… cán bộ tham gia công tác tổ chức thi. Đó là Hội đồng thi CĐ của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, chỉ có 35 thí sinh dự thi, trong khi đó trường vẫn bố trí đầy đủ 39 cán bộ thực hiện công tác tổ chức, coi thi và hàng trăm sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ, tiếp sức. Chưa kể, tại hội đồng thi một trường CĐ khác, nhà trường bên cạnh việc chuẩn bị chỗ ở miễn phí với đầy đủ mùng, mền, chiếu, còn dự trữ sẵn hàng ngàn ly mì ăn liền nhằm phục vụ các thí sinh ôn bài khuya… Chưa kể các lực lượng xã hội, mạnh thường quân hỗ trợ suất ăn, chỗ ở miễn phí, giá rẻ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh trong những ngày diễn ra đợt thi CĐ. Tuy nhiên, điều đáng buồn là khá nhiều thí sinh lại xem việc thi CĐ là một “cuộc dạo chơi”, đậu rớt không quan trọng, vì mục tiêu chính nhắm đến của các em chỉ duy nhất là học ĐH.
“ĐH không phải con đường duy nhất”
Trên thực tế, không phải thí sinh nào cũng đủ sức theo đuổi việc học ĐH. Có những em học lực trung bình cũng nhất quyết “tay xách nách mang” đồ đạc vượt hàng trăm cây số đi thi ĐH, đến khi không đậu mới chịu để mắt đến các bậc học thấp hơn như TCCN, trường nghề… Bao nhiêu chi phí, công sức “lặn lội đường xa” những ngày lai kinh ứng thí dường như các em không để ý tới.
Và trên thực tế, thời gian qua đã có nhiều thí sinh vì “mộng” học ĐH đã chấp nhận theo đuổi những ngành nghề không phù hợp, bản thân không yêu thích, để rồi chán nản hoặc tìm cách bắt đầu lại. Chưa kể, sau quãng thời gian học hành hời hợt, các em ra trường phải đối mặt với không ít khó khăn.
“ĐH không phải con đường duy nhất” là khái niệm thường xuyên được đề cập ở mỗi mùa thi, mục đích nhằm nhắc nhở thí sinh biết lượng sức để chọn lối vào đời phù hợp. Khái niệm này càng đáng để thí sinh phải lưu tâm, nhất là trong điều kiện gần đây, có hẳn một con số khổng lồ sinh viên tốt nghiệp ĐH không tìm được việc làm. Nhưng dù là vào đời bằng con đường ĐH hay CĐ, thí sinh đều cần có quyết tâm và đầu tư công sức, ít nhất thể hiện bằng việc không thi cử… hời hợt. Bởi trong câu chuyện thi cử, không chỉ đơn thuần là công sức của riêng các em, còn có những bậc phụ huynh bỏ việc ruộng vườn để “khăn gói” theo hộ tống, lo lắng từng bữa ăn giấc ngủ hay có sự hỗ trợ, tiếp sức từ sinh viên tình nguyện và những lực lượng khác… Và điều quan trọng dễ thấy là ngay cả thi CĐ, nếu không cố gắng hết mình, thí sinh sẽ không nhận được kết quả xứng đáng.
Bài, ảnh: Mê Tâm
“ĐH không phải con đường duy nhất” là khái niệm thường xuyên được đề cập ở mỗi mùa thi, mục đích nhằm nhắc nhở thí sinh biết lượng sức để chọn lối vào đời phù hợp. |