Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Năm 2012: Tiếp tục thi “ba chung”

Cập nhật 01/11/2011 - 10:37:38 AM (GMT+7)
Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2012 cơ bản giữa ổn định theo phương pháp “ba chung” nhưng sẽ có điều chỉnh, bổ sung

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định như vậy trong Hội nghị sơ kết 1,5 năm thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTG của Thủ tướng và tổng kết năm học 2010-2011 khối các trường đại học, cao đẳng được tổ chức tại 6 điểm cầu Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, TP HCM, và Cần Thơ.

Năm 2012, giảm chỉ tiêu tuyển sinh không chính quy

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, năm học tới (2012), sẽ cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh hệ không chính quy, giảm dần chỉ tiêu trung cấp chuyên nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng, đồng thời tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng để từng bước nâng cao chất lượng hệ đào tạo chính quy.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, năm 2012 về cơ bản vẫn giữ ổn định theo giải pháp “ba chung” nhưng sẽ có những điều chỉnh, bổ sung một cách hợp lý theo hướng mở rộng khối thi.

Về công tác tuyển sinh trong năm tới, Thứ trưởng Ga cho biết, vẫn giữ nguyên hình thức thi “ba chung” như mọi năm. “Thực hiện Nghị quyết 37 Quốc hội khóa XI, tiếp tục cải tiến thi cử theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, bảo đảm quyền lợi và công bằng cho thí sinh, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 về cơ bản vẫn giữ ổn định theo giải pháp “ba chung” nhưng sẽ có những điều chỉnh, bổ sung một cách hợp lý theo hướng mở rộng khối thi, điều chỉnh phương thức tuyển sinh đối với các ngành năng khiếu, bổ sung chính sách đối với học sinh giỏi quốc gia” Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết.

Để có được phương thức tuyển sinh hoàn chỉnh hơn trong  thời gian tới, Thứ trưởng Ga cho biết, sẽ tổ chức các hội thảo chuyên đề về tuyển sinh và tham khảo ý kiến rộng rãi các trường, các sở giáo dục và đào tạo, trong toàn xã hội để xác định được phương thức tuyển sinh hợp lí nhất.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, phương án tuyển sinh mới phải đáp ứng được ba yêu cầu. Thứ nhất là không để tái diễn tình trạng luyện thi tràn lan. Thứ hai, phải đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, công bằng. Thứ ba, phải có cơ chế để nhà trường, xã hội, cơ quan chức năng có thể kiểm tra, giám sát.

Trong nhiệm vụ trọng tâm năm học 2011-2012, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, các trường đại học phải tiếp tục hoàn thiện các điều kiện cho việc chuyển sang đào tạo theo tín chỉ. “Bộ sẽ sửa đổi, bổ sung Quy chế đào tạo đại học, cao đẳng theo hệ thống tín chỉ cho phù hợp với thực tiễn, xây dựng khung chính sách  quy định về việc công nhận và chuyển đổi tín chỉ giữa các trường, kèm theo đó là  phần mềm quản lí đào tạo tín chỉ dùng chung trong cả nước” Thứ trưởng Ga cho biết.

Một trong những nhiệm vụ của năm 2011-2012 có nêu, sẽ kéo dài thời gian công tác của các nhà khoa học là giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ khoa học. Tiếp tục đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện và năng lực tự chủ, đồng thời tăng cường công tác giám sát, kiểm tra. Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động liên kết đào tạo, đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm.

Sẽ thanh, kiểm tra đến nơi những cơ sở giáo dục chưa đạt yêu cầu

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết, kỳ thi tuyển sinh vừa qua được xã hội đánh giá cao. Tuy nhiên, một số trường thực hiện chưa nghiêm túc Quy chế tuyển sinh, không thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kịp thời khi có tình huống phát sinh, dẫn đến sai sót trong coi thi, một số trường đã thông tin, quảng bá các biện pháp thu hút thí sinh trong xét tuyển thiếu lành mạnh, gây phản cảm và bức xúc trong xã hội.

Phương án tuyển sinh mới phải đáp ứng được ba yêu cầu. Thứ nhất là không để tái diễn tình trạng luyện thi tràn lan. Thứ hai, phải đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, công bằng. Thứ ba, phải có cơ chế để nhà trường, xã hội, cơ quan chức năng có thể kiểm tra, giám sát.

Những nét đổi mới trong kỳ thi tuyển sinh vừa qua, Thứ trưởng Ga nói: “Việc đổi mới công tác thanh tra tuyển sinh từ hình thức thanh tra cố định sang hình thức lưu động đã có tác dụng tích cực trong nâng cao hiệu quả giám sát, bao quát tổng thể hoạt động tuyển sinh.

Một số trường tự ý chuyển thí sinh không trúng tuyển NV1 xuống các hệ đào tạo khác của trường, không cấp kết quả thi của thí sinh tham gia xét tuyển, thậm chí có trường không gửi giấy bao trúng tuyển cho thí sinh không có nguyện vọng đăng kí xét tuyển vào trường. Những sai phạm này đã được Bộ xử lí nghiêm theo Quy chế tuyển sinh, đồng thời xử phạt hành chính trong hoạt động giáo dục”.

Được biết, trong kỳ tuyển sinh vừa qua Bộ GD&ĐT thực hiện theo NQ 50 của Quốc hội tạm dừng giao nhiệm vụ mở ngành đào tạo cao đẳng, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ của các cơ sở đào tạo để xây dựng mới, phân cấp đào tạo và cấp bằng tiến sỹ cho các cơ sở đào tạo sau đại học. Tạm ngừng tuyển sinh 101 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sỹ, 2 phân hiệu không đúng quy định, tạm ngừng tuyển sinh đại học hệ chính quy của trường đại học Công nghệ Đông Á và trường đại học Phan Châu Trinh.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Bộ đã thành lập Đoàn kiểm tra việc thực hiện cam kết theo đề án khi thành lập trường đại học Văn Hiến, cao đẳng Công nghệ thông tin, trường đại học Kiến trúc Đà Nẵng, trường đại học DL Đông Đô. Những trường trên không thực hiện đúng với cam kết đã bị sử lí ở mức: Không tăng chỉ tiêu tuyển sinh, giảm chỉ tiêu tuyển sinh, đình chỉ hoạt động đào tạo và xem xét giải thể trường.

Tỉ lệ cam kết của các trường ở mức cao.

Đến nay cả nước có 314 trường đại học, cao đẳng (đạt tỷ lệ 76,2%) tổ chức rà soát, bổ sung các chỉ số xây dựng mới chiến lược phát triển trường giai đoạn 2011-2015, định hướng 2020.

Đã có 270 trường đại học, cao đẳng (đạt 65,2%) xây dựng và công bố được chuẩn đầu ra đào tạo. Và cũng theo thống kê, hiện đã có 294 trường đại học, cao đẳng (đạt 71%) xây dựng cam kết chất lượng đào tạo.  Theo báo cáo của các trường, đến ngày 30/4/2011, đã có 268 trường đại học, học viện, cao đẳng lập danh sách và cử 24.396 giảng viên đi đào tạo tiến sỹ trong và ngoài nước.

(Theo Báo Giáo Dục Việt Nam)


Tin Nổi Bật