Đó là cách tuyển sinh của khá nhiều trường ĐH, CĐ trong kỳ tuyển sinh năm 2012.
Việc tuyển sinh các ngành học cứng nhắc theo những khối thi A, B, C, D không phải là điều hay. Tuy nhiên, khi đã tuyển theo khối thi mà lại chọn những khối thi có mảng kiến thức không mấy liên quan hoặc trái ngược với chương trình đào tạo sẽ khiến thí sinh thêm hoang mang. Quan trọng hơn, nếu trúng tuyển các bạn sẽ gặp nhiều khó khăn khi theo học những ngành này, nhất là trong điều kiện khá nhiều học sinh đang học lệch như hiện nay.
Tréo ngoe
Chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh năm nay, hai trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM là Bách khoa và Quốc tế thông báo bổ sung khối A1 với ba môn thi toán, vật lý, tiếng Anh vào tất cả các ngành tuyển sinh khối A của trường. Trong đó, Trường ĐH Bách khoa tuyển khối A1 cho nhóm ngành công nghệ hóa - thực phẩm sinh học với các chuyên ngành như kỹ thuật hóa học, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học. Ngoài ra khối A1 cũng được tuyển cho các ngành địa chất, dầu khí, môi trường, vật liệu... Ngành công nghệ sinh học trang bị sâu về kiến thức sinh học, các kỹ thuật gen, công nghệ tế bào, công nghệ vi sinh vật, công nghệ protein, enzym và công nghệ sinh học môi trường. Ngành công nghệ hóa học trang bị kiến thức về các chuyên ngành như hóa vô cơ, công nghệ hóa lý - phân tích, công nghệ hóa hữu cơ, công nghệ chế biến dầu khí, quá trình và thiết bị công nghệ hóa học... trong khi khối thi A hay A1 chẳng có môn thi nào liên quan đến kiến thức nền tảng về sinh hay hóa.
Nhiều trường khác lại tuyển cả khối C cho ngành quản trị kinh doanh hay phát triển nông thôn. Trường ĐH Nông lâm (ĐH Huế) tuyển khối C cho ngành phát triển nông thôn bên cạnh các khối A và khối ngoại ngữ.
Cá biệt hơn, Trường CĐ Phương Đông (Quảng Nam) tuyển cả khối C cho ngành quản trị kinh doanh bên cạnh khối A, A1 và D1. Một số trường khác như ĐH Trà Vinh, CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Hạ Long... cũng tuyển khối C cho các ngành quản trị nhà hàng và khách sạn, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành...
Thực tế các chuyên ngành này đều thuộc ngành quản trị kinh doanh và vốn được hầu hết các trường tuyển khối A, A1 và D1. Cũng mở rộng khối thi nhưng Trường CĐ Bách Việt lại tổ chức thi tuyển khối A, A1, D1 cho ngành thiết kế thời trang; A, A1 cho ngành thiết kế đồ họa và C cho ngành thiết kế nội thất. Chỉ khi xét các nguyện vọng còn lại trường mới bổ sung các khối năng khiếu như V, H.
Sẽ khó khăn cho thí sinh khối C nếu phải học các môn của ngành quản trị như toán cao cấp, toán ứng dụng, kinh tế học, quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính doanh nghiệp, quản trị nhân lực, quản trị chất lượng... Với ngành phát triển nông thôn của Trường ĐH Nông lâm (ĐH Huế), ngoài một vài môn xã hội, sinh viên sẽ phải học rất nhiều môn tự nhiên khác như toán cao cấp, xác suất thống kê, vật lý, hóa học, kinh doanh nông nghiệp, kinh tế nông thôn...
TS Hoàng Hữu Hòa - trưởng ban khảo thí và đảm bảo chất lượng ĐH Huế - cũng cho rằng trường đã tuyển khối C từ năm 2011 và số sinh viên dự thi khối C gặp nhiều khó khăn hơn trong học tập so với thí sinh dự thi khối tự nhiên.
Để rộng cửa đầu vào?
Giải thích về những khối tuyển “tréo ngoe” này, PGS-TS Hồ Thanh Phong - hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng trước đây thí sinh khối A, B khi trúng tuyển ngành công nghệ sinh học gặp rất nhiều khó khăn trong ba năm đầu tiên do ngoại ngữ chưa tốt. Do đó, trường quyết định bổ sung khối D1, A1 cho ngành này. Ông Phong cho rằng thí sinh các khối này đã học môn sinh học ở bậc phổ thông nên đủ nền tảng để theo học ngành này.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thanh Nam - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng thi tuyển đầu vào ĐH mới chỉ là đánh giá bước đầu. Thực tế không phải thí sinh không thi khối A1 hay D1 đều dở tiếng Anh. Vì vậy, ngược lại thí sinh khối A1 cũng có thể học tốt hóa hay sinh vì có nền tảng từ bậc phổ thông.
TS Trần Mạnh Thành - phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt - tuy cho rằng việc tuyển sinh các khối ngoài năng khiếu là tạo điều kiện cho thí sinh lựa chọn nhưng ông cũng cho biết thêm: sau khi thí sinh trúng tuyển trường sẽ định hướng nghề nghiệp và giới thiệu chương trình học cho sinh viên. Nếu cảm thấy không phù hợp sinh viên có thể chuyển qua ngành khác.
Trong khi đó, trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng các trường đã chủ quan khi chọn khối thi. Ông cho rằng khi chọn những khối thi “tréo ngoe” với ngành học tuy dễ trúng tuyển nhưng nếu không có nền tảng tốt, chẳng hạn khối C khi học quản trị kinh doanh, sinh viên sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Không thuận lợi cho người học
PGS.TS Ngô Minh Oanh - viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho rằng nếu môn thi không gắn với chương trình đào tạo sau này sẽ ảnh hưởng đến quá trình học của sinh viên. Xu hướng chọn ngành hiện nay của thí sinh là chọn theo năng lực. Thí sinh giỏi khối A dĩ nhiên sẽ khó mà chọn thi khối C. Cũng có trường hợp chọn ngành theo sở thích (buộc phải từ bỏ yếu tố năng lực), giỏi khối A và thích ngành B nhưng ngành B chỉ tuyển khối C nên buộc phải dự thi khối C song số này không nhiều. Nếu theo ngành hóa mà khối thi không có hóa rõ ràng là điều không thuận lợi cho quá trình học tập sau này.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, trưởng Ban ĐH - sau ĐH ĐH Quốc gia TP.HCM, lại cho rằng các khối thi hiện nay chưa phải là phương án tốt nhất cho tất cả các ngành. Việc mở rộng khối thi như thế, quá trình học có thể sinh viên gặp khó khăn nhưng không phải là không học được.
Trong khi đó, TS Vũ Thị Phương Anh - phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập - đánh giá: khối thi hiện nay được quy định quá cứng nhắc. Lẽ ra các trường nên được quyền tự chủ chọn môn thi phù hợp với yêu cầu đào tạo của mình chứ không phải theo các khối thi quy định sẵn.
(Theo Tuổi Trẻ)