Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Vì sao điểm thi tốt nghiệp Địa lý năm nay thấp?

Cập nhật 20/06/2013 - 08:52:14 AM (GMT+7)

Điểm thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý năm nay thấp trái với kỳ vọng điểm cao như nhận định ban đầu của giáo viên và học sinh. Thậm chí, nhiều thí sinh không đạt tốt nghiệp loại giỏi chỉ vì điểm Địa lí thấp. Vậy nguyên nhân do đâu?

Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, thầy Vũ Quốc Lịch - giáo viên môn Địa lý trường THPT Hà Nội - Amsterdam cho biết: “Cấu trúc đề thi, nội dung kiểm tra mà đề thi Địa lí năm nay đề cập là chuẩn mực, bám sát chương trình, nội dung SGK và gắn với các vấn đề lớn đang được quan tâm của đất nước như vấn đề xuất nhập khẩu, lao động và việc làm, bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển đảo. Đáp án đưa ra cũng rất cơ bản, phù hợp, thậm chí có chỗ đơn giản hơn rất nhiều so với yêu cầu, cụ thể như phần vẽ biểu đồ theo đáp án thí sinh có thể ghi hoặc không ghi số liệu trên đầu mỗi cột và tại các điểm gấp khúc của đồ thị vẫn được điểm tối đa”.

Thí sih xem lại bài thi môn Địa tốt nghiệp THPT
Thí sinh xem lại bài thi môn Địa tốt nghiệp THPT.


Tuy nhiên, điểm thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý năm nay thấp trái với kỳ vọng điểm cao như nhận định ban đầu của giáo viên và học sinh. Thậm chí, nhiều thí sinh không đạt tốt nghiệp loại giỏi chỉ vì điểm địa lí thấp. Vậy nguyên nhân do đâu? Thầy giáo Vũ Quốc Lịch phân tích có 2 lý do chính, cụ thể:

 

Thứ nhất, thí sinh thiếu rèn luyện kĩ năng vẽ biểu đồ kết hợp. Năm nay đề yêu cầu vẽ biểu đồ kết hợp (cột và đường). Đây là loại biểu đồ đòi hỏi kĩ năng vẽ cao hơn các loại khác mà nếu không luyện tập thì khó vẽ nhanh được. Nếu chỉ vẽ biểu đồ đường thì đường đồ thị xuất phát tại trục tung, nhưng ở biểu đồ kết hợp điểm xuất phát cũng như các điểm gấp khúc của đường đồ thị lại phải nằm giữa các cột, nên khi vẽ biểu đồ kết hợp TS phải vẽ biểu đồ cột trước, nếu thí sinh nào vẽ đường đồ thị trước thì rất dễ sai.

Biểu đồ kết hợp có 2 trục tung và 2 cột đầu và cột cuối phải cách đều 2 trục, nhìn đơn giản vậy, nhưng nếu khi vẽ mà thí sinh dựng luôn 2 trục tung trước thì sẽ gây rất nhiều khó khăn cho mình. Mẹo vẽ nhanh là chỉ dựng một trục trước, chia khoảng cách năm và hoàn thành các cột xong thì mới dựng trục tung còn lại để vẽ đồ thị.

Thông thường vẽ biểu đồ thí sinh chỉ cần 5-7 phút, nếu vẽ biểu đồ tròn hay biểu đồ cột hoặc đường không thì thời gian cần ít hơn nhiều. Nhưng không ít thí sinh đã rất lúng túng khi vẽ biểu đồ kết hợp, các thí sinh vẽ rất lâu. Câu vẽ biểu đồ thường được các thí sinh chọn làm trước, nếu vẽ các dạng biểu đồ như mọi năm thí sinh nhanh chóng hoàn thành và sẽ tạo hưng phấn tốt để các em làm các câu tiếp theo. Nhưng năm nay việc loay hoay, lúng túng, thiếu tự tin, mất quá nhiều thời gian khi vẽ biểu đồ kết hợp đã ảnh hưởng đến tâm lí làm bài của thí sinh.

 

Thứ hai, thí sinh rất chủ quan vì nghĩ rằng đã có Atlat. Không thể phủ nhận sự trợ giúp đắc lực của Atlat cho thí sinh. Tuy nhiên với 5 năm liên tục thi tốt nghiệp địa lí, đã xuất hiện sự tuyên truyền thái quá, hiểu sai lệch về khả năng trợ giúp của công cụ này.

Nhiều người hiểu trong Atlat có tất tần tật, và thí sinh được mang Atlat vào phòng thi thì chỉ có việc mở ra mà chép. Thí sinh truyền tai nhau rằng chỉ cần biết khai thác Atlat là sẽ được điểm cao. Có GV chủ nhiệm khuyên HS tập trung học các môn khác còn “môn Địa lí thì không sợ, bởi các em đã có Atlat” (?)

Thậm chí có GV bộ môn cũng chia sẻ rằng trong tất cả các giờ địa lí lớp 12 đã cấm học sinh tuyệt đối không được mở sách để khai thác kênh chữ trong sách giáo khoa (SGK), tất cả kiến thức các em phải rút ra từ Atlat.

Rõ ràng họ đã không hiểu vấn đề. Làm như vậy khác nào phủ nhận vai trò của cuốn SGK Địa lí. Một tiết học mới, không phải tiết ôn tập mà GV bắt học sinh hoàn toàn khai thác từ Atlat thì khó có thể hoàn thành được mục tiêu của bài học. Không chỉ vì thời gian hạn chế. Vấn đề quan trọng là làm thế nào học sinh rút ra được đầy đủ các chuẩn kiến thức và kĩ năng chỉ từ Atlat.

Và giáo viên lên lớp với chỉ Atlat thôi thì cũng đồng nghĩa với việc phủ định luôn bản đồ treo tường - một công cụ phổ biến nhất, trực quan nhất trong dạy học địa lí hiện nay.

Nói tóm lại người ta đã thổi phồng lên quá mức khả năng trợ giúp của Atlat, và điều đó đã có sự tác động không nhỏ vào suy nghĩ của học trò, dẫn đến sự chủ quan không đầu tư thời gian, công sức xứng đáng cho việc học địa lí.

Đây chính là điểm cần chấn chỉnh để các kì thi tốt nghiệp năm sau, bài thi môn Địa lí có thể đạt kết quả cao hơn nữa.

(Theo Dân Trí)