Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Giảng viên đại học kiểu... gà đồi!

Cập nhật 03/04/2013 - 02:46:51 PM (GMT+7)

Chỉ dựa vào hai tiêu chí mà luật quy định, đội ngũ giảng viên ĐH của chúng ta chắc chắn còn lâu mới đạt đến trình độ khu vực chứ chưa nói đến trình độ quốc tế.

Để trở thành giáo viên trong các trường phổ thông, các thầy, cô giáo  phải tốt nghiệp hệ đào tạo chính quy các trường sư phạm. Để trở thành giảng viên đại học (kể cả tại các trường đại học sư phạm) thầy, cô phải học những gì và học ở đâu?

Vì sao- gà đồi?

Có một truyện vui hay được đề cập trong phòng nghỉ giữa giờ của giảng viên, rằng giảng viên ĐH phần lớn được đào tạo theo kiểu "gà đồi". Những "gà đồi tập sự" trước khi được công nhận làm giảng viên chính thức sẽ phải tự học, tự bồi dưỡng kiến thức và ... tự kiếm sống chẳng khác gì gà thả rông trên đồi! Vì sao lại như vây?

Các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo được luật hóa tại khoản 3, 4 điều 54 Luật GDĐH:

Trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ ĐH là thạc sĩ trở lên. ... Hiệu trưởng cơ sở GDĐH ưu tiên tuyển dụng người có trình độ từ thạc sĩ trở lên làm giảng viên. ... Bộ trưởng Bộ GD và ĐT ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, quy định việc bồi dưỡng, sử dụng giảng viên.

Như vậy, muốn trở thành giảng viên ĐH phải thỏa mãn hai điều kiện tối thiểu: "Là thạc sĩ" và "phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm". Muốn có học vị thạc sĩ thì phải đi học, nhưng theo luật, các cơ sở giáo dục bậc ĐH không có nghĩa vụ phải hỗ trợ chi phí học tập cho giảng viên. (Khoản 1 điều 56 Luật GDĐH: Giảng viên trong cơ sở GDĐH được cử đi học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ).

Vậy là với đồng lương trợ giảng (vì chưa đạt chuẩn thạc sĩ) họ phải chắt bóp từng đồng để học tiếp thạc sĩ và đương nhiên để lo cho cuộc sống họ sẽ phải bươn chải theo kiểu ... gà đồi.

Việc các đơn vị sử dụng lao động phải chi kinh phí đào tạo lại các cử nhân, kỹ sư mới ra trường là chuyện phổ biến, vậy tại sao ngành GD chưa có các quy định bắt buộc về khoản kinh phí cho việc đào tạo giảng viên ĐH? Phải chăng giảng viên được đào tạo kiểu "gà đồi" chất lượng sẽ hơn "gà công nghiệp"?

Tất cả giảng viên tập sự đều hy vọng khi Luật GDĐH đi vào cuộc sống thì "các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ" sẽ bao gồm toàn bộ kinh phí đào tạo thạc sĩ và giảng viên tập sự sẽ không phải viết đơn xin ... hỗ trợ kinh phí khi học cao học.

Bao giờ cho đến ...ngày xưa?

Từ chuyện hôm nay nhớ lại chuyện ngày xưa, việc đào tạo giảng viên ĐH có thể ví như mảnh đất hoang 40 năm chỉ một lần cày sới. Nói như vậy là vì dưới thời cố Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, năm 1968 Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp tổ chức một số lớp đào tạo giảng viên ĐH.

Còn nhớ khi đó Bộ chỉ thị cho các trường chọn những sinh viên ưu tú nhất sau khi học xong chương trình cơ bản (hết năm thứ hai) đưa đi đào tạo tiếp để trở thành giảng viên ĐH. Những sinh viên được lựa chọn từ các trường ĐH Bách Khoa, Xây Dựng, Giao Thông, Nông Nghiệp... được tập trung về ĐH Bách Khoa HN và được phân thành các lớp Toán - Lý, Sức bền vật liệu, Hình họa, Nguyên lý máy, Chi tiết máy...

Số lượng sinh viên mỗi lớp khoảng 20 người, toàn bộ số sinh viên này được hưởng tiêu chuẩn học bổng toàn phần (22 đồng/ tháng). Dưới sự chỉ đạo của Bộ, nhiều giáo sư, phó giáo sư đầu ngành của các trường được điều  đến giảng cho các lớp đặc biệt này.

Ví dụ như là GS Phan Văn Hạp (ĐH Tổng hợp), GS Nguyễn Văn Đạo, Phó GS Bùi Trọng Lựu, Đinh Gia Tường (ĐH Bách khoa), Phó GS Trần Bình (ĐH Xây Dựng)...

Các giảng viên tương lai phải học tiếp ba năm ngoại ngữ (nghĩa là học ngoại ngữ suốt năm năm). Ngay từ năm 1969 sinh viên các lớp này đã được học môn Máy tính điện tử và Ngôn ngữ lập trình Fortran. Các sinh viên này được cấp thẻ ưu tiên tại Thư viện Quốc gia. Họ cũng được ưu tiên chạy các chương trình tại trung tâm máy tính duy nhất cả nước đặt tại Đồi Thông (phố Đội Cấn- HN).

Năm 1971 sau khi tốt nghiệp, gần 100% số sinh viên này trở thành giảng viên các trường ĐH miền Bắc. Nhiều người trong số họ đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở nước ngoài. Hơn 40 năm đã trôi qua, có lẽ với ngành GD, câu chuyện trên đây đã trở thành cổ tích? 

giảng viên đại học, đào tạo, giáo dục Việt Nam, bằng cấp, sinh viên
Một trong các tiêu chí là sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi. Ảnh minh họa

Câu hỏi đặt ra là: Có cần chuẩn hóa việc đào tạo giảng viên ĐH?

Theo thông lệ tiêu chuẩn đầu tiên để có thể thi vào ngạch viên chức giảng viên ĐH là phải tốt nghiệp hệ chính quy loại xuất sắc,  giỏi hoặc khá. Không có gì sai khi cho rằng đạt được tấm bằng giỏi bậc ĐH khó hơn nhiều, thậm chí là rất nhiều so với có tấm bằng thạc sĩ.

Có thể đơn cử, năm 2011 ĐH Bách khoa HN có gần 3200 sinh viên tốt nghiệp, chỉ có ba sinh viên xuất sắc, 182 sinh viên giỏi. Trong khi đó "thống kê của Trường ĐH Bách khoa HN cho thấy số lượng thạc sĩ đào tạo mỗi năm là hơn 2.000 ngườicòn ĐH Kinh tế Quốc dân là 1500 người"[1]

Vậy trình độ thạc sĩ của Việt Nam ngày nay ra sao?

Được biết Vụ GDĐH đang kiến nghị Bộ GD và ĐT dừng hơn 100 chương trình đào tạo thạc sĩ không đảm bảo chất lượng. Vậy trong số 20000 đến 25000 thạc sĩ nhận bằng tốt nghiệp hàng năm [2],  có bao nhiêu người theo học các chương trình này? Và bao nhiêu trong số đó là các giảng viên ĐH tương lai?

Nếu kiến nghị của Vụ GDĐH được chấp thuận, liệu các trường ĐH, học viện có dám cho ra khỏi ngành hoặc đình chỉ giảng dạy với các giảng viên tốt nghiệp chương trình đào tạo này?

Một vị GS, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Nghiệp HN từng tuyên bố không tuyển dụng thạc sĩ làm giảng viên, nếu người đó tốt nghiệp ĐH loại trung bình hoặc trung bình khá. Theo vị hiệu trưởng này thì một số lượng không nhỏ các giảng viên có bằng thạc sĩ  thực chất là một hình thức "rửa bằng".

Nói một cách công bằng ông hiệu trưởng nọ hoàn toàn có lý. Nhiều sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức của Trường ĐH Nông nghiệp ba, bốn năm sau đã là thạc sĩ và trở thành trưởng khoa, trưởng bộ môn của các trường trung cấp, cao đẳng.

Tại ĐH C. (Hưng Yên) mọi người đều biết một cán bộ phòng đào tạo, tốt nghiệp hệ phi chính quy, học cao học anh ta không biết tìm tài liệu tham khảo trên mạng như thế nào, có người tìm hộ và sửa giúp, anh ta lại không biết cách gửi email cho thầy hướng dẫn, thế nhưng luận án vẫn được ...chín điểm.

Sau khi có bằng thạc sĩ người này lập tức yêu cầu được tham gia giảng dạy tại trường. Đương nhiên khoa chuyên môn phải tổ chức cho anh ta giảng thử và tất cả đều lắc đầu ngao ngán. Từ đây có thể thấy những kẽ hở luật pháp bao giờ cũng được vận dụng triệt để.

Thạc sĩ... tại chức?

Liệu chất lượng đào tạo thạc sĩ ở nước ta đã có quy trình kiểm nghiệm theo kiểu ISO 90xx nào đó? Khi mà hệ đào tạo ĐH tại chức đang teo dần đi thì "nồi cơm" của nhiều trường ĐH, học viện chính là đào tạo thạc sĩ. Cũng cần phải nói thẳng ra rằng cách đào tạo "thạc sĩ chính quy" của một số trường, viện hiện nay thực chất vẫn là đào tạo "thạc sĩ tại chức".

Đơn giản bởi họ chỉ dạy và học vào buổi tối, hoặc ngày nghỉ. Sau một ngày lao động căng thẳng, học viên vội đến trường để còn kịp điểm danh. Có người còn phải đi xa 40- 50 cây số, liệu họ còn đủ năng lượng để tỉnh táo tiếp thu bài giảng?

Với những thạc sĩ "rất rõ nguồn gốc xuất xứ đó" ai mà biết bao nhiêu người được "thông quan" qua cửa khẩu "phong bì"? Hệ quả tất yếu của quá trình đó là trình độ chuẩn mà giảng viên ĐH  phải có (thạc sĩ) liệu đã đủ chuẩn?

Về tiêu chí thứ hai: Chứng chỉ  nghiệp vụ sư phạm.

Bản thân Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư­ phạm cho giảng viên ĐH, CĐ(Ban hành kèm theo Quyết định số 61/2007/QĐ-BGD&ĐT) đã chứa đựng nhiều bất cập. Ai cũng có thể thấy sự khập khiễng trong quy định đối tượng tham gia bồi dưỡng:

"Những ngư­ời có trình độ từ ĐH trở lên, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, có nguyện vọng trở thành giảng viên các tr­ường ĐH, CĐ"...

"Sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi các tr­ường ĐH, CĐ có phẩm chất tốt, có nguyện vọng trở thành giảng viên các tr­ường ĐH, CĐ"...

"Sinh viên tốt nghiệp loại khá giỏi"  và "những người có trình độ từ ĐH trở lên" giống và khác nhau ở điểm nào?

Ngày xưa giảng viên ĐH bắt buộc phải có "chứng chỉ GDĐH". Ngày nay theo luật họ cần có "chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm". Có thể thấy không ít giảng viên tốt nghiệp ĐH sư phạm nghiễm nhiên cho rằng họ đã có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Ở một số trường ĐH tư thục nhiều người có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm nhưng họ được đào tạo như thế nào?

Vào địa chỉ http://rongbay.com sẽ thấy thông tin: Nhóm"TRI THỨC CỘNG ĐỒNG chuyên nhận làm thuê luận văn, viết thuê luận vănvà hướng dẫnluận văn, luận án, tiểu luận, bài tập lớn, báo cáo, chuyên đề, essay, assignment, dissertation ĐH, Cao học, thạc sĩ".

Cũng tại địa chỉ này còn có thông tin: "Mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm ĐH cho những người giảng dạy ở trường ĐH, CĐ. Thời lượng: 15 tín chỉ. Học phí:  2.100.000đ.

Cũng rất dễ dàng tìm được thông tin sau:

Chương trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm bậc 1 và 2. Trường CĐ Điện tử Điên lạnh, Ngõ 86,Phố chùa Hà, Dịch Vọng, Cầu Giấy- HN. Điện thoại liên hệ: 0946756686. Chị Hằng- giáo viên chủ nhiệm (gặp trực tiếp giáo viên chủ nhiệm để đăng ký HỌC và dự thi). Có cấp chứng chỉ ngay theo nhu cầu của học viên.

Bằng thạc sĩ có thể thuê làm (với giá thỏa thuận) thì việc có cấp chứng chỉ (sư phạm) ngay theo nhu cầu của học viên âu cũng là chuyện bình thường.

Phải chăng đã đến lúc Bộ GD và ĐT cần xem xét lại việc đào tạo đội ngũ giảng viên ĐH. Phải có những chuẩn riêng cho các chương trình đào tạo thạc sĩ- giảng viên, trong đó bên cạnh kiến thức khoa học cần chú trọng đặc biệt tới đào tạo "chuẩn mực người thầy".

Hiện nay các chương trình đào tạo thạc sĩ- giảng viên chỉ chú trọng tới kiến thức chuyên môn thuần túy mà quên đi những ứng xử văn hóa tạo thành nên hình tượng người giảng viên ĐH. Thậm chí kiến thức chuyên môn cũng có điều cần phải bàn luận.

Người viết đã từng chứng kiến một giảng viên trẻ sử dụng máy chiếu để giảng. Khi mất điện thầy đành cho sinh viên nghỉ vì giảng đường "không đủ ánh sáng". Thực ra là vì... thầy không thuộc bài. Không một trường lớp nào đào tạo được "người thầy hoàn hảo" song việc "nói không" với  những thầy dưới chuẩn là việc có thể làm.

Các trường công lập gần như 100% giảng viên tốt nghiệp từ khá trở lên, một số trường ngoài công lập không được như vậy. Chỉ dựa vào hai tiêu chí mà luật quy định, đội ngũ giảng viên ĐH của chúng ta chắc chắn còn lâu mới đạt đến trình độ khu vực chứ chưa nói đến trình độ quốc tế.

Giảng viên ĐH là thầy của thầy. Mong rằng Bộ GD và ĐT tìm lại hồ sơ lưu trữ về việc đào tạo giảng viên dưới thời cố Bộ trưởng Tạ Quang Bửu.

(Theo VnExpress.net)